Như đã phân tích ở Chương một, phát triển hoạt động thanh toán quốc tế của các ngân hàng thương mại là cần thiết và phù hợp với xu thế và yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, dịch vụ thanh toán quốc tế luôn tiềm ẩn rủi ro cao. Do đó, vần đề kiểm tra, kiểm soát thường xuyên để đề ra các biện pháp phát triển ổn định hoạt động thanh toán quốc tế trước những biến động của môi trường và giảm rủi ro trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại là rất quan trọng. Nâng cao năng lực quản lý của ban lãnh đạo ngân hàng là một nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển của hoạt động thanh toán quốc tế trong ngân hàng nói riêng và toàn bộ các hoạt động ngân hàng nói chung. Quản lý một hoạt động bất kỳ trong nền kinh tế đều bao gồm nhiều nội dung, công việc cụ thể tuỳ theo giác độ xem xét và đề cập. Ở tầm vĩ mô chúng ta có thể xem xét trên ba khía cạnh: năng lực hoạch định chiến lược phát triển cho các dịch vụ thanh toán quốc tế, năng lực quản trị điều hành hoạt động thanh toán quốc tế, năng lực quản lý rủi ro hoạt động thanh toán quốc tế.
Mỗi ngân hàng thường dựa trên chiến lược phát triển chung của toàn ngân hàng để vạch ra chiến lược phát triển cho từng hoạt động cụ thể nhằm đạt được tính tối ưu trong các dịch vụ mà ngân hàng cung cấp. Nhưng vấn đề quan trọng là phải hoạch định được một chiến lược phát triển đúng hướng, phù hợp với xu thế phát triển. Đây không phải là việc dễ làm nhưng các ngân hàng thương mại phải làm tốt nếu muốn tồn tại và phát triển. Ngân hàng Nông nghiệp Đông Hà Nội ngay từ khi thành lập đã quan tâm đến vấn đề hoạch định chiến lược phát triển các dịch vụ ngân hàng nói chung và dịch vụ thanh toán quốc tế nói riêng. Được cụ thể hoá qua chính sách, mục tiêu chất lượng và kế hoạch thực hiện của ngân hàng. Tuy nhiên trong điều kiện mới hiện nay, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, công tác hoạch định chiến lược của Ngân hàng Nông nghiệp Đông Hà Nội cần làm tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất: Nâng cao nhận thức hơn nữa về tầm quan trọng của công tác hoạch định chiến lược và hoàn thiện chiến lược kinh doanh của ngân hàng nói chung và chiến lược phát triển hoạt động thanh toán quốc tế nói riêng trong từng cán bộ ngân hàng. Việc xây dựng chiến lược phát triển là thiết thực và vì sự phát triển của ngân hàng và sự phát triển hoạt động thanh toán quốc tế. Thông qua đó thu hút sự tham gia đông đảo của ban lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ và chuyên gia ngân hàng vào công tác hoạch định chiến lược phát triển của ngân hàng.
Thứ hai: Việc xây dựng chiến lược kinh doanh cần sử dụng đội ngũ chuyên viên của mình để tự xây dựng chiến lược phát triển. Bởi lẽ, chiến lược kinh doanh của ngân hàng là một nhân tố cạnh tranh, có tính chất quyết định đối với sự phát triển của ngân hàng. Do đó chiến lược kinh doanh của ngân hàng có thể công khai song vẫn cần có các điểm bí mật không thể tiết lộ. Việc thuê chuyên gia bên ngoài viết chiến lược kinh doanh cho ngân hàng không đảm bảo được bí mật cho ngân hàng. Khi viết chiến lược phát triển
cho các hoạt động của ngân hàng cũng không nên quá cầu toàn về mặt nội dung của chiến lược bởi chiến lược không phải là bất di bất dịch mà có thể được điều chỉnh trong quá trình phát triển khi các yếu tố tác động đến chiến lược thay đổi. Tuy vậy, việc xây dựng chiến lược cũng cần phải được xây dựng trên cơ sở phân tích thông tin, số liệu tin cậy, đảm bảo được tính định hướng và có tính thuyết phục cao.
Thứ ba: Cần đánh giá chính xác khả năng hiện có của ngân hàng, dự đoán sự phát triển của các đối thủ cạnh tranh.
Để đánh giá chính xác khả năng hiện có của mình, ngân hàng cần trả lời tốt câu hỏi: Tiềm lực và khả năng thực tế của ngân hàng trong hiện tại như thế nào? Khả năng mở rộng và phát triển ra sao?
Để trả lời câu hỏi thứ nhất: “Tiềm lực và khả năng thực tế của ngân hàng trong hiện tại” có thể dễ dàng được thực hiện thông qua hệ thống kế toán, thống kê của ngân hàng. Nhưng việc trả lời câu hỏi thứ hai thì không hề dễ dàng chút nào. Đó là khả năng khai thác và sử dụng các nguồn lực đó ra sao trong tương lai. Tức là dựa trên hiện tại để tìm ra các biện pháp phát triển trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có, dự báo trước xu hướng phát triển của các nguồn lực đó.
Trong kinh doanh ngoài việc biết rõ vị thế của mình, ngân hàng còn phải biết tiềm lực của các đối thủ cạnh tranh. Chính các đối thủ này sẽ là thước đo thế năng của ngân hàng trên thương trường. Làm tốt việc này chúng ta cần trả lời câu hỏi: Các đối thủ cạnh tranh của ngân hàng là ai? Tiềm lực của họ ra sao? Khả năng thâm nhập và phát triển thị trường của ngân hàng đó như thế nào? Tất cả các câu hỏi này chỉ có thể được trả lời chính xác khi ngân hàng tổ chức việc thu thập tốt thông tin liên quan đến các đối thủ cạnh tranh. Các thông tin này có thể thu thập qua nhiều nguồn: báo cáo thường niên, qua các phương tiện thông tin, khách hàng, các nguồn không chính thức …. Ngân hàng cần
xây dựng một hệ thống thông tin hiện đại nhằm thu thập thông tin chính xác, đảm bảo được tính thời sự của thông tin.
Thu thập thông tin là quan trọng để đánh giá khả năng hiện tại của ngân hàng song việc tổng hợp và xử lý thông tin cũng rất quan trọng để xây dựng một chiến lược hợp lý trong quá trình phát triển. Ngân hàng có thể xử dụng ma trận SWOT để tổng hợp, phân tích thông tin và tìm ra điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và đe doạ của mình trong quá trình phát triển. Từ đó, tìm ra các biện pháp hợp lý để nâng cao sức cạnh tranh của ngân hàng.
* Đối với công tác quản trị điều hành hoạt động thanh toán quốc tế
Cần cải cách bộ máy quản lý điều hành theo tư duy kinh doanh mới. Bộ máy đòi hỏi phải tinh gọn, theo mô hình trực tuyến, đảm bảo thông tin đến nhanh, chính xác và kịp thời.
Xây dựng chuẩn hoá và văn bản hoá toàn bộ quy trình nghiệp vụ cho mọi hoạt động của ngân hàng và hoạt động thanh toán quốc tế, thực hiện giảm thiểu các thủ tục không cần thiết cho khách hàng.
Thực hiện công tác quản lý điều hành gắn với việc sử dụng công cụ điều hành được kết hợp chặt chẽ. Quản lý điều hành căn cứ vào mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn phát triển nhằm thực hiện tốt mục tiêu dài hạn cho phát triển dịch vụ thanh toán quốc tế.
* Hoàn thiện hệ thống phòng ngừa rủi ro
Thanh toán quốc tế luôn là hoạt động chứa nhiều rủi ro so với các hoạt động ngân hàng khác. Kiểm tra, kiểm soát rủi ro là một phần không thể thiếu để duy trì và phát triển hoạt động thanh toán quốc tế của ngân hàng. Để phòng ngừa rủi ro một các có hiệu quả, cần có một hệ thống phòng ngừa rủi ro tiến hàng thu thập, phân tích thông tin kịp thời và đưa ra những dự báo chính xác, ngăn chặn kịp thời những rủi ro có thể xảy ra. Tuy nhiên hiện nay hệ thống phòng ngừa rủi ro của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay nói chung và của Ngân hàng Nông nghiệp Đông Hà Nội nói riêng phần nào còn mang tín
hình thức, hoạt động chưa mang lại hiệu quả cao. Trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống này nhằm hướng tới sự phát triển bền vững cho mọi hoạt động ngân hàng nói chung và thanh toán quốc tế nói riêng. Để làm được điều này, Ngân hàng Nông nghiệp Đông Hà Nội cần:
Thứ nhất: Tăng cường thu thập các thông tin liên quan đến hoạt động ngân hàng. Hoạt động thanh toán quốc tế của ngân hàng và của doanh nghiệp.
- Thông tin về hoạt động kinh doanh của khách hàng để có những dự đoán nhất định về sự phát triển của khách hàng, làm căn cứ phân loại khách hàng.
- Thông tin về sự thay đổi kế hoạch kinh doanh của các đối thủ cạnh tranh. Sự thay đổi về sản phẩm dịch vụ của đối thủ cạnh tranh có thể làm thay đổi quyết định và thái độ của khách hàng đối với các sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng. Nên thu thập thông tin để có những đối sách kịp thời.
- Thông tin về môi trường kinh doanh: môi trường kinh tế trong nước, nước ngoài; môi trường pháp lý trong nước, quốc tế; ……
Việc thu thập thông tin trên có thể thực hiện thông qua nhiều phương cách khác nhau như:
- Trong điều kiện tin học hoá như hiện nay, ngân hàng có thể áp dụng hệ thống quản lý thông tin MIS (Management Information System): hệ thống quản lý tất cả các thông tin liên quan đến hoạt động của Chi nhánh: thông tin cá nhân, thông tin nhân sự, thông tin khách hàng, thông tin người dùng.
Thông qua hệ thống thông tin này ban lãnh đạo có thể nắm bắt nhanh tất cả các thông tin liên quan đến hoạt động của chi nhánh, đảm báo tính thời sự của thông tin.
- Ngoài ra, hiện nay một số ngân hàng thiết lập một quy trình liên kết tất cả các thông tin liên quan đến khách hàng, hiệu quả bán hàng và trách nhiệm trong việc bán hàng, tiếp thị về xu thế thị trường thông qua hệ thống quản trị quan hệ khách hàng.
Vấn đề thu thập thông tin tốt sẽ là cơ sở để phân tích những rủi ro đối với ngân hàng để đưa ra những cảnh báo kịp thời, giải pháp để hạn chế rủi ro. Nhưng nếu thông tin chỉ được thu thập mà không xử lý, thông tin đó không có ý nghĩa hoặc có thể không đưa lại kết quả như mong muốn, rủi ro vẫn xảy ra đối với các hoạt động của ngân hàng.
Trong giai đoạn hiện nay, yếu tố cạnh tranh đang là một thách thức thực sự đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Vấn đề thu thập và xử lý thông tin đang là một việc làm bức xúc của Ngân hàng Nông nghiệp Đông Hà Nội. Xử lý chính xác thông tin thu thập được không chỉ làm cơ sở cho việc cảnh báo rủi ro mà còn là căn cứ trong xây dựng chiến lược phát triển cho dịch vụ thanh toán quốc tế của ngân hàng trong điều kiện hiện nay.
Để nâng cao khả năng phân tích thông tin. Ngân hàng Nông nghiệp Đông Hà Nội cần phải:
- Nhanh tróng đưa công nghệ hiện đại vào hoạt động thu thập và xử lý thông tin. Đảm bảo độ chính xác trong xử lý thông tin và tính thời sự của thông tin.
- Tập trung đội ngũ cán bộ giỏi, có khả năng phân tích vào bộ phận tổng hợp hoạch định chính sách
- Kiện toàn hệ thống thống kê, kế toán
Thứ ba: Thực hiện lưu trữ thông tin theo một hệ thống nhất định tiện cho việc sử dụng và khai thác. Thông tin không phải lúc nào cũng có giá trị ngay, cần có kế hoạch lưu trữ thông tin thành hệ thống dễ khai thác và sử dụng.