Khái niệm thẩm tra và thẩm định dự án đầu tư

Một phần của tài liệu Thủ tục đăng ký và thẩm tra dự án đầu tư theo pháp luật đầu tư ở Việt Nam (Trang 30 - 33)

- Đăng ký theo thủ tục tư pháp

1.2.2.1. Khái niệm thẩm tra và thẩm định dự án đầu tư

Theo cuốn Đại từ điển Tiếng Việt: “ Thẩm định là việc xem xét để xác định về chất lượng” còn “ Thẩm tra là việc điều tra, tìm hiểu để xem xét lại điều đã kết luận hoặc khai báo trước đó có chính xác hay không”.

Trong cuốn Từ điển Luật học: “Thẩm định, xem xét đánh giá và đưa ra kết luận mang tính pháp lý bằng văn bản về một vấn đề nào đó. Hoạt động này do tổ chức cá nhân có chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện, việc thẩm định có thể tiến hành với nhiều đối tượng khác nhau như: thẩm định dự án; thẩm định báo cáo; thẩm định hồ sơ thiết kế; thẩm định đồ án thiết kế qui hoạch xây dựng; thẩm định dự thảo văn bản qui phạm pháp luật…Trình tự thẩm định thông thường gồm các bước: tiếp nhận hồ sơ, phân công thẩm định; Tổ chức nghiên cứu thẩm định; Ký gửi báo cáo thẩm định: Lưu giữ hồ sơ thẩm định”, còn “ Thẩm tra, kiểm tra xem xét các nội dung cơ bản của một vấn đề nào đó

để đi đến tính kết luận và tính đúng đắn tính hợp pháp và tính khả thi. Quá trình này do tổ chức cá nhân có thẩm quyền tiến hành theo qui định của pháp luật. Việc thẩm tra có thể áp dụng với nhiều đối tượng khác nhau như: thẩm tra thiết kế, thẩm tra dự án luật, thẩm tra luận chứng kinh tế - kỹ thuật, thẩm tra giám định thiết kế..”

Theo giáo trình kinh tế của trường Đại học kinh tế quốc dân thì khái niệm thẩm định dự án đầu tư được hiểu là: “việc tổ chức xem xét đánh giá một cách khách quan khoa học và toàn diện các nội dung cơ bản có ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng thực hiện và hiệu quả của dự án để từ đó ra quyết định đầu tư, cho phép đầu tư, hoặc tài trợ vốn cho dự án”[21]

Trước khi ban hành luật đầu tư chung thì trong hệ thống các văn bản pháp luật về đầu tư không dùng thuật ngữ “ Thẩm tra” mà dùng thuật ngữ “ Thẩm định” nhưng từ khi ban hành Luật đầu tư chung 2005 thì trong các văn bản pháp lý liên quan đến đầu tư thì thuật ngữ “ Thẩm tra” thay cho thuật ngữ “Thẩm định” trước đây.

Tại sao lại có sự thay đổi như vậy? Bởi vì,“ thẩm định” sẽ gánh trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với tất cả các dự án thuộc diện phải thẩm định trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư. Cơ quan thẩm định yêu cầu chủ đầu tư phải đưa ra tất cả những gì liên quan đến dự án cần thẩm định và chủ đầu tư phải cung cấp đầy đủ những gì mà cơ quan tiến hành thẩm định yêu cầu. Kết quả của việc thẩm định dự án đầu tư đúng hay sai thì trách nhiệm sẽ thuộc về cơ quan thẩm định dự án. Hơn nữa, việc tiến hành thẩm định đòi hỏi phải chi tiết và tỉ mỉ. Các cơ quan tiến hành thẩm định phải xem xét sự phù hợp của dự án với qui hoạch phát triển kinh tế xã hội, qui hoạch phát triển ngành, qui hoạch xây dựng. Xem xét tư cách pháp nhân và năng lực chủ đầu tư như: quyết định thành lập của các doanh nghiệp nhà nước hoặc giấy phép hoạt động đối với các thành phần kinh tế khác; người đại diện chính thức, địa chỉ liên hệ giao

dịch; năng lực kinh doanh; năng lực tài chính. Xem xét sự phù hợp của dự án đối với các văn bản pháp qui của nhà nước, các qui định chế độ khuyến khích ưu đãi. Xem xét nhu cầu sử dụng đất, tài nguyên, khả năng giải phóng mặt bằng….

Mặt khác, đối với công tác thẩm định yêu cầu đội ngũ chuyên môn phải cao tức là: phải nắm được chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của địa phương, các qui chế luật pháp về quản lý kinh tế, quản lý đầu tư; hiểu biết về bối cảnh, điều kiện và đặc điểm cụ thể của dự án tình hình và trình độ kinh tế chung của địa phương; biết khai thác số liệu trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp, các thông tin về giá cả thị trường để phân tích hoạt động chung của doanh nghiệp, từ đó có thêm căn cứ vững chắc đề quyết định đầu tư hoặc cho phép đầu tư; biết xác định và kiểm tra các chỉ tiêu kinh tế quan trọng của dự án..

Còn “ thẩm tra” sẽ gắn trách nhiệm cho chủ đầu tư, cơ quan nhà nước sẽ giảm bớt gánh nặng cho mình. Việc tiến hành thẩm tra trên cơ sở những gì mà nhà đầu tư đưa ra, kết quả của việc thẩm tra và hoạt động của dự án đầu tư đúng hay sai sẽ do nhà đầu tư chịu trách nhiệm. Như vậy nhà đầu tư có quyền tự do định đoạt hoạt động đầu tư của mình, bởi hơn ai hết chủ đầu tư là người hiểu rõ nhất nội dung hoạt động dự án đầu tư của mình và để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của mình chủ đầu tư sẽ biết những gì cần phải thẩm tra để đảm bảo cho tính khả thi dự án của mình. Vì vậy, Luật đầu tư 2005 đã sử dụng thuật ngữ “ thẩm tra” thay cho thuật ngữ “thẩm định” Theo tôi việc dùng thuật ngữ “thẩm tra” theo như phân tích ở trên là hợp lý hơn.

Khái niệm thẩm tra dự án đầu tư có thể hiểu là:“việc điều tra tìm hiểu, để xem xét lại điều đã kết luận trước đó là đúng hay sai, kiểm tra đánh giá việc thực hiện dự án đầu tư, trên cơ sở đó cơ quan nhà nước quản lý về đầu tư sẽ ra quyết định đầu tư, hay cho phép đầu tư hoặc tài trợ vốn”

Một phần của tài liệu Thủ tục đăng ký và thẩm tra dự án đầu tư theo pháp luật đầu tư ở Việt Nam (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)