Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân phường

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền phường ở nước ta trong giai đoạn hiện nay (Trang 59 - 65)

nhân dân phường

2.3.3.1 Những kết quả đạt được

- Trong những năm qua, đặc biệt là những năm từ đầu của nhiệm kỳ 2004-2009 đến nay, Hội đồng nhân dân phường đã từng bước phát huy được vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương.

- Hội đồng nhân dân phường đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, xem xét và quyết định nhiều vấn đề quan trọng ở địa phương như: nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách; các biện pháp bảo đảm an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; quyết định các vấn đề xây dựng chính quyền địa phương. Hầu hết các nghị quyết của Hội đồng nhân dân phường được ban hành trên cơ sở triển khai thực hiện nhiệm vụ do cấp trên giao, cụ thể hoá các nghị quyết của cấp uỷ Đảng, bám sát tình hình thực tế được nhân dân đồng tình ủng hộ. Một số nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường; kiên cố hoá trường học; phát triển đô thị…. Những nghị quyết này đã được Uỷ ban nhân dân phường, các ngành, các cấp ở địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở địa phương, đảm bảo ổn định và phát triển kinh tế, tạo chuyển biến tích cực về mọi mặt ở địa phương, góp phần ổn định tình hình, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

- Hội đồng nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã quyết định các chủ trương, biện pháp trên cơ sở đường lối lãnh đạo của Đảng, pháp luật của nhà nước, bảo đảm phát huy dân chủ, tôn trọng ý kiến tham gia đóng góp của cử tri, thực hiện đúng phương châm "Dân biết, dân bàn,

dân làm, dân kiểm tra". Từ những quyết định đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân và góp phần không nhỏ vào việc đẩy nhanh quá trình đổi mới của Đảng và Nhà nước . Các hoạt động của Hội đồng nhân dân phường trong những năm qua đã thu hút được sự quan tâm và đồng tình ủng hộ của nhân dân địa phương.

- Chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân phường được nâng lên, do đó đa số các đại biểu đều hoàn thành nhiệm vụ người đại biểu gương mẫu chấp hành Hiến pháp, pháp luật, phát huy được vai trò của người đại biểu nhân dân và được đa số nhân dân tín nhiệm. Thường trực Hội đồng nhân dân phường có nhiều cố gắng trong việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, đã từng bước phát huy vai trò của mình trong việc bảo đảm hoạt động thường xuyên của Hội đồng nhân dân. Tổ chức tốt các kỳ họp của Hội đồng nhân dân; chất lượng các kỳ họp ngày càng được nâng lên; các nghị quyết ban hành phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

- Về lĩnh vực hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân phường trong những năm qua đã được thực hiện tương đối tốt, bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, và nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Hội đồng nhân dân phường ở nhiều địa phương đã có các hình thức, nội dung, phương pháp giám sát linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế. Thông qua hoạt động giám sát, kiểm tra Hội đồng nhân dân đã từng bước phát huy vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Công tác tiếp dân và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân được Hội đồng nhân dân phường coi trọng và quan tâm hơn trước.

- Giám sát là một chức năng quan trọng của Hội đồng nhân dân phường. Trong những năm qua, Hội đồng nhân dân phường đã thực hiện tốt chức năng này, góp phần bảo đảm cho đường lối chính sách của Đảng, pháp luật

của Nhà nước và nghị quyết của Hội đồng nhân dân được triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả và đi vào cuộc sống. Hội đồng nhân dân phường ở các địa phương đã từng bước cải tiến phương pháp hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động kiểm tra, giám sát góp phần thực hiện các giải pháp, biện pháp phát triển kinh tế xã hôi ở địa phương. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân phường, các đại biểu Hội đồng nhân dân, nhiều kiến nghị đã được Uỷ ban nhân dân triển khai thực hiện. Hội đồng nhân dân phường nhiều nơi tập trung giám sát vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội và ngân sách; công tác xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân đô thị; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; xây dựng đời sống văn hoá ở khu vực đô thị... Sau những đợt giám sát, nhiều kiến nghị của Hội đồng nhân dân đã được xây dựng thành những đề án góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội nâng cao mức sống của nhân dân.

Để công tác kiểm tra, giám sát có hiệu quả, Hội đồng nhân dân phường tại nhiều địa phương đã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận Tổ quốc cùng giám sát. Sự phối kết hợp này mang lại hiệu quả hơn và nhiều kiến nghị của Hội đồng nhân dân qua công tác giám sát đảm bảo tính khách quan, được các cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời.

- Công tác đảm bảo thi hành pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân phường được tổ chức thực hiện tốt. Hội đồng nhân dân phường không phải là cơ quan trực tiếp thực hiện pháp luật, chỉ thị, nghị quyết của cơ quan Nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân song đã có các biện pháp, nghị quyết triển khai để Thường trực Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân phường tổ chức triển khai trên địa bàn phường. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, trong những năm qua, Hội đồng

nhân dân đã cụ thể hoá các quy định của pháp luật và tình hình thực tế để quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị và làm tròn nghĩa vụ đối với cấp trên và nhà nước.

Để đảm bảo việc thi hành pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân phường luôn giữ mối liên hệ công tác với Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc ở phường trong việc triển khai quán triệt các luật, pháp lệnh, đặc biệt là sau mỗi kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân có cuộc họp với Uỷ ban nhân dân bàn biện pháp triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân phường. Trong những năm qua, Hội đồng nhân dân phường ở các địa phương đã có nhiều cố gắng thực hiện tốt quy trình hoạt động, cải tiến lề lối làm việc, thực hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; đảm bảo việc thi hành pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân ở địa phương mình một cách tốt nhất.

2.3.3.2. Những tồn tại, hạn chế trong hoạt động

- Thời gian qua việc thực hiện chức năng quyết định những vấn đề qua trọng ở địa phương mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song đánh giá chung, Hội đồng nhân dân phường vẫn còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện chức năng quyết định, kỳ họp Hội đồng nhân dân phường ở một số nơi còn mang tính hình thức, một số đề án, báo cáo trình ra Hội đồng nhân dân chưa được Hội đồng nhân dân phường thảo luận kỹ lưỡng trước khi thông qua. Đặc biệt là một số vấn đề về lĩnh vực kinh tế, ngân sách việc thảo luận được thông qua nhanh chóng, do đó khi thực hiện mang lại hiệu quả không cao.

- Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, Hội đồng nhân dân các cấp nói chung, Hội đồng nhân dân phường nói riêng được xác định là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Phạm vi quyền hạn được quy định rộng lớn, được quyết định và giám sát các mặt về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng … Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, Hội đồng nhân dân phường không hoàn toàn có thực quyền, việc phân công trách nhiệm, phấn cấp quản lý hành chính Nhà nước không rõ ràng, ‘’thường chỉ là quyết nghị những vấn đề để đề nghị cấp trên, hoặc quyết nghị có tính thủ tục hành chính để thực hiện những vấn đề mà cấp trên hoặc cấp uỷ đã quyết định’’ {5}. Vì vậy, cả hai chức năng quyền lực và chức năng đại diện của Hội đồng nhân dân phường biểu hiện còn khá hình thức trong thực tiễn hoạt động.

- Chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân phường so với cấp cơ sở (xã, thị trấn) có trình độ, kỹ năng cao hơn. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung đại biểu dân cử và so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với người đại biểu nhân dân ở cơ sở thì còn nhiều hạn chế cả về năng lực, trình độ đến kỹ năng hoạt động. Phương pháp bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân còn hình thức, nặng về cơ cấu, chưa tạo điều kiện cho nhân dân tham gia ngay từ khâu lựa chọn, giới thiệu người ứng cử để trở thành đại biểu Hội đồng nhân dân cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản tác động tới chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân phường. Thống kê kết quả bầu cử và chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2004-2009 cho thấy số đại biểu Hội đồng nhân dân có trình độ cấp I, cấp II còn lớn (chiếm tỉ lệ 46%); tỉ lệ chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ là 75%. Qua đó cho thấy, chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nói chung, phường nói riêng còn rất nhiều tồn tại, hạn chế tác động tới việc thực hiện nhiệm vụ,

Mặt khác, cơ chế hoạt động của đại biểu cũng mang tính hình thức, chưa tạo được sự chủ động trong hoạt động của các đại biểu Hội đồng nhân dân về thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật. Kết quả thăm dò dư luận của Viện Nghiên cứu Khoa học Tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ) năm 2004 cho thấy: chỉ có 50% đại biểu Hội đồng nhân dân được đánh giá là hoạt động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân chậm đổi mới, một năm hoạt động họp hai kỳ vào giữa năm và cuối năm chủ yếu nội dung xoay quanh việc nhận định, đánh giá tình hình, thông qua nhiệm vụ chung, ít có những nội dung thiết thực đáp ứng những vấn đề mà nhân dân quan tâm. Chất lượng các nghị quyết của Hội đồng nhân dân phường nhìn chung chưa cao, nhiều nơi Hội đồng nhân dân phường ban hành nghị quyết chưa sát hợp với thực tiễn, đặc điểm của phường, chưa phù hợp với đời sống nhân dân, huy động quá sức dân, không được nhân dân đồng tình ủng hộ. Hiệu quả và hiệu lực của các hoạt động giám sát chưa cao, việc đôn đốc, kiểm tra thực hiện các kiến nghị sau khi giám sát chưa được coi trọng đúng mức.

Chất lượng hoạt động Hội đồng nhân dân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu vào chất lượng các kỳ họp, hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân và của đại biểu Hội đồng nhân dân. Mặc dầu đã có tiến bộ nhưng nhìn chung chưa đồng đều, chưa ngang tầm với đòi hỏi của thực tiễn.

Tình hình trên do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân khách quan bắt nguồn từ một số quy định pháp luật chưa thật sát hợp, thời gian dài không được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung; mặt khác, phần lớn đại biểu giữ cương vị chủ chốt trong Hội đồng nhân dân là kiêm nhiệm, Thường trực nhiều nơi luôn có sự thay đổi, cơ sở vật chất tạo điều kiện cho Hội đồng nhân dân

phường hoạt động còn thiếu thốn. Nhưng nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò của cơ quan dân cử của các cấp, các ngành, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp địa phương và trong chính bản thân Hội đồng nhân dân phường, đại biểu Hội đồng nhân dân phường. Việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân cử chưa được quan tâm đúng mức.

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền phường ở nước ta trong giai đoạn hiện nay (Trang 59 - 65)