1. Các đặc điểm của tiêu bản tạm thời:
- Thao tác làm tiêu bản đơn giản, tiến hành nhanh.
- Quan sát được trạng thái sống của tế bào như: sự chuyển động của tiên mao, sự sinh sản, sự hình thành bào tử...
- Tiêu bản loại này chỉ sử dụng một lần rồi bỏ đi.
2. Cách lấy giống vi sinh vật để làm tiêu bản:
Muốn làm bất kỳ một loại tiêu bản nào về vi sinh vật cũng phải thực hiện các thao tác lấy giống vi sinh vật để làm vết bôi trên tiêu bản. Các thao tác đó như sau:
- Đốt đèn cồn.
- Đặt ống giống có vi sinh vật vào giữa ngón cái và ngón trỏ của bàn tay trái, lòng bàn tay ngửa ra. Ống nghiệm để hơi nghiêng nhưng không được để canh trường vi sinh vật chạm vào nút bông.
- Tay phải dùng que cấy và vô trùng bằng cách hơ trên ngọn lửa đèn cồn. Để que cấy thẳng đứng trên ngọn lửa đèn cồn cho đến khi đầu que cấy nóng đỏ rồi từ từ đặt và di chuyển que cấy theo chiều nằm ngang trên ngọn lửa.
- Kẹp nút bông vào giữa ngón út và lòng bàn tay phải, xoay nhẹ nút bông 1 vòng và kéo nút ra. Giữ nguyên nút bông như vậy cho đến khi đậy nút vào.
- Đốt miệng ống nghiệm trên ngọn đèn cồn.
- Khéo léo đưa que cấy (đã nguội) vào ống giống để lấy giống và nhẹ nhàng đưa que cấy ra.
+ Nếu ống giống là môi trường lỏng chỉ cần nhúng đầu que cấy vào canh trường rồi rút ra.
+ Nếu ống giống là môi trường đặc thì dùng que cấy lấy một chút sinh khối vi sinh vật trên mặt thạch và hoà đều vào giọt nước cất vô trùng trên phiến kính. Chú ý thao tác hết sức nhẹ nhàng để lấy giống mà không cầy mặt thạch lên.
- Rút que cấy ra, đốt miệng ống nghiệm, đậy ống nghiệm nghiệm lại và để ống vào giá.
- Đưa giọt canh trường (hoặc sinh khối) vi sinh vật ở đầu que cấy đặt vào giữa phiến kính để làm vết bôi.
- Khử trùng lại que cấy trên ngọn đèn cồn rồi cất vào giá.
2. Cách làm tiêu bản giọt ép:
- Nhỏ một giọt nước cất lên phiến kính sạch. Dùng que cấy hay pipet lấy một ít tế bào (ở khuẩn lạc) hay một giọt dịch nghiên cứu đặt vào giọt nói trên. Huyền phù vi sinh vật tạo nên trong giọt nước phải không quá đục, vì nếu đục thì rất khó quan sát.
- Sau đó lấy một lá kính mỏng đặt lên giọt dịch đó thật cẩn thận sao cho không tạo thành bọt khí. Muốn quan sát lâu thì dùng vazơlin bôi quanh mép lá kính để cho giọt dịch khỏi khô.
- Đưa tiêu bản lên quan sát trên kính hiển vi.
3. Cách làm tiêu bản giọt treo:
Loại tiêu bản này dùng để theo dõi sự sinh sản, sự hình thành bào tử, khả năng di động và phản ứng của tế bào vi sinh vật với các loại kích thích.
- Dùng một loại phiến kính đặc biệt có một chỗ lõm hình tròn ở chính giữa. - Lấy vazơlin bôi quanh phần lõm của phiến kính.
- Sau đó lấy pipet nhỏ một giọt dịch nghiên cứu lên chính giữa lá kính rồi lật ngược nhanh xuống để cho giọt dịch nằm ở phía dưới lá kính. Đặt nhẹ nhàng lá kính lên trên chỗ lõm của phiến kính tránh không cho giọt dịch nghiên cứu chạm vào thành hoặc đáy chỗ lõm.
Vazơlin giúp cho lá kính đỡ xê dịch và giữ cho giọt dịch khỏi khô.
4. Cách làm tiêu bản tạm thời có nhuộm:
Tế bào vi sinh vật rất nhỏ bé và trong suốt nên quan sát ở trạng thái sống không màu sẽ không rõ, rất khó nhận xét được một cách tỷ mỉ. Do đó người ta có thể nhuộm màu vi sinh vật sống để quan sát được dễ dàng hơn.
Để vi sinh vật vẫn sống và hoạt động được người ta dùng dung dịch thuốc nhuộm loãng. Đối với tế bào chết thì bắt màu ngay, còn đối với tế bào sống thì vài phút sau mới bắt màu. Cho nên bằng phương pháp này người ta cũng phân biệt được tế bào sống hay tế bào chết.
Các loại thuốc nhuộm thường dùng là:
- Dung dịch xanh metylen hay fuschin (1: 1000).
- Dung dịch đỏ Congo bão hoà 5%.
- Dung dịch đỏ trung tính (0,001 – 0,00001%).
a. Nguyên tắc: Phương pháp này sử dụng thuốc nhuộm không hoặc ít độc với vi sinh vật và được pha loãng ở nồng độ đảm bảo cho tế bào vi sinh vật vẫn với vi sinh vật và được pha loãng ở nồng độ đảm bảo cho tế bào vi sinh vật vẫn sống và hoạt động sau khi nhuộm.
b. Cách nhuộm:
- Cho một giọt thuốc nhuộm lên phiến kính (dùng xanh mêtylen 0,001%).
- Dùng que cấy đưa vào đó một ít vi sinh vật lấy từ khuẩn lạc hay 1 giọt dịch nuôi cấy.
- Quan sát tiêu bản dưới kính hiển vi ở vật kính (X10) rồi (X40).