Một số kiến nghị

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền phường ở nước ta trong giai đoạn hiện nay (Trang 108 - 113)

3.2.1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp cơ sở nói chung, phường nói riêng.

Xây dựng Luật về Chính quyền địa phương cấp xã, trong đó có chương riêng quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân phường.

3.2.2. Phân biệt và làm rõ sự khác biệt về điều kiện kinh tế – xã hội, đặc thù quản lý hành chính giữa Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phường (khu vực đô thị) và Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn (khu vực nông thôn) trong Luật để xây dựng khung nhiệm vụ, thẩm quyền và áp dụng chế độ, chính sách, tổ chức bộ máy phù hợp với từng loại hình.

3.2.3. Nghiên cứu thực hiện mô hình chính quyền đô thị phường. Theo mô hình này, nghiên cứu tổ chức mô hình chính quyền phường theo hướng không nhất thiết thành lập Hội đồng nhân dân phường. Cơ cấu tổ chức Uỷ ban nhân dân phường tổ chức theo hệ thống dọc. Thành lập các ban chuyên môn của Uỷ ban nhân dân phường như Ban tài chính – ngân sách, Ban văn hoá - xã hội, Ban tư pháp … nhằm chuyên môn hoá các lĩnh vực quản lý của Uỷ ban nhân dân.

3.2.4. Nghiên cứu thí điểm thực hiện cơ chế tổ chức cho nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường hoặc cơ chế Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) bổ nhiệm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường. Đồng thời, kết hợp nghiên cứu cơ chế người đứng đầu bổ nhiệm người dưới quyền theo định hướng của Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ X. Bước đầu thực hiện cơ chế bổ nhiệm đối với thành viên Uỷ ban nhân dân phường.

3.2.5. Cải cách cơ cấu bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức Uỷ ban nhân dân phường theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng của đội ngũ này thông qua chương trình đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và dài hạn; kết hợp với thực

hiện tốt khâu tuyển dụng thông qua thi tuyển nhằm ‘’chuẩn hoá’’ đội ngũ cán bộ, công chức phường đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân phường trong giai đoạn mới.

3.2.6. Đổi mới quy trình lựa chọn, giới thiệu, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo hướng dân chủ hơn và tạo điều kiện cho người dân được trực tiếp tham gia ngay từ khâu lựa chọn, giới thiệu và quyết định nhân sự ứng cử để bầu người đại biểu đại diện cho nhân dân tại Hội đồng nhân dân phường - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Đây cũng là giải pháp nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân phường trong thời gian tới.

KẾT LUẬN

Cải cách bộ máy Nhà nước nói chung, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp nói riêng được Đảng và Nhà nước ta xác định là những bước đi quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước. Quốc hội, Chính phủ, bộ máy chính quyền địa phương các cấp nói chung, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân phường nói riêng đã, đang

triển khai thực hiện theo những mục tiêu đó và bước đầu đã đạt được những thành tựu cơ bản; sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới nhằm đạt được hiệu lực, hiệu quả quản lý cao hơn, phục vụ đắc lực hơn tiến trình cải cách, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.

Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền phường, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân đòi hỏi trước hết phải phân định rõ ràng, rành mạch chức năng và thẩm quyền của từng cấp chính quyền. Tiến hành phân cấp mạnh và rõ hơn giữa các cấp chính quyền địa phương; xác định mô hình và cơ chế hoạt động hợp lý của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân phường; đồng thời đề ra và thực hiện các phương hướng và giải pháp cụ thể gắn với công cuộc cải cách nền hành chính Nhà nước. Tuy nhiên, đây là những vấn đề lớn, do đó chỉ có thể được giải quyết trong tổng thể chủ trương chung của Đảng và Nhà nước ta là tiếp tục đổi mới và hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Đề tài luận văn thạc sỹ ‘’Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền phường trong giai đoạn hiện nay’’ dù được tác giả nghiên cứu thể hiện nghiêm túc. Tuy vậy, trong khuôn khổ của một đề tài luận văn, chỉ thực hiện trong thời gian hạn hẹp, tác giả chưa có nhiều điều kiện đi sâu vào việc nghiên cứu toàn diện tình hình tổ chức và hoạt động của chính quyền phường trong thời gian qua; các giải pháp đề xuất trong Luận văn này cũng chỉ mang tính nghiên cứu bước đầu. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song chắc chắn đề tài sẽ không tránh khỏi một số khiếm khuyết, hạn chế cả về mặt nội dung lẫn kỹ thuật trình bày. Tác giả đề tài kính mong nhận được ý kiến đóng

góp của các thầy, cô giáo; các nhà khoa học, các nhà quản lý và các đồng nghiệp.

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền phường ở nước ta trong giai đoạn hiện nay (Trang 108 - 113)