Rắn mống (họ Xenopeltidae)

Một phần của tài liệu khu hệ động vật của việt nam - eleanor j. sterling (Trang 37)

Chỉ có hai loài thuộc họ Xenopeltidae và cả hai loài này đều phân bố tại Việt Nam: rắn mống thường (Xenopeltis unicolor) có phân bố trên khắp vùng đất liền và các đảo của Đông Nam Á và phân bố khắp Việt Nam, và rắn mống Hải Nam (X.hainanus) có phân bố hạn chế hơn ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ của Việt Nam và Nam Trung Quốc. Các vẩy cứng và bóng bao phủ phần lưng của rắn mống được nhuộm sắc tố nâu đỏ tía sẫm, nhưng các vi cấu trúc bên trong các vẩy này phản chiếu tất cả các màu của phổ ánh sáng. Do đó, chúng trông nhiều màu sặc sỡ, tạo ra một cầu vồng toàn màu sắc. Rắn mống chủ yếu sống dưới lòng đất, chui xuống dưới lá lớp lá cây rụng, dưới các khúc gỗ và trong các lớp đất ẩm và thường sử dụng các hang do các sinh vật khác tạo ra. Giống như các loài bò sát đào hang khác, cơ thể của chúng khá tròn, đầu tù và đuôi ngắn. Chúng có thể dài hơn 1,3m mặc dù hầu hết có chiều dài ngắn hơn 80cm.

Rắn mống có kiểu răng đặc biệt. Thay vì cố định ở một chỗ, nhiều răng nhỏ và sắc của chúng được gắn với xương hàm bằng các sợi cơ linh động tạo ra một dạng bản lề. Chúng có thể gập xuống được, nhưng chỉ theo chiều về phía sau. Các răng bản lề này, cũng xuất hiện ở ít nhất 5 giống rắn khác, có lẽ là đặc điểm thích nghi với việc nuốt các con mồi có cơ thể cứng, trong đó có thằn lằn bóng (họ Scincidae), là họ thằn lằn lớn nhất (có hơn 1.400 loài phân bố trên toàn thế giới). Thằn lằn bóng có thân toàn cơ, chân tiêu giảm nhiều hoặc hoàn toàn và được bao phủ bằng các vảy nhẵn, cứng và trơn. Ba đặc điểm này khiến chúng là loại thức ăn khó bắt vì chúng có khả năng lách ra khỏi sự kiểm soát của thú săn mồi. Việc răng chỉ gập lại được theo một chiều cho phép rắn mống nuốt con mồi có cơ thể cứng một cách nhanh chóng và khoá con mồi ở một chỗ nếu chúng cố gắng thoát ra. Ngoài thằn lằn bóng, rắn mống còn ăn các loài thằn lằn khác, các loài gặm nhấm, chim và rắn. Rắn mống Hải Nam phân bố ở độ cao giữa 200 và 1.100m trong các khu rừng ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ ở Việt Nam. Có thể sống ở các điều kiện sinh thái khác nhau, loài rắn mống thường sống trên khắp đất nước trong các môi trường nông nghiệp ẩm và trong vườn và trong các khu rừng ở độ cao giữa 100 và 2.000m.

Một phần của tài liệu khu hệ động vật của việt nam - eleanor j. sterling (Trang 37)