Giá dầu tăng cao

Một phần của tài liệu sự biến động của giá vàng, mối quan hệ giữa giá vàng, giá dầu và USD và các yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng.DOC (Trang 68 - 71)

2. Nguyên nhân biến động giá vàng Việt Nam trong thời gian qua

2.2.2.3Giá dầu tăng cao

Như đã phân tích ở trên, vàng và dầu thô có quan hệ rất mật thiết với nhau. Giá dầu lên cao do nhiều nguyên nhân – do mất giá đồng đôla Mỹ, do tình hình chính trị bất ổn ở Trung Đông, do quan hệ cung cầu… - gây ra khủng hoảng năng lượng và nhiều biến động lớn khác trên toàn thế giới. Sự thua lỗ hay giảm sút lợi hoặc thậm chí đình trệ trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp do giá xăng dầu tăng cao như ngành vận tải, bán lẻ,… đã làm giảm kỳ vọng của nhà đầu tư vào doanh nghiệp đó và đẩy thị trường chứng khoán đi xuống. Mặt khác Trung Đông là một khu vực có đặc điểm ưa thích dự trữ tài sản bằng vàng. Vì thế việc bán dầu của họ cũng gắn liền với việc mua vàng của thế giới. Ngoài việc dùng USD để định giá dầu thô, trên thị trường dầu thế giới đã hình thành một tỉ lệ gần như cố định giữa vàng và dầu (14 thùng dầu thô/ounce vàng từ năm 1974 – 1980, 25-35 thùng/ounce từ năm 1985).Như vậy khi giá dầu tăng mạnh đẩy nhu cầu về

vàng lên cao, và vì tỉ lệ trao đổi giữa vàng và dầu vẫn chưa thể biến động ngay tức thì buộc vàng cũng phải tăng giá để đảm bảo giá trị thực của mình.

Ngoài ra khi giá dầu tăng mạnh, thị trường chứng khoán ảm đạm, lạm phát cao, mức độ rủi ro khi đầu tư lớn, thị trường vàng sôi động do giá vàng tăng… các nhà đầu tư chuyển dịch đồng vốn của mình sang đầu tư vào thị trường vàng để kiếm lời và để bảo toàn đồng vốn khi tình hình bất ổn lại càng đẩy giá vàng tiếp tục tăng lên. Điều này chứng minh răng giá dầu thô thế giới là một nhân tố tác động rất lớn đến sự biến động của giá vàng.

(Đồ thị giá dầu thô thế giới 2001 – 2008) (giá vàng thế giới 2001 – 2008)

Hầu hết những đợt tăng giá đột biến về dầu đều kéo theo sự tăng giá tương ứng về vàng.

Nguyên nhân chính dẫn đến đợt tăng giá của vàng và dầu năm 2006 chủ yếu là do sự căng thẳng về chính trị của Iran – nước sản xuất dầu mỏ đứng thứ hai của OPEC với sản lượng khoảng 2,5 triệu thùng/ngày và là nước xuất khẩu dầu mỏ đứng thứ 4 thế giới - khi nước này theo đuổi chương trình làm giàu Uranium. Sau khi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) báo cáo Iran không tuân theo yêu cầu ngưng làm giàu uranium của Hội đồng bảo

an Liên hợp quốc và không cung cấp đầy đủ thông tin về chương trình hạt nhân của mình, Mỹ và châu Âu đã kêu gọi liên hợp quốc có hành động cứng rắn hơn với nước này. Iran đã phản ứng gay gắt với quyết định của liên hợp quốc và vẫn kiên quyết theo đuổi chương trình của mình. Tổng thống Iran đã tuyên bố sẽ không ngừng chương trình làm giàu uranium của mình vì cho rằng Iran đã bị ngăn cản quyền lợi đối với năng lượng nguyên tử và dọa cắt đứt hợp tác với IAEA. Trong khi đó, Hội đồng bảo an cũng khuyến cáo rằng nếu từ chối tuân thủ nghị quyết, Iran sẽ bị trừng phạt thông qua các biện pháp phi quân sự khác như cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế, giao thông vận tải và thông tin liên lạc. Những căng thẳng về chính trị ở Iran cộng với tình hình giá rét kéo dài ở Mỹ đã đẩy giá dầu thế giới lên cao mức kỷ lục trong vòng 20 năm qua và do đó cũng đẩy giá vàng vượt ngưỡng 700 USD/ounce.

Sau khi đạt mức cao đỉnh điểm, giá dầu giảm xuống xấp xỉ bằng đầu năm. Đến đầu năm 2007, giá thế giới đánh dấu một bước ngặt lớn trong tốc độ tăng giá. Giá dầu thô đột nhiên tăng mạnh đặc biệt là từ cuối năm 2007 đến nay. Đến thời điểm này, giá dầu thô đã vượt xa ngưỡng 100 USD/thùng. Tại thị trường Mỹ ngày 22/5/08, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng bảy leo lên mức 135,04 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent tại London cũng lên đến 134,50 USD/thùng, đều là những mức giá cao nhất từ trước tới nay.

Một trong những nguyên nhân quan trọng để giải thích sự tăng giá dầu trong thời gian vừa qua đó là giá dầu đang bị đầu cơ. Theo Fadel Gheit - nhà phân tích hàng đầu về nguyên liệu ở Công ty Oppenheimer & Company - giá dầu tăng chủ yếu do các nhà đầu tư tài chính “đầu cơ quá đáng” khi hai lần đẩy giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng trong vòng có vài tuần. Theo ông,

“Cung và cầu không thể giải thích giá dầu cao như hiện nay”. Chủ tịch OPEC Mohammed al-Hamli, cũng đồng tình với nhận định của Gheit khi cho rằng kể từ đầu tháng 2, mức dầu OPEC bán ra đã vượt cầu. Đáng lý ra giá dầu phải hạ nhưng thực tế đã không diễn ra theo logic này.

Dầu nằm trong tay các ngân hàng, các quỹ đầu tư tài chính, các quỹ hưu. Theo số liệu của Hạ viện Mỹ, các nhà đầu cơ Mỹ hiện nắm trong tay 45% hợp đồng mua bán dầu thô, gấp ba lần so với năm 2000. Đặc biệt các ông lớn như Ngân hàng Trung ương Đức, Morgan Stanley... mở rộng lượng mua bán hợp đồng cung cấp dầu. Ngân hàng Đầu tư Goldman thậm chí còn lập kho dự trữ dầu, hoạt động như một công ty năng lượng. Hậu quả là lượng mua bán dầu thô tăng gần gấp ba lần trong vòng 5 năm trở lại đây, trong khi nhu cầu dầu thô chỉ tăng 1,9%/năm. Theo báo cáo của tập đoàn xăng dầu lớn nhất thế giới Exxon Mobil, lợi nhuận năm 2007 lên tới 40,6 tỉ USD, một kỷ lục trong lịch sử kinh tế quốc tế. Chưa năm nào tập đoàn này thu lãi nhiều như vậy.

Tóm lại, sự tăng giá dầu từ cuối năm 2007 đến nay có nguyên nhân chủ yếu là do sự mất giá của đồng USD, do khủng hoảng tài chính Mỹ và nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn cầu, nhu cầu nhập khẩu dầu lớn của thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, cộng thêm kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu của OPEC – và sự thổi phồng về một cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn thế giới – đã đẩy giá dầu thô và giá vàng lên cao như vậy. Giá vàng thế giới đạt mức cao nhất cho đến nay là 1.032 USD/ounce vào ngày 17/3/2008.

Một phần của tài liệu sự biến động của giá vàng, mối quan hệ giữa giá vàng, giá dầu và USD và các yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng.DOC (Trang 68 - 71)