hàng thương mại
a)Các tiêu chí định lượng:
Sự đa dạng của các loại hình bảo lãnh:
Nghiệp vụ bảo lãnh được coi là phát triển khi nó được thực hiện thường xuyên và đa dạng. Theo như phân loại ở trên, nghiệp vụ bảo lãnh của ngân hàng có thể được chia thành rất nhiều loại. Mỗi loại bảo lãnh khác nhau có mục đích sử dụng và có tác dụng riêng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp do khả năng hạn chế, nhiều ngân hàng chỉ tập trung một số loại bảo lãnh mà có nhu cầu lớn và bỏ qua các loại bảo lãnh khác. Điều đó nói lên rằng nghiệp vụ bảo lãnh của ngân hàng đó chỉ trong giai đoạn khởi đầu, chưa phát triển. Nếu một ngân hàng có thể thực hiện đa dạng hoá danh mục bảo lãnh thực hiện, chứng tỏ ngân hàng đó có uy tín lớn và thực sự phát triển về nghiệp vụ bảo lãnh. Vì vậy, đa dạng hoá các loại hình bảo lãnh là
một mục tiêu của các ngân hàng trong quá trình phát triển nghiệp vụ bảo lãnh của mình
Sự tăng lên về dư nợ qua các năm:
Khi nghiệp vụ bảo lãnh của ngân hàng phát triển thì số lượng hợp đồng thực hiện bảo lãnh sẽ lớn và tăng đều lên qua các năm. Đồng thời khi đó giá trị mỗi hợp đồng bảo lãnh của ngân hàng cũng sẽ tăng lên. Điều đó dẫn đến dư nợ bảo lãnh của ngân hàng đạt mức cao và tăng dần qua các năm. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp các hợp đồng bảo lãnh có giá trị trong nhiều năm nên dư nợ bảo lãnh vào một thời điểm của năm có thể là sự dồn tích của nhiều năm trước đó và không phản ánh sự phát triển thực sự của bảo lãnh ngân hàng.
Lợi nhuận từ nghiệp vụ bảo lãnh:
Nếu lợi nhuận từ nghiệp vụ bảo lãnh cao chứng tỏ ngân hàng thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh có hiệu quả và ngược lại. Lợi nhuận từ nghiệp vụ bảo lãnh được tính trên cơ sở chênh lệch giữa doanh thu và chi phí từ nghiệp vụ bảo lãnh.
Sự mở rộng về đối tượng và số lượng khách hàng:
Với nhiều loại hình khác nhau, nghiệp vụ bảo lãnh có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau. Trong quá trình mở cửa nền kinh tế hiện nay, các thành phần kinh tế đều tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh một cách sôi nổi. Các hoạt động đó có thể đem lại những món lợi lớn, nhưng đồng thời cũng chứa đựng rất nhiều rủi ro gây tổn thất đáng kể cho họ. Mọi đối tượng tham gia vào đó đều có thể gặp rủi ro từ nhiều phía, một trong số đó là rủi ro do đối tác gây ra. Để ngăn chặn những rủi ro này, một biện pháp được sử dụng đó là bảo lãnh ngân hàng. Như vậy, nghiệp vụ bảo lãnh trong một ngân hàng hoàn toàn có thể thu hút được tất cả các thành phần kinh tế tham gia. Đặc biệt, hiện nay khi mà rủi ro ngày càng nhiều và nằm ngoài tầm kiểm soát của các bên thì số lượng khách hàng có nhu cầu sử dụng nghiệp vụ bảo lãnh của ngân hàng ngày càng
tăng. Ngân hàng có nghiệp vụ bảo lãnh phát triển là phải đáp ứng được những nhu cầu đó ngày càng tốt. Do đó, việc tăng đối tượng khách hàng và số lượng khách hàng sử dụng nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng là một tiêu chí cơ bản phản ánh sự phát triển nghiệp vụ bảo lãnh của ngân hàng.
b)Các tiêu chí định tính:
Thủ tục bảo lãnh nhanh gọn:
Thủ tục bảo lãnh nhanh gọn là một trong những yếu tố khách hàng rất quan tâm khi lựa chọn ngân hàng bảo lãnh. Khi đó họ sẽ giảm bớt được nhiều thời gian và chi phí cho việc phát hành bảo lãnh của ngân hàng. Chính vì vậy, ngân hàng muốn phát triển nghiệp vụ bảo lãnh thì phải quan tâm đến vấn đề này, tuy nhiên phải đảm bảo đúng quy trình nghiệp vụ và hợp pháp.
Khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh:
Theo Quyết định số 26/2006/QĐ – NHNN , một ngân hàng không được phép thực hiện bảo lãnh vượt quá 15% vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Trong phạm vi này, ngân hàng có thể thực hiện bất kỳ loại bảo lãnh nào. Với mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận, các ngân hàng luôn tận dụng tối đa các cơ hội, do đó các ngân hàng sẵn sàng ký kết các hợp đồng có giá trị lớn (trong phạm vi cho phép). Tuy nhiên, ngân hàng cũng cần cân nhắc nguồn vốn của mình để đảm bảo khi phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh thì ngân hàng có đủ vốn để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh, tránh tình trạng rủi ro thanh khoản.
Số lượng hợp đồng bảo lãnh ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thấp:
Bảo lãnh được coi như là một tài sản ngoại bảng, chỉ khi nào ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì khoản chi trả đó được xế vào tài sản xấu trong nội bảng và cấu thành nợ quá hạn của ngân hàng. Do đó hạn chế hợp đồng bảo lãnh ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là biện pháp đảm bảo an toàn cho hoạt động của ngân
hàng nói chung và an toàn hoạt động bảo lãnh nói riêng. Để thực hiện được điều đó đòi hỏi nghiệp vụ bảo lãnh của ngân hàng phát triển thể hiện ở khâu thẩm định khách hàng cũng như trình độ nghiệp vụ của cán bộ làm nghiệp vụ bảo lãnh phải có chất lượng cao.