Qui định Tiêu chí thẩm tra

Một phần của tài liệu Thủ tục đăng ký và thẩm tra dự án đầu tư theo pháp luật đầu tư ở Việt Nam (Trang 63 - 65)

- Đăng ký theo thủ tục tư pháp

2.2.4.Qui định Tiêu chí thẩm tra

Nhà đầu tư phải thực hiện việc đăng ký thẩm tra đầu tư đối với các dự án đầu tư trong nước và dự án có vốn đầu tư nước ngoài thuộc diện phải thẩm tra đầu tư.

* Đối với dự án đầu tư không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, tiêu chí thẩm tra dự án đầu tư bao gồm:

- Sự phù hợp của dự án đối với qui hoạch (qui hoạch kết cấu hạ tầng kỹ thuật; qui hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng; qui hoạch thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản và các nguồn tài nguyên khác). Đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực chưa có trong qui hoạch nêu trên, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan;

- Nhu cầu sử dụng đất của dự án: diện tích đất, loại đất và tiến độ sử dụng đất;

- Tiến độ thực hiện dự án: tiến độ thực hiện vốn đầu tư, tiến độ xây dựng, tiến độ thực hiện các mục tiêu của dự án;

- Giải pháp về môi trường: đánh giá các yếu tố tác động đến môi trường và giải pháp xử lý phù hợp với qui định của pháp luật về môi trường. * Ngoài các tiêu chí trên, đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư phải thẩm tra đánh giá khả năng đáp ứng các điều kiện theo qui định của pháp luật hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo đó cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư phải xin ý kiến thẩm tra các Bộ quản lý ngành có liên quan về các điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện hoặc lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài.

Một trong những tiêu chí thẩm tra quan trọng là thẩm tra sự phù hợp với qui hoạch và kết cấu hạ tầng kỹ thuật, sử dụng đất, xây dựng, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và qui hoạch được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt hoặc uỷ quyền phê duyệt (đối với dự án do Thủ tướng Chính Phủ chấp thuận đầu tư).Tuy nhiên, có một thực tế là các nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài rất khó tiếp cận các qui hoạch vùng, ngành, hay địa phương của các cơ quan Nhà nước để có thể tìm hiểu yêu cầu hay điều kiện của dự án đầu tư. Hơn nữa, theo tiêu chí thẩm tra dự án trên của Luật đầu tư hiện nay đã có sự chồng chéo với Luật đất đai. Cụ thể là, theo trình tự thẩm tra dự án – qui định tại khoản 2 Điều 48 Luật đầu tư và căn cứ giao đất cho thuê đất tại Điều 31 Luật đất đai đều có tiêu chí là: “ Phù hợp với qui hoạch sử dụng đất; Phù hợp với qui hoạch xây dựng; Nhu cầu sử dụng đất”. Việc thẩm tra tiêu chí nói trên trong trường hợp cấp giấy chứng nhận đầu tư do Sở kế hoạch đầu tư làm cơ quan đầu mối thực hiện theo qui định của pháp Luật về đầu tư, còn trong

trường hợp xin giao đất, cho thuê đất do Sở tài nguyên và môi trường thực hiện theo qui định tương ứng của pháp luật về đất đai….dẫn đến hiện tượng cùng một tiêu chí nhưng thẩm định nhiều lần, theo trình tự thủ tục và thẩm quyền khác nhau. Do đó, có thể mâu thuẫn về kết quả giải quyết, lúc đầu thì đồng ý sau đó lại không đồng ý, cơ quan này chấp thuận, cơ quan khác có thể không chấp thuận dẫn đến có thể gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Qui định tiến độ thực hiện dự án đầu tư do nhà đầu tư lập và tự chịu trách nhiệm. Là căn cứ để tạm ngừng, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. Tuy nhiên thực tế nếu không có tiêu chí để làm khung cơ sở cho việc đề xuất thực hiện dự án thì có thể nhà đầu tư cố tình đưa ra một tiến độ thực hiện dự án kéo dài hơn bình thường nhưng cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư không có cơ sở để bác bỏ.

Đối với dự án thuộc diện phải thẩm tra nhu cầu sử dụng đất và thẩm tra về qui hoạch chưa có qui định rõ về nội dung thẩm tra.

Một phần của tài liệu Thủ tục đăng ký và thẩm tra dự án đầu tư theo pháp luật đầu tư ở Việt Nam (Trang 63 - 65)