Phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng nói chung và cho vay du học nói riêng là một xu thế tất yếu đối với các NHTM Việt Nam hiện nay bởi hoạt
động này không chỉ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, ngân hàng mà còn đối với cả nền kinh tế xã hội. Do đó, Nhà nước cũng như các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện hỗ trợ mọi mặt để cho loại hình cho vay này ngày càng được mở rộng và phát triển.
Kiến nghị 1: Chính phủ cần thực hiện các biện pháp quản lý vĩ mô nhằm đảm bảo tính ổn định của nền kinh tế
Môi trường kinh tế chính trị ổn định sẽ là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong giai đoạn tăng trưởng ổn định của nền kinh tế cả ngân hàng và khách hàng sẽ không ngại cho vay và đi vay. Điều này sẽ làm tăng thu nhập của người dân, thúc đẩy hoạt động tiêu dùng. Từ đó cũng mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng nói chung và cho vay du học nói riêng.
Kiến nghị 2: Hoàn thiện môi trường pháp lý
Môi trường pháp lý có ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động của ngân hàng nhất là các văn bản pháp luật về tín dụng ngân hàng vẫn còn rất chung chung, chưa sát với thực tế và còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng như các cơ quan pháp luật cần thống nhất sửa đổi những hạn chế của một số luật liên quan đến hoạt động cho vay như luật đất đai, luật dân sự…Có như vậy mới hạn chế được những khúc mắc và tranh chấp trong quá trình thẩm định giải quyết cho vay của ngân hàng.
Hoạt động cho vay có một thủ tục quan trọng là đăng ký giao dịch đảm bảm bảo tại các cơ quan như phòng công chứng hay chính quyền địa phương. Trong nhiều trường hợp, các cơ quan này gây khó dễ cho ngân hàng và khách hàng. Các cơ quan này cần cải cách thủ tục hành chính, chấn chỉnh hoạt động của mình trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, các thủ tục công chứng…hạn chế các sai sót, tiêu cực trong công tác này nhằm bảo vệ
quyền lợi của khác hàng và ngân hàng trong vấn đề liên quan đến cầm cố, thế chấp.
Để hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Nhà nước cần:
+ Tạo cơ chế khuyến khích các ngân hàng cho vay bán lẻ như đưa ra các tỷ lệ dự trữ hấp dẫn hơn.
+ Đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong việc cầm cố, công chứng và tạo khuôn khổ pháp lý để thu hồi nợ cầm cố.
+ Cần có văn bản điều chỉnh sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành để tạo điều kiện cho người dân đi làm hồ sơ vay vốn được nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Kiến nghị 3: Cần đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ và công khai về các dự án quy hoạch đất đai.
Mặc dù việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà đất đã được các cơ quan quản lý Nhà nước chú ý giải quyết nhưng tại các đô thị lớn vẫn còn tình trạnh tồn động việc cấp các giấy tờ trên. Chính vì sự chậm trễ này mà nhiều người dân muốn vay vốn ngân hàng nhưng không được vay vì chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu và sử dụng nhà đất. Điều này cũng hạn chế hoạt động cho vay của các ngân hàng.
Bên cạnh đó cũng cần phải kể đến việc quy hoạch đất đai ở các địa phương. Các dự án này nên được xây dựng đồng bộ và thông báo công khai để mọi người dân nói chung và ngân hàng nói riêng được biết rõ. Điều này sẽ giúp ngân hàng ít rủi ro hơn trong việc chấp nhận các tài sản đảm bảo là bất động sản. Do đó, có thể mở rộng phạm vi và quy mô của hoạt động tín dụng hơn.
Kiến nghị 4: Cần có nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên đi du học nước ngoài.
Hiện nay, có rất nhiều lĩnh vực cần nguồn lao động có trình độ cao nhưng chúng ta chưa đáp ứng được. Nhiều doanh nghiệp đang phải thuê nhân công từ nước ngoài với chi phí rất cao. Mặc dù Chính phủ đã có những học bổng để đưa người đi đào tạo ở nước ngoài song với ngân sách hạn hẹp lượng học bổng này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi nhiều học sinh, sinh viên muốn đi du học nhưng không đủ khả năng tài chính và cũng chưa tiếp cận được với các suất học bổng. Chính phủ nên có chính sách xem xét bảo lãnh cho một số học sinh , sinh viên vay tiền ở ngân hàng để đi du học. Cơ sở của sự bảo lãnh này dựa trên kết quả học tập xuất sắc, phẩm chất đạo đức tốt và có nguyện vọng học tập ở những ngành nghề phù hợp với yêu cầu. Chính phủ hoặc các doanh nghiệp sẽ yêu cầu những sinh viên này ký hợp đồng hoặc cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ về nước làm việc tại vị trí nhất định. Việc trả nợ sẽ bắt đầu khi họ đi làm. Dự án này sẽ khả thi đối với các công việc đang cần nhân tài và có mức lương cao.
Kiến nghị 5: Cần có biện pháp quản lý hoạt động của các trung tâm, tổ chức tư vấn du học trong nước
Cần phải quản lý chặt chẽ việc thành lập cũng như hoạt động các trung tâm, tổ chức tư vấn du học để người dân hoàn toàn có thể tin tưởng vào các trung tâm này. Như vậy, họ sẽ không còn e ngại sợ bị lừa khi đến các trung tâm tư vấn này. Họ sẽ an tâm hơn khi cho con cái đi du học nước ngoài mà không phải lo lắng nhiều với sự giúp đỡ của các trung tâm này. Điều này cũng sẽ làm tăng lượng khách hàng có nhu cầu vay tiền cho con đi du học.