Đăng ký đầu tư

Một phần của tài liệu Thủ tục đăng ký và thẩm tra dự án đầu tư theo pháp luật đầu tư ở Việt Nam (Trang 25 - 26)

1.2.1.1. Khái niệm về đăng ký đầu tư

Theo Đại từ điển tiếng việt của Nhà xuất bản văn hoá thông tin, trang 601 thì thuật ngữ đăng ký được hiểu là việc: “Đứng gia khai báo để được cấp giấy công nhận về quyền hạn nghĩa vụ nào đó”.[40]

Trong cuốn Từ điển Luật học của Nhà xuất bản tư pháp không có khái niệm về Đăng ký đầu tư mà chỉ có khái niệm về Đăng ký kinh doanh, theo đó Đăng ký kinh doanh được hiểu như sau: “ Sự ghi nhận bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về mặt pháp lý sự ra đời của chủ thể kinh doanh. Đăng ký kinh doanh được thực hiện theo trình tự thủ tục luật định, áp dụng thống nhất trong cả nước khi ĐKKD, các thông tin cần thiết về doanh nghiệp được ghi vào sổ ĐKKD, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận ĐKKD có thể bắt đầu hoạt động. Tổ chức, cá nhân được yêu cầu cơ quan ĐKKD hướng dẫn về thủ tục nội dung ĐKKD, cấp bản sao giấy chứng nhận ĐKKD, giấy chứng nhận thay đổi ĐKKD…và phải trả phí theo qui định của pháp luật. Việc ĐKKD tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý Nhà nước về kinh tế, xác nhận sự tồn tại và hoạt động của doanh nghiệp, cung cấp thông tin cần thiết về doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia quan hệ với doanh nghiệp”

Hay đăng ký đất đai được hiểu là việc cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hợp pháp nhằm xác lập mối quan hệ pháp lý đầy đủ giữa Nhà nước với người sử dụng đất, làm cơ sở để Nhà nước quản lý chặt chẽ toàn bộ đất đai theo pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất. Bởi vì trong quá trình sử dụng đất sẽ luôn có những thay đổi khi người sử dụng đất thực hiện các quyền sử dụng đất của mình (chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp,…). Chính vì vậy, người sử dụng đất cần đến cơ quan Nhà nước để đăng ký sự biến đổi về thửa đất mà mình đang sử dụng, giúp Nhà nước quản lý tốt hơn quỹ đất trong toàn quốc cũng như để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình.[43]

Trong hệ thống các văn bản pháp luật về đầu tư cũng không có qui định về khái niệm Đăng ký đầu tư. Nghị định 101/2006/NĐ-CP ban hành ngày 21/9/2006 chỉ có khái niệm về “Đăng ký lại” là việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đăng ký kinh doanh theo qui định của Luật doanh nghiệp để thực hiện dự án đầu tư theo qui định của Luật đầu tư và được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới mà vẫn giữ nguyên loại hình doanh nghiệp theo giấy phép đầu tư đã được cấp; Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận ĐKKD. (Điều 3 Nghị định 101/2006/NĐ-CP ban hành ngày 21/9/2006)

Xét về bản chất của Đăng ký dự án đầu tư là việc cơ quan Nhà nước xác nhận hoặc chứng nhận nội dung dự án đầu tư dựa trên thông tin do nhà đầu tư cung cấp. Do đó, có thể hiểu khái niệm của đăng ký đầu tư: “ là sự ghi nhận của cơ quan nhà nước về quản lý đầu tư công nhận về mặt pháp lý quyền hạn hoặc nghĩa vụ nào đó của chủ đầu tư”

Một phần của tài liệu Thủ tục đăng ký và thẩm tra dự án đầu tư theo pháp luật đầu tư ở Việt Nam (Trang 25 - 26)