Hiến pháp 1959 được Quốc hội ban hành thay thế Hiến pháp 1946. Theo tại Điều 78 của Hiến pháp, cơ cấu đơn vị hành chính – lãnh thổ được quy định: ‘’Các đơn vị hành chính trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà phân định như sau:
Nước chia thành tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương; Tỉnh chia thành huyện, thành phố, thị xã; Huyện chia thành xã, thị trấn. Các đơn vị hành chính trong khu vực tự trị do luật định’’ {34}.
Việc tổ chức chính quyền địa phương cũng có nhiều điểm mới so với Hiến pháp 1946. Lần đầu tiên, Hiến pháp quy định việc thành lập Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính ở tất cả các đơn vị hành chính. Điều 79 Hiến pháp quy định: ‘’Các đơn vị hành chính kể trên đều thành lập Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính. Các thành phố có thể chia thành khu phố có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính theo quyết định của Hội đồng Chính phủ’’ {34}.
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp năm 1962. Luật này đã đánh dấu một giai đoạn mới về tổ chức chính quyền địa phương ở nước ta. Theo Hiến pháp 1959 và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính năm 1962, khu phố (phường) được tổ chức ở các thành phố trực thuộc Trung ương. Ở mỗi đơn vị hành chính khu phố đều tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính. Uỷ ban hành chính khu phố do Hội đồng nhân dân khu phố bầu ra.
1.4.3. Tổ chức chính quyền phường theo Hiến pháp 1980
Sau ngày đất nước thống nhất, tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất trong toàn quốc được tiến hành ngày 25.4.1976. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Quốc hội quyết định là xây dựng và ban hành Hiến pháp mới của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trên tinh thần đó, Hiến pháp năm 1980 đã được ban hành.
Về cơ bản, cơ cấu đơn vị hành chính theo Hiến pháp 1980 tương tự Hiến pháp 1959, song có sự hoàn thiện hơn về mặt tổ chức hành chính và chặt chẽ hơn về cách thức tổ chức.
Điều 113 Hiến pháp quy định: ‘’ Các đơn vị hành chính của Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính tương đương; tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện và thị xã; huyện chia thành xã và thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường và xã; quận chia thành phường. Các đơn vị hành chính kể trên đều thành lập Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân’’ {34}.
Trên cơ sở Hiến pháp 1980, ngày 30-6-1983, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp nhằm cụ thể hoá các nội dung Hiến pháp quy định về Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân.
Hiến pháp và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 1983 đã quy định việc thành lập Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ở tất cả các đơn vị hành chính. Điểm mới cơ bản là trong tổ chức đơn vị hành chính cấp xã có tên một đơn vị hành chính là phường. Mặc dù đây là đơn vị hành chính ở khu vực đô thị ở các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã hình thành từ khi có Sắc lệnh số 77-SL năm 1945 và được quy định sau đó trong Hiến pháp 1946. Tuy nhiên, tên gọi phường với tính chất là đơn vị hành chính cấp thấp nhất ở khu vực đô thị lần đầu tiên được chế định trong Hiến pháp 1980.
Hiến pháp năm 1980 và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 1983 không quy định cụ thể về tổ chức bộ máy của Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, lại quy định rất cụ thể về cơ cấu tổ chức của Uỷ ban nhân dân nói chung, Uỷ ban nhân dân phường nói riêng.
Điều 50, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 1983 quy định: ‘’Uỷ ban nhân dân gồm có Chủ tịch, một hoặc nhiều phó chủ tịch, uỷ viên thư ký và các uỷ viên khác. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có từ bảy đến chín người’’ {36}.