b. Tư tưởng dân chủ tư sản từ bên ngoài truyền vào qua Tân thư, Tân văn
2.1.3 Tư tưởng duy tân về xã hộ
“Chấn dân khí” là một trong những nội dung chủ yếu, cơ bản của tư tưởng duy tân. “Chấn dân khí” đòi hỏi phải giải thoát, xóa bỏ tư tưởng bàng quan, vô trách nhiệm đối với Tổ quốc, đồng bào và đối với cả bản thân mỗi người do những định kiến, quan niệm, tư tưởng cổ hủ, lạc hậu và ách chuyên chế thực dân, phong kiến gây ra. Mục tiêu của “Chấn dân khí” là khơi dậy tinh thần đấu tranh cho độc lập dân tộc, xây dựng xã hội dân chủ, văn minh, tạo lập phồn vinh cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân. Vì vậy, trước hết phải đả phá tư tưởng “thiên mệnh” của Nho giáo vì nó làm cho người ta cam chịu yên phận nô lệ.
* Đả phá tư tưởng “Thiên mệnh” của Nho giáo
Tư tưởng “Thiên mệnh” của Nho giáo đã thống trị và chi phối nặng nề đời sống tinh thần xã hội Việt Nam dài cả nghìn năm nay gây tác hại không nhỏ trong tư tưởng, tình cảm của mỗi người dân dưới thời phong kiến. Trước cảnh đất nước chìm đắm trong vòng áp bức kìm kẹp dã man của thực dân
Pháp, cái thuyết “mệnh trời” làm cho dân ta cam chịu, yên phận kẻ tôi đòi, nô lệ.
Vì vậy, các nhà sáng lập Đông Kinh nghĩa thục đã kịp thời vạch trần tính chất sai lầm của nó. Trong “Quốc dân độc bản” có bài “Tin vào mệnh trời là sai” đã phê phán: “Ngày nay chỉ riêng cái thuyết mệnh trời cũng làm cản trở ý chí cạnh tranh của quốc dân ta. Người quân tử tri mệnh là biết không thể tránh được điều hại, không thể hưởng được điều lợi, nhưng cái đáng làm thì cứ làm. Cho nên tri mệnh là để khuyên lập chí, dẫu biết rằng người không có chí thì khi gặp việc là cầu khấn trời giúp cho, hỏng việc đổ cho trời làm hại! Cho nên, nước yếu thì không quy trách nhiệm cho chính sự tồi tệ, quốc dân bất tài, mà lại nói vận số không phải do con người quyết định. Lụt lội, hạn hán thì không trách cứ là không có kế hoạch tiêu nước kịp thời, không phòng ngừa đói kém, mà lại nói thiên tai không phải do người gây nên... Có kế hoạch phòng đói kém thì ngày trước lụt lội, hạn hán nhiều ngày nay ít. Đâu phải tại trời, và không thể thắng được trời” [13, 62-63].
Đây chính là bước đột phá của các nhà Nho Đông Kinh nghĩa thục trong việc phủ định hệ thống “Thiên kinh, địa nghĩa” của Nho giáo cuối mùa thời Nguyễn, loại bỏ quan niệm “Thiên mệnh” về sự an bài quy định trước số phận của đất nước, con người, mở ra một thế giới quan mới, một phương pháp tư duy mới của con người về nhận thức và cải tạo xã hội.
* Lên án phong tục, tập quán hủ lậu
Lương Văn Can và các sĩ phu Đông Kinh nghĩa thục hiểu rằng phong tục tập quán là khu vực tích tụ từ ngàn đời nay, tồn tại nhiều điểm lạc hậu và rất khó chuyển đổi, đồng thời các ông cũng ý thức rất rõ mưu toan làm cho dân trí suy yếu, dân khí bại hoại của thực dân, phong kiến. Khi dành phần lớn công sức để đả phá những thói tục cổ hủ, các nhà Nho yêu nước đầu thế kỷ XX cho rằng: nhân tố hàng đầu của cuộc vận động duy tân chính là vấn đề “xây dựng nhân cách quốc dân”. Điều này trong các điều trần của Nguyễn
Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch chưa được chú trọng. Ở các nhà Khai sáng tư tưởng này cũng không rõ nét vì điều kiện phương Tây khác với Việt Nam.
Xuất phát từ quan điểm lý luận cho rằng: “Xưa nay, trong ngoài, không nước nào trong vài mươi năm mà không thay đổi nếp cũ. Ngày nay, các nước giao thông với nhau, học thức trao đổi với nhau dễ dàng, lấy sở trường của người mà thay học thức trao đổi với nhau dễ dàng, lấy sở trường của người mà thay đổi sở đoản của ta thì nếp cũ tất sẽ thay đổi, không còn nghi ngờ gì nữa” [13, 70]. Cho nên, các nhà sáng lập Đông Kinh nghĩa thục kịch liệt đả phá tư tưởng bảo thủ của nhà Nho, những hủ tục của xã hội, lên án mạnh mẽ những thói hư tật xấu tồn tại trong nhân dân, coi đó là một trở ngại lớn cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Tác giả đã kể ra hiện tượng “hủ lậu” khá điển hình của đám nhà Nho cổ lỗ:
“... Ông khoa mục đến thầy tổng lý Máu tham ăn vô sỉ lạ đời
Sao không mở mặt trông người
Năm châu lừng lẫy, sáu loài đua tranh. Cứ chăm việc tranh giành ăn uống,
Chỉ vùi đầu trong quãng hương thôn” [13, 129].
Lương Văn Can và các sĩ phu Đông Kinh nghĩa thục kịch liệt đả phá tư tưởng bảo thủ của nhà Nho, lên án mạnh mẽ những hủ tục ở nông thôn. Kêu gọi nhân dân thực hiện lối sống mới phù hợp với khoa học, văn minh tiến bộ: cắt tóc ngắn, chống nạn cường hào, ác bá, mê tín, cờ bạc rượu chè…
Đối tượng của công cuộc cải tạo đời sống văn hóa xã hội phần lớn là nông dân. “Bằng tất cả nhiệt tình yêu nước của mình, được tiếp thu và chịu ảnh hưởng của những tư tưởng mới của thời đại, các sĩ phu đã đóng vai trò người chiến sĩ tiên phong đưa quần chúng nhân dân xông vào trận địa chống thực dân, phong kiến” [12, 209] . Phong trào đấu tranh bắt đầu bằng những việc làm có thể xem là “hiền hậu”, “bé nhỏ” như là việc cắt búi tóc. Trong con mắt của những người vận động phong hóa, “cắt búi tóc” được coi như
một hành động cách mạng đoạn tuyệt với những giá trị văn hóa cổ truyền đã trở thành lạc hậu trong thời đại mới, là một hành động tuyên chiến với những gì lạc hậu, sáo mòn. Đối tượng phê phán dưới nhân sinh quan mới của các Nho sĩ tiến bộ đầu thế kỷ XX là tư tưởng bảo thủ, thói tự kiêu của bọn hủ Nho, trung thành một cách cố chấp vào kinh điển Nho gia mà không màng đến khoa học văn minh; Là tư tưởng hám danh cầu lợi, quên Tổ quốc đồng bào, cam tâm làm tay sai cho giặc; Là tư tưởng mê tín dị đoan, đầu hàng số mệnh, tư tưởng hưởng lạc... Phê phán mọi thói hư tật xấu của con người, các trí thức yêu nước muốn đưa ra một mẫu con người mới, chưa từng có trong nền văn hóa cổ truyền dân tộc. Có thể nói, hoạt động của Lương Văn Can và đồng chí là dấu gạch nối để chuyển từ phong trào quần chúng đấu tranh tự phát sang phong trào đấu tranh tự giác giai đoạn sau.
Từ sự đổi mới tư duy dẫn đến đổi mới trong hành động. Nói một cách khác, “vòng kim cô tư tưởng” trên đầu họ được cởi bỏ thì hành động của họ cũng khoáng đạt hơn, mới lạ hơn. “Cuộc vận động cải cách trên bình diện văn hóa đi vào cuộc sống với việc các nhà Nho tự mình cắt bỏ “búi tó củ hành” trên đầu mình như một hành động mang tính cách mạng, ăn vận theo thời trang phương Tây... Đặc biệt, trong lịch sử nước ta xuất hiện một phong trào có cái tên ngộ nghĩnh “Cáo quan về đi buôn”, một nghề mà chính họ mới đây còn khinh thị, tạo nên một ngả đường dẫn tới sự xuất hiện của tầng lớp doanh nghiệp đầu tiên” [65, 197]. Sở dĩ có những hoạt động trên là do ở họ có sự đổi mới tư duy về kinh tế.
2.1.4 Tư tưởng duy tân về kinh tế
Hoạt động của Lương Văn Can và các nhà Nho Đông Kinh nghĩa thục không chỉ chú ý trên lĩnh vực văn hóa – tư tưởng nhằm “hóa dân”, nâng cao dân trí, ý thức của người dân Việt Nam, mà một vấn đề quan trọng, được các nhà Nho duy tân này tuyên truyền và trực tiếp thực hiện, đó là “chấn hưng kinh tế” làm cho nước mạnh. Muốn nước mạnh thì dân phải mạnh, phải giàu,
mà muốn vậy thì dân phải biết sản xuất, kinh doanh trao đổi... để cho có nhiều hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân, nâng cao đời sống kinh tế.
Thời phong kiến, tư duy kinh tế nước ta là “trọng nông, ức thương”, nó xuất phát từ quan niệm chính trị “trọng vương, khinh bá”, từ đường lối đức trị mà Nho giáo đề cao. “Sự áp dụng triệt để tư tưởng này vào đường lối kinh tế dưới thời nhà Nguyễn, đã để lại những hệ quả xã hội nghiêm trọng, kìm hãm sự phát triển của các yếu tố kinh tế tư bản chủ nghĩa khiến cho kinh tế Việt Nam vẫn trong tình trạng lỗi thời, lạc hậu so với khu vực và thế giới” [54, 155]. Và nếu cứ mãi giữ tư duy kinh tế “trọng nông, ức thương” thì không thể xây dựng được một đường lối phù hợp cho việc nâng cao sức mạnh nội lực, làm cho đất nước giàu mạnh để có đủ tiềm lực chống lại ách đô hộ của thực dân và giải phóng đất nước.
Công cuộc khai thác thuộc địa hối hả của thực dân Pháp đã có tác động mạnh đến Lương Văn Can và các nhà Nho cấp tiến. Nỗi đau mất nước và sự hèn kém của nước nhà thúc đẩy họ phải mau hành động. “Họ muốn tìm ra một lối thoát mới cho sự tồn tại và đi lên của dân tộc Việt Nam. Lối thoát khả dĩ nhất là phải duy tân đất nước, duy tân một cách toàn diện, cả trong tư duy và hành động. Chấn hưng và đổi mới nền giáo dục được lựa chọn là biện pháp chiến lược hàng đầu, là nền tảng để thực hiện các duy tân khác. Trường Đông Kinh nghĩa thục ra đời trong tham vọng chấn hưng và đổi mới nền giáo dục nước nhà của các nhà Nho cấp tiến Việt Nam” [65, 129]. Nội dung giáo dục mới nhất được Lương Văn Can và các đồng chí của ông rất chú trọng là giáo dục các vấn đề kinh tế. Dạy kinh tế học đã phản ánh chí chấn hưng thực nghiệp rất cao. Các tài liệu phục vụ cho việc phát triển kinh tế được đưa vào trường học như “Hợp quần doanh thuyết” của Nguyễn Thượng Hiền, “Học công nghệ, học buôn bán” của Phan Châu Trinh... khẳng định việc muốn có một nền kinh tế phát triển, thì việc đầu tiên phải biết tiếp thu tư duy kinh tế châu Âu đương thời. Người Pháp biết trọng thương mại và kỹ nghệ nên mạnh hơn ta, văn minh hơn ta, chinh phục được ta. Nhưng muốn
làm giàu phải có học thức. Người Việt Nam cần được trang bị những kiến thức về kinh tế học để họ có thể làm giàu một cách bền vững. Một số vấn đề kinh tế học được thể hiện một cách sâu sắc trong “Quốc dân độc bản”, một trong những cuốn sách giáo khoa trọng yếu của Đông Kinh nghĩa thục.
Về mặt lý luận, thông qua các tài liệu giáo khoa, Lương Văn Can và các nhà sáng lập Đông Kinh nghĩa thục cung cấp những kiến thức mới lạ về kinh tế học cho nhân dân. Trong 79 bài của “Quốc dân độc bản” có tới 24 bài (Từ bài 56 – bài 79) đề cập trực tiếp tới vấn đề kinh tế học với các khái niệm mới lạ trước đây chưa từng có: sản nghiệp, máy móc, máy móc sao lại làm hại công nhân, tránh cái hại của sự phân công và sử dụng máy móc, lợi ích của đại công nghiệp, tiền công, tư bản, nhà tư bản cũng có ích cho người nghèo, mậu dịch, tiền tệ,…
Vấn đề kinh tế học đầu tiên mà Lương Văn Can và các soạn giả quan tâm là “sản nghiệp”. Theo họ, sản nghiệp là tài sản thuộc về quyền sở hữu cá nhân của mỗi người. Sản nghiệp có thể là ruộng đất, nhà cửa, tiền bạc và đồ vật. Người ta có quyền quản lý, sử dụng và chuyển giao sản nghiệp của mình. Sản nghiệp được pháp luật bảo vệ: “Nước càng văn minh thì pháp luật bảo vệ sản nghiệp càng tường tận. Pháp luật các nước phương Tây đều có những điều khoản rất tỉ mỉ, như thế nào là di sản, thừa hưởng ruộng đất, nhà cửa ra sao, buôn bán, thế chấp như thế nào,... quy tắc khống tố, mức độ cao hay thấp đều được ghi trong pháp luật rất chi tiết. Đó là cách xử lý hay nhất về sản nghiệp. Nhà nước đặt ra quan tư pháp, như tài phán, cảnh sát, đều để bảo vệ sản nghiệp của dân” [13, 89].
“Bản quyền” và “thương hiệu” sản phẩm cũng chính là “sản nghiệp” của người tạo ra nó. Bởi vì để có được những phát minh thì người phát minh phải bỏ ra rất nhiều tài lực. Bản quyền và thương hiệu có liên quan đến sự sống còn của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, bảo vệ bản quyền và thương hiệu là một việc làm cần thiết: “Nếu không có pháp luật bảo vệ
vốn liếng mà những người đầu tiên bỏ ra, chẳng phải là uổng phí hay sao?” [13, 89-90], và là một dấu hiệu của văn minh trong kinh doanh: “Ở các nước phương Tây, những tác phẩm nổi tiếng, những sáng chế mới, mẫu mã, kiểu dáng, mầu sắc, nhãn hiệu hàng hóa của thương gia đều đăng ký ở các cơ quan hữu trách, cho chuyên dùng mười năm đến mấy mươi năm, không ai được giả mạo. Kẻ giả mạo bị tòa án xử tội cấm cố hoặc phạt bạc. Văn minh như thế là cực điểm” [13, 90].
Các soạn giả khẳng định muốn đất nước trở nên giàu mạnh thì phải có nền “đại công nghiệp” phát triển. “Đại công nghiệp” thu hút một số lượng lớn lao động và có thể chế tạo những vật phẩm to lớn mà tiểu công nghiệp không thể làm được. Phát triển đại công nghiệp có thể tiết kiệm được vốn, nhân lực, tạp phí và công vận chuyển. Theo các soạn giả, sở dĩ ở Việt Nam chưa có nền đại công nghiệp là do: “Đường giao thông bất tiện, hàng hóa khó lưu thông, tiêu thụ chậm, vốn cũng thiếu, chưa có luật lập công ty thì khó lòng dự trù được một khoản tiền lớn được. Dân lại không được học, nên không thể dùng máy móc, cũng không có người tài giỏi lý luận để trù hoạch làm đại công nghiệp, nên dễ thất bại hơn là làm tiểu công nghệ” [13, 96].
Để xây dựng nền đại công nghiệp, đại mậu dịch, ngân hàng, xây dựng cơ sở hạ tầng... thì phải có nguồn vốn lớn. “Vốn”chính là lượng tiền của tích trữ được. Ở các nước văn minh, người dân có học thức cao, có tầm nhìn xa trông rộng, nên họ biết sử dụng vốn để sản xuất và kinh doanh. Vì vậy, đất nước họ ngày càng có thêm nhiều nhà đại tư bản, công nghiệp thêm mở mang, đất nước thêm giàu mạnh. Tiết kiệm là một trong những biện pháp để tạo ra nguồn vốn. Người Việt Nam từ xưa rất có ý thức tiết kiệm “buôn tàu, bán bè không bằng ăn dè hà tiện” và khi kiếm được một khoản kha khá nào đó thường đem cất giữ cẩn thận để phòng khi bất trắc “tích cốc phòng cơ” và làm tài sản kế thừa cho con cháu. Cũng có người đem vốn của mình ra cho vay lấy lãi. Nhưng rất hiếm người đưa vốn của mình vào sản xuất công
nghiệp. Vì vậy, nguồn vốn của người Việt Nam thường bất động và ít có khả năng sinh lời.
Trong thời đại thông thương mở rộng này thì càng cần có vốn lớn để tạo lợi thế mạnh. Muốn có vốn lớn phải lập “công ty”. “Công ty” có nhiều dạng thức khác nhau: công ty hợp doanh, công ty hợp tư và công ty cổ phần. Để tập hợp các nguồn vốn nhỏ lẻ thành nguồn vốn lớn, thu lãi lớn, và có thể ứng phó được với những biến đổi của thị trường thành lập các công ty là một việc làm cần thiết.
Điều đáng lưu ý trong quan điểm duy tân kinh tế của các nhà Nho Đông Kinh nghĩa thục là họ nhận thấy vai trò của máy móc đối với phát triển sản xuất. Theo họ, “máy móc” do con người chế tạo ra nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa nhanh, nhiều, vốn ít và giá thành rẻ: “Máy móc chẳng phải cái gì huyền bí, kỳ quái, thực ra chỉ giúp sức cho con người mà thôi. Máy cày, máy thủy ô tô để cày đất, xay bột mì, đi lại, vận chuyển đều là máy móc