Sau hai mươi năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nước ta đã thu được những thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, chính trị xã hội. Tuy nhiên, trong những năm tới để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đảng và nhân dân ta đã đặt ra “phấn đấu đưa nước ta sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển và vươn lên trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[24,10], hơn bao giờ hết, Đảng ta phải phát huy cao độ nguồn lực con người Việt Nam, trong đó phải kể đến một lực lượng quan trọng là sinh viên Hà Nội nói riêng và sinh viên cả nước nói chung. Bởi lẽ họ là những trí thức tài giỏi trong tương lai, là nguồn nhân lực có trình độ cao, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ rất nặng nề nhưng cũng rất vinh quang mà đất nước giao cho họ là vừa học tập tiếp thu khoa học công nghệ hiện đại, vừa rèn luyện phẩm chất, nhân cách để trở thành những trí thức “vừa hồng vừa chuyên”.
Trong sự hình thành và phát triển nhân cách con người nói chung và sinh viên nói riêng, chúng ta không thể không nói tới vai trò của môi trường văn hoá thẩm mỹ. Bởi môi trường văn hoá thẩm mỹ:
+ Có vai trò đánh thức những năng lực sáng tạo tiềm ẩn, hoàn thiện năng lực tư duy của sinh viên.
+ Góp phần định hướng giá trị, phê phán cái sai, lên án cái ác, cái xấu hướng sinh viên tới cái đúng, cái thiện, cái đẹp; xây dựng những yếu tố tích cực của xu hướng cá nhân trong sự phát triển nhân cách sinh viên
+ Góp phần tham gia vào quá trình bồi dưỡng năng lực cảm xúc, tạo dựng một nhân cách hài hoà cho sự phát triển của sinh viên
Các trường cao đẳng, đại học là nơi sinh viên vừa sinh hoạt, học tập, nghiên cứu và giao tiếp, là môi trường giáo dục chủ yếu trong sự hình thành nhân cách sinh viên. Trong những năm qua vấn đề xây dựng môi trường văn hoá thẩm mỹ trong các trường cao đẳng, đại học ở Hà Nội đã gặt hái được nhiều thành tựu, tuy nhiên không thể tránh khỏi những hạn chế. Những hạn chế này do:
+ Sự tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường, hội nhập khu vực và thế giới
+ Trình độ nhận thức của các cấp quản lý, các nhà hoạch định chính sách về văn hoá và giáo dục, của cán bộ nhân viên trong trường và của sinh viên còn hạn chế
+ Sự đầu tư về cơ sở vật chất chưa phù hợp với mức độ phát triển trong các trường cao đẳng, đại học ở Hà Nội
Để khắc phục những hạn chế trên nhằm xây dựng một môi trường văn hoá thẩm mỹ đẹp và lành mạnh trong các trường cao đẳng và đại học ở Hà Nội hiện nay cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
+ Xây dựng môi trường kinh tế văn hoá xã hội lành mạnh
+ Nâng cao trình độ nhận thức của sinh viên, đặc biệt là năng lực thẩm mỹ + Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên
+ Đầu tư cơ sở vật chất cho các trường cao đẳng đại học
+ Quy chế khen thưởng và kỷ luật
Thực hiện tốt các biện pháp này sẽ từng bước xây dựng môi trường văn hoá thẩm mỹ đẹp và lành mạnh trong các trường cao đẳng, đại học ở Hà Nội hiện nay.