Lưỡng cư xuất hiện khoảng 350 triệu năm trước đây và là động vật có xương sống 4 chân đầu tiên sống trên cạn. Hầu hết tất cả các loài có quan hệ mật thiết với môi trường nước (hoặc ít nhất là môi trường ẩm) do chúng cần nước để sinh sản; thuật ngữ
amphibian bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp amphibios, “sống hai đời”. Gần giống như cá, chúng đẻ trứng trong nước có màng nhầy bao bọc và thụ tinh bên ngoài. Trứng này ở thành ấu trùng có mang. Sự biến thái, trong đó ếch biến đổi căn bản từ nòng nọc có hình dạng giọt nước thành cá thể trưởng thành có mắt to, bốn chân và có phổi, đã biến một sinh vật có cuộc sống thu hẹp trong môi trường nước thành sinh vật thích nghi với đời sống trên cạn. Lớp lưỡng cư gồm có ếch (bộ Anura), cá cóc (bộ Caudata) và các sinh vật đào bới dưới đất, mù và không chân gọi là ếch giun (bộ Apoda).
nghiên cứu tổng quan số lượng loài ếch của Việt Nam vào năm 1999 ghi nhận 100 loài; vào cuối năm 2004 tổng số loài đã tăng lên hơn gấp rưỡi số lượng loài đã biết. Hầu hết tất cả những loài mới được mô tả này đều có phân bố từ các khu vực rừng thường xanh ẩm cận núi và trên núi ở miền Bắc Việt Nam và dọc theo dãy Trường Sơn. Kiểu phân bố này phản ánh sự tăng lên nhanh chóng của số lượng loài và mức độ đặc hữu trong các khu vực này, nhưng cũng đánh dấu sự giảm sút về chất lượng của các vùng đồng bằng ở Việt Nam. Nhiều loài ếch ở miền Bắc là một phần của khu hệ lưỡng cư có phân bố kéo dài qua biên giới sang phía Nam Trung Quốc; ví dụ như trường hợp của cóc màng nhĩ ẩn (Bufo cryptotympanicus) và nhái cây Trung Quốc (Philautus rhododiscus). Cả hai loài này gần đây được tìm thấy ở Việt Nam.
Giống như các động vật có xương sống ở Việt Nam, lưỡng cư bị đe dọa do việc khai thác để sử dụng và buôn bán và do việc mất môi trường sống. Chúng cũng đặc biệt dễ bị tác động do mất và ô nhiễm các môi trường nước cần cho việc sinh sản. IUCN xếp 15 loài lưỡng cư vào loại bị đe dọa toàn cầu, trong đó có loài cá cóc Tam Đảo (Paramesotriton deloustali; thuộc loại nguy cấp).