Tư tưởng duy tân về văn hóa – giáo dục a Tư tưởng duy tân về văn hóa

Một phần của tài liệu Tư tưởng duy tân của Lương Văn Can (Trang 48 - 64)

b. Tư tưởng dân chủ tư sản từ bên ngoài truyền vào qua Tân thư, Tân văn

2.1.2 Tư tưởng duy tân về văn hóa – giáo dục a Tư tưởng duy tân về văn hóa

a. Tư tưởng duy tân về văn hóa

Trung Quốc là một nước láng giềng rộng lớn và hùng mạnh bên cạnh Việt Nam. Với sức mạnh kinh tế và văn hóa Trung Quốc đã trở thành mô hình tham chiếu của Việt Nam. Trên lĩnh vực tư tưởng, tư tưởng “nội Hạ, ngoại Di” được nhà Nguyễn lựa chọn là phương thức biểu lộ tinh thần tự tôn dân tộc. Để tự tôn dân tộc mình ngang hàng với Trung Quốc, các nhà Nho Việt Nam đã tự coi mình là “nội Hạ”, là trung tâm của văn minh, và coi các nước Đông Nam Á khác, kể cả người châu Âu là mọi rợ, man di. “Quan niệm này trong thế giới khép kín phương Đông, một mặt kích thích lòng tự hào dân tộc, nhưng mặt khác, ảnh hưởng rất lớn tới việc nhận thức phiến diện thế giới xung quanh, tạo ra thái độ kẻ cả, nước lớn và sự kỳ thị văn hóa trong chính sách đối ngoại với các nước” [54, 131]. Nó đã tạo ra sự độc tôn văn hóa đối với thế giới ngoài Trung Hoa và một rào cản cho sự tiếp thu tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác. Hơn nữa, trong bối cảnh thế giới mà chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh thì sự duy trì quan niệm này trở nên hết sức bất cập.

Trước sự thay đổi của thời đại, lịch sử đất nước, sự tiếp cận với làn sóng Tân thư, Tân văn, các sĩ phu cấp tiến đầu thế kỷ XX đã có nhận thức mới, đúng đắn hơn trong quan niệm về văn minh và đưa ra được một lối tư duy mới về văn hóa. Điều này được thể hiện một cách mới mẻ, rõ ràng và độc đáo trong các tài liệu giáo khoa của Đông Kinh nghĩa thục, đặc biệt là trong hai tác phẩm “Văn minh tân học sách” và “Quốc dân độc bản”.

* Khái niệm văn minh

“Văn minh tân học sách” ngay từ tên gọi đã tự cho mình vai trò của một tuyên ngôn, một cương lĩnh nhằm xây dựng một nền học thuật mới, chìa khóa của tiến bộ quốc gia và dân tộc. Điều đáng lưu ý ở “Văn minh tân học sách” là cùng với việc nêu lên những biện pháp cụ thể, các tác giả đã phát biểu những quan điểm lý luận làm cơ sở cho những biện pháp cụ thể đó.

Mở đầu tác phẩm “Văn minh tân học sách”, các tác giả đề cập tới khái niệm văn minh: “Thiết nghĩ: văn minh là một danh từ đẹp đẽ, không phải do sự hào nhoáng, màu mỡ làm nên; các môn học văn minh là những phúc tốt lành, không phải là chuyện một sớm, một chiều có thể lấy được” [96, 104]. Các môn học văn minh ấy là các khoa: thanh học, quang học, điện học, khoáng học, thủy học, khí học, địa dư, thiên văn, toán pháp và cơ khí; và đó chính là “lý do để đi tới chỗ cực điểm của văn minh” [96, 104]. Như vậy, có thể thấy tuy nói về văn minh nhưng tác giả lại cũng đã đề cập đến những yếu tố trực tiếp tạo nên sự phát triển.

Trong “Quốc dân độc bản”, các soạn giả của Đông Kinh nghĩa thục còn đưa ra một định nghĩa nữa về văn minh, bao hàm cả khái niệm văn minh và phát triển: “Văn minh là tổng hợp nhiều mặt quan trọng: văn tự, pháp luật, giáo dục, luân lý, trồng trọt” [13, 53].

Có thể nói, từ “Văn minh tân học sách” đã thể hiện quan điểm: sự hiện hữu và sự trường tồn của mỗi quốc gia – dân tộc khẳng định bằng nền văn minh do người trong quốc gia ấy tạo dựng nên. Nền văn minh ấy là kết quả

quá trình trong đó những giá trị giành được gắn liền với những hy sinh, mất mát: “Văn minh không phải mua bằng giá trị mà thôi, mà còn phải mua bằng đau khổ nữa” [96, 104].

Văn minh phải được nhận thức là sự vươn lên không ngừng, qua những quá trình tiếp nối nhau không bao giờ dứt, nhằm giải quyết những cản trở, bế tắc cũng ngày càng phức tạp hơn thì quốc gia – dân tộc mới có thể không ngừng tiến lên cùng với thời đại. Bởi vì: “... phong trào vô cùng, cuộc tiến hóa do đó mà cũng vô cùng. (Cái xã hội) mà trước đây gọi là văn minh, ngày nay xem chỉ là bán khai thôi. (Cái xã hội) mà trước đây gọi là bán khai, ngày nay xem chỉ là dã man thôi” [96, 123]. Quá trình đó là một quá trình phát triển từ thấp đến cao và về cơ bản có ba thời kỳ:

Thời kỳ dã man: “Người thượng cổ không biết trồng trọt, chỉ biết săn thú, bắt cá mà thôi, cũng không biết chế tạo dụng cụ, cho nên không dựng được nhà cửa, không may được quần áo, không có các thứ đồ dùng. Cũng chẳng có luân lý nên chẳng có tình nghĩa cha con, vợ chồng. Không có văn tự, phải thắt nút dây mà ghi nhớ. Không có pháp luật, không giáo dục nên tính tình hung hãn, kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu. Không có phương tiện giao thông bằng đường bộ hay đường thủy... Đó là thế giới dã man” [13, 54].

Thời kỳ khai hóa văn minh hay bước đầu phát triển: Đó là giai đoạn con người “biết trồng trọt, dựng nhà cửa, đóng thuyền bè, xe cộ, vắt nặn đồ gốm, đặt ra nghi lễ hôn nhân, đạo nghĩa cha con, vua tôi, biết trao đổi hàng hóa, có văn tự, biết dạy học, lập ra hình pháp để trừng trị những kẻ không theo giáo hóa. Thế là có nền văn minh, nhưng còn thô sơ, đơn giản, chưa hoàn bị, chưa tốt đẹp như ngày nay” [13, 54].

Thời đại ngày nay: “muốn có gạo thì có gạo, muốn có trà thì có trà, lại có nhà để che nắng, che mưa, có đủ đồ dùng hằng ngày, có cha mẹ thương yêu ta, có thầy học dạy dỗ ta, có thuyền bè xe cộ, có đường giao thông thủy bộ, muốn sang đông, sang tây đều thuận lợi” [13, 54].

Các soạn giả của Đông Kinh nghĩa thục đã hình dung về thời kỳ phát triển này bao gồm những cấp độ khác nhau để từ đó đưa luận điểm: “Văn minh không có giới hạn”. “Quốc dân độc bản” viết: “Các nước trên địa cầu tất phải từ dã man mà khai hóa thành văn minh. Nhất định phải như thế. Văn minh rồi, nhưng tiến bộ nhanh hay chậm, trình độ cao hay thấp, còn tùy. Văn minh là không có giới hạn, càng tiến thì càng cao. Có thể nói nước kia văn minh hơn nước này, nhưng lại không thể nói văn minh nước kia đã đạt đến cực điểm...

... Những nước ngày nay gọi là văn minh, như các nước Âu – Mỹ, máy móc của họ tinh xảo, pháp luật của họ hoàn bị, giáo dục của họ phổ cập, giao thông của họ tiện lợi. Thế nhưng, nhà tù của họ chưa bỏ trống, nạn rượu chè, hút xách chưa loại trừ hết, người bệnh tật ốm đau, bọn côn đồ hung hãn, dân mù chữ đâu đã vắng bóng. Như thế thì văn minh đã trọn vẹn chưa? Chưa.” [13, 54].

Ở đây, các tác giả đã thể hiện quan niệm mới về văn hóa, văn minh, cho thấy quy luật vận động của xã hội là tiến lên không ngừng.

* Động lực của văn minh

Trong hai tác phẩm kể trên, các tác giả của Đông Kinh nghĩa thục đã đề cập khá nhiều về động lực của văn minh một quốc gia, song theo chúng tôi, họ tập trung chủ yếu vào hai động lực chính là “chí tiến thủ” và “óc cạnh tranh”.

Về hai động lực trên, “Văn minh tân học sách” chỉ nói ngắn gọn: “Câu nói của nhà học giả phương Tây: “Văn minh không phải là có thể chỉ mua bằng giá trị mà thôi, mà còn phải mua bằng đau khổ nữa”. Giá trị là gì? Tức là tư tưởng. Đau khổ là gì? Là cạnh tranh. Càng tư tưởng thì càng cạnh tranh, càng cạnh tranh thì càng tư tưởng” [96, 104] và coi đó là “lý do đi tới chỗ cực điểm của văn minh” [96, 104].

da trắng mạnh ai cũng biết rồi, nhưng cũng phải biết vì sao họ mạnh. Mở rộng đất đai thì họ chiếm các cửa biển, tìm hải đảo. Chế tạo máy móc, hơi nước không đủ thì họ dùng sức điện, sức điện không đủ thì họ nghĩ đến sức hấp dẫn quả đất. Với một ý chí tiến thủ không mệt mỏi như vậy, dân họ mới mạnh, được trăm họ quý chuộng, thế lực của họ vươn ra khắp toàn cầu, không phải là ngẫu nhiên... Sống thời buổi cạnh tranh ngày nay, đạo lý tự cường là: họ tiến một bước, mình cũng phải tiến một bước. Thiếu niên chúng ta ví bằng ai ai cũng cố gắng, có chí tiến thủ thì thế giới của giống da trắng biết đâu rồi chẳng sẽ là thế giới của giống da vàng!” [13, 62].

Qua sự phân tích về “chí tiến thủ”, các tác giả Đông Kinh nghĩa thục đã hé mở cho chúng ta thấy hai ý tưởng khá hiện đại và cập nhật, đó là “từ “chí tiến thủ” của các dân tộc tất yếu sẽ dẫn tới sự giao lưu giữa các quốc gia, các khu vực trên thế giới để tiến tới sự phát triển ngày càng đồng đều trong sự hỗ trợ và bổ sung lẫn cho nhau để hình thành nên cái mà ngày nay chúng ta gọi là xu hướng phát triển kinh tế toàn cầu hóa” [51, 392]. Mặt khác, cũng từ sự đánh giá cao “chí tiến thủ”, tuy chỉ nêu ở mức độ suy luận nhưng các nhà Nho duy tân đã khẳng định rằng với “chí tiến thủ”, các nước phương Đông trong đó có Việt Nam ngay ở thế kỷ XX này cũng có thể theo kịp trình độ của các nước phương Tây. Điều này đã và đang trở thành hiện thực.

Về động lực thứ hai của văn minh, “óc cạnh tranh”, “Quốc dân độc bản” viết: “Cạnh tranh là để tồn tại, trên thế giới, loài người không ai là không cạnh tranh. Người cạnh tranh mà ta nhượng bộ, kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu thì ta tồn tại sao được? Trong gia đình, cha con thương yêu nhau đó là tính trời, tất không có lý do nào để cạnh tranh. Nhưng trong xã hội thì không thể nhượng bộ nhau được. Nếu không thì thân mình, nhà mình, sản nghiệp mình đều không bảo đảm. Sống ở một nước văn minh, có quốc pháp bảo vệ, đồng loại giúp đỡ, bọn hung hãn không dám công nhiên hoạnh hành. Nhưng giữa nước này và nước kia thì lại không như thế. Nay có nước nào vô duyên,

vô cớ đem chiến hạm đến bắn pháo đài ta, chiếm thành trì ta, thì ta tố cáo với ai đây?... Chỉ có thể tin cậy vào sự cạnh tranh của dân ta mà thôi” [13, 62].

Và về động lực thứ hai này, “Quốc dân độc bản” còn viết tiếp: “Thời buổi này là thời buổi đại cạnh tranh, cạnh tranh về học thuật, cạnh tranh về công nghiệp, không mặt nào là không cạnh tranh, đâu phải chỉ cạnh tranh về đất đai, lãnh thổ mà thôi... “Ưu giả thắng, liệt giả bại” (mạnh được yếu thua) lùi lại một bước là chết, không còn đất đặt chân nữa” [13, 63].

Hiện nay, chúng ta đang bước vào nền kinh tế thị trường và trong bối cảnh chính trị quốc tế cũng như trong khu vực vô cùng phức tạp, nhận xét trên đây của các sĩ phu Đông Kinh nghĩa thục vẫn còn nguyên giá trị. Hai động lực thúc đẩy cho văn minh mà Đông Kinh nghĩa thục đã nêu ra ở trên đây tuy chưa thật hoàn toàn đầy đủ và chi tiết, song cũng đạt đến tầm khái quát cao.

* Những điều kiện của văn minh

Theo Lương Văn Can và các soạn giả của Đông Kinh nghĩa thục, muốn văn minh, muốn phát triển phải có hai điều kiện cơ bản, đó là một nền dân trí phát triển ngày càng cao và một thể chế chính trị dân chủ.

Về mặt lý luận, quán xuyến trong “Văn minh tân học sách” từ đầu đến cuối, đó là tầm quan trọng của dân trí: “Văn minh với dân trí hai đàng cùng làm nhân quả lẫn cho nhau” [96, 104]. Và do đó, trong thời đại ngày nay “muốn cầu cho văn minh, không thể không lo mở mang dân trí” [96, 111]. Dân trí được mở mang sẽ là động lực của văn minh, bởi vì “trình độ dân trí được đề cao dần thì sức bành trướng của văn minh cũng sẽ lớn lên, và nền tảng văn hiến sẽ bền vững lâu dài vậy” [96, 124].

Về điều kiện thứ hai, thể chế chính trị dân chủ, Đông Kinh nghĩa thục đã coi thể chể chính trị của các nước Âu Mỹ là mẫu mực, đó là nền dân chủ cộng hòa. “Văn minh tân học sách” viết: “Người châu Âu, họ tổ chức chính quyền trong nước có chính thể lập hiến, có chính thể quân dân cộng hòa. Cứ

gì, thì trước phải khai hội: kẻ bàn, người nói, sớm sửa đi, chiều sửa lại, cốt làm cho đúng chân lý, hợp với tình hình” [96, 108]. Vào những năm đầu thế kỷ XX, đây là một thể chế chính trị ưu việt của các nước Âu Mỹ, ở đó, công dân có quyền bầu cử, tự do ngôn luận... tạo điều kiện cho tính năng động, sáng tạo, tinh thần phiêu lưu, chấp nhận mạo hiểm để phát hiện cái mới, mà theo các tác giả Đông Kinh nghĩa thục là một điều kiện để cho phương Tây luôn vươn lên phía trước.

Với tinh thần tự tôn dân tộc, các tác giả “Văn minh tân học sách” vẫn rất sâu sắc khi khẳng định: “Nước Đại Nam ta vốn là một nước lớn văn minh” và “Á châu vẫn là ngọn nguồn của văn minh đấy” [96, 105], “Người da vàng chúng ta có kém gì người da trắng đâu” [96, 111]. Nhưng quan điểm trên không cản trở các soạn giả nhận thức được sự thật văn hóa giữa Việt Nam và các nước phương Tây. Quan niệm này đã thể hiện lòng tự hào dân tộc sáng suốt, là bản lĩnh văn hóa ngoan cường của người trí thức chân chính trước xu thế biến đổi của thời cuộc. Họ nhận định văn minh Việt Nam là “tĩnh” còn phương Tây là “động”. Tính “động” của văn minh phương Tây được thể hiện ở chỗ phương Tây có nhiều nhà tư tưởng lớn như Lư Thoa, Tân Tư Tắc, Mạnh Đức Tư Cưu; xã hội phương Tây là dân chủ với chính thể lập hiến; luật pháp bảo vệ quyền lợi công dân; nền giáo dục là thực nghiệp; người dân ưa mạo hiểm. Văn minh Việt Nam “tĩnh” là bởi người Việt Nam ít bày tỏ tư tưởng, phục tùng người trên vì sợ phạm húy; nền giáo dục thì trọng về khoa cử; người dân không được đọc luật; người Việt ít đi lại và ít có tính mạo hiểm. Qua sự so sánh đó, các soạn giả đúc kết lại “bản thể của văn minh là dân chủ, khoa học và cạnh tranh, và nó gắn liền với trình độ dân trí”[74, 17]. Theo họ, để dân tộc ta bước lên trình độ văn minh cần phải bớt đi phần “tĩnh” tăng phần “động”, khai thông những bế tắc để mở mang dân trí. Họ chỉ ra sáu con đường khai thông dân trí trong nước là: 1. Dùng văn tự nước nhà; 2. Hiệu đính sách vở; 3. Sửa đổi phép thi; 4. Cổ võ nhân tài; 5. Chấn hưng công nghệ; 6. Phát triển báo chí. Họ cũng nhấn mạnh, trong khi Nhật

Bản, Trung Hoa đã tỉnh giấc và “qua đò văn minh”, thì chúng ta vẫn còn mê ngủ “cắm sào”, và số phận của dân tộc sẽ đi tới đâu nếu không chịu đổi mới. Vì vậy, việc mở cửa tư tưởng để học hỏi và tiếp nhận những thành tựu văn minh từ bên ngoài là một việc làm cấp thiết lúc này.

Các tác giả chỉ ra bốn nguyên nhân khởi điểm làm cho nền văn minh nước ta lạc hậu, yếu kém so với thế giới: “nội Hạ, ngoại Di”, “quý đạo vương, khinh đạo bá”, “cho xưa là phải, nay là quấy”, “trọng quan, khinh dân”, thiên về những giá trị di tình, dưỡng tính hơn là chú trọng đến thực nghiệp, mưu sinh. Từ đó, các soạn giả nêu lên yêu cầu cấp bách phải học theo văn minh phương Tây, nắm lấy những bí quyết thành công giúp họ chiến thắng. Một trong những bí quyết ấy là nền khoa học – kỹ thuật phương Tây, những môn học thực dụng, đi sâu khám phá những bí mật trong tự nhiên, khám phá những miền đất mới... phục vụ cho nhu cầu ngày càng phong phú của con người.

Một phần của tài liệu Tư tưởng duy tân của Lương Văn Can (Trang 48 - 64)