Những nhân tố cơ bản tác động đến môi trường văn hoá thẩm mỹ

Một phần của tài liệu Xây dựng môi trường văn hoá thẩm mỹ trong các trường cao đẳng, đại học ở Việt Nam hiện nay (Trang 34 - 39)

1.2.2.1 Điều kiện sinh thái- tự nhiên

Môi trường văn hoá nói chung và môi trường văn hoá thẩm mỹ nói riêng là sự đan bện lẫn nhau giữa môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Vì vậy, muốn xây dựng môi trường văn hoá thẩm mỹ đẹp, phong phú, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân cách con người hình thành và phát triển không thể bàn đến sự tác động của đồng thời cả yếu tố tự nhiên và xã hội.

Điều kiện sinh thái- tự nhiên là môi trường của mối quan hệ giữ con người với tự nhiên. Nó bao gồm toàn bộ những điều kiện tự nhiên cả vô cơ và hữu cơ như đất đai, rừng núi, động vật, không khí, sông hồ…

Một mặt, con người là sản phẩm của tự nhiên nhưng mặt khác, con người tác động lại tự nhiên nhằm biến đổi tự nhiên theo ý muốn của con người. Vì vậy, chất lượng sống của con người một phần phụ thuộc vào chất lượng của môi trường tự nhiên. Khó có thể nói đến chất lượng sống của con người, đến môi trường văn hoá thẩm mỹ khi mà con người phải sống trong một điều kiện sinh thái- tự nhiên bị ô nhiễm, tàn phá, bị làm vẫy bẩn. Những cánh rừng bị chặt phá tàn nhẫn, những dòng sông khô cạn, nước bị ô nhiễm vì tràn ngập chất thải, bầu trời đen ngòm khói than, khói chứa đầy các hoá chất độc hại được thải ra từ các nhà máy, xí nghiệp, đường phố tràn ngập rác rưởi, cống rãnh bẩn thỉu, hôi thối, âm thanh ồn ào…

Điều kiện sinh thái- tự nhiên trước hết tác động đến cảnh quan. Nó là một trong những yếu tố xây dựng nên cảnh quan. Con người vốn sống gắn bó với tự nhiên. Cảnh quan do con người xây dựng nên không thể thiếu những yếu tố tự nhiên. Nó góp phần làm đẹp cho cảnh quan nơi con người sinh sống, học tập và làm việc.

Điều kiện sinh thái- tự nhiên còn tác động tới tâm lý, tình cảm, tinh thần của con người. Trong nhịp sống hối hả với nhiều phương tiện hiện đại như ngày nay, nhiều khi con người thấy bị bức bối, gò ép. Họ tìm đến với thiên nhiên để giải toả, để được thoả sức đắm mình trong tự nhiên, để được nghe một tiếng chim hót, để được hít căng lồng ngực mùi thơm từ rơm nếp, để được ngắm ánh trăng rằm… Sống hoà mình với tự nhiên như vậy, con người trở lại với chính bản thân mình, tinh thần trở nên khoan khoái, tiếp tục học tập, làm việc cống hiến cho xã hội.

Điều kiện sinh thái- tự nhiên tác động tới môi trường văn hoá thẩm mỹ. Nó làm cho môi trường văn hoá thẩm mỹ đẹp hơn, hài hoà hơn, nhân văn hơn. Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta vấn đề ô nhiễm môi trường sinh thái đang được đặt ra cấp bách. Việc bảo vệ môi trường sinh thái không chỉ nhằm bảo vệ sự tồn tại và phát

triển về thể lực, sức khoẻ của con người mà còn vì sự phát triển tinh thần- văn hoá của con người, góp phần xây dựng môi trường văn hoá thẩm mỹ đẹp và lành mạnh.

1.2.2.2 Điều kiện kinh tế- xã hội

Kinh tế- xã hội là điều kiện cơ bản quyết định tới cơ sở vật chất của môi trường văn hoá thẩm mỹ. Mác cho rằng, đầu tiên con người phải ăn, mặc, ở, đi lại và làm việc rồi sau đó mới làm triết học, nghệ thuật. Con người không thể nghĩ đến cái đẹp khi trong lòng nặng trĩu chuyện sinh tồn. Con người cũng không thể xây dựng được môi trường văn hoá thẩm mỹ đẹp khi thiếu những điều kiện về vật chất. Khi kinh tế- xã hội được cải thiện nó sẽ góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho mở mang dân trí, phát triển văn hoá, củng cố truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc, nhờ đó mà nhận thức của con người được nâng cao trong đó có cả ý thức về môi trường văn hoá thẩm mỹ.

Tuy nhiên, kinh tế phát triển không phải lúc nào cũng song trùng với tiến bộ xã hội. Thực tế cho thấy, trong nhiều xã hội khi kinh tế phát triển nó cũng kéo theo xã hội chuyển biến dồn dập, các chuẩn mực xã hội, các giá trị đạo đức bị phá vỡ, phải trái, đúng sai không còn rạch ròi. Trong hoàn cảnh đó con người dễ thờ ơ với cái thiện, dửng dưng trước cái ác. Chính điều đó đã tạo điều kiện cho cái ác, cái bất lương phát triển. Lối sống thực dụng, cá nhân ích kỷ đã làm cho tình trạng tham nhũng, buôn lậu, lừa đảo càng có đà sinh sôi, nảy nở. Chính tâm lý sống gấp, sống hưởng thụ đã làm cho nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau sa vào các tệ nạn xã hội. Thậm chí một bộ phận không nhỏ bị tha hóa bởi đồng tiền, vì những hưởng thụ vật chất mà hành động mù quáng. Trong điều kiện xã hội như vậy thì việc xây dựng môi trường văn hoá thẩm mỹ lành mạnh là rất hạn chế.

Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hoá, vì công bằng, dân chủ, văn minh và con người phát triển toàn diện. Như vậy văn hoá là kết quả của kinh tế nhưng đồng thời các nhân tố văn hoá phải gắn chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện: chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật, kỷ cương… trở thành động lực của sự phát triển kinh tế- xã hội, góp phần xây dựng môi trường văn hoá thẩm mỹ.

1.2.2.3 Nhân tố chủ thể thẩm mỹ

Chủ thể thẩm mỹ là chủ thể người xã hội có khả năng hưởng thụ, sáng tạo, và đánh giá thẩm mỹ thông qua các giác quan và được rèn luyện về sự đồng hoá thế giới về mặt thẩm mỹ.

Chủ thể thẩm mỹ là những con người xã hội, họ khác với các loài động vật khác ở chỗ các loài động vật khác chỉ hoạt động mang tính bản năng, sinh tồn còn hoạt động của chủ thể thẩm mỹ chính là những hoạt động mang tính sáng tạo. Chính lao động sáng tạo đã làm cho con người khác biệt với loài vật, biến con người từ một chủ thể sinh vật trở thành chủ thể thẩm mỹ. Trong “Bản thảo kinh tế triết học năm 1844”, Mác viết: “con vật chỉ chế tạo theo kích thước và nhu cầu giống loài của nó, còn con người thì có thể sản xuất theo kích thước của bất cứ loài nào và ở đâu cũng biết vận dụng bản chất cố hữu của mình vào đối tượng, do đó con người cũng chế tạo theo quy luật của cái đẹp”. Như vậy, hoạt động theo quy luật của cái đẹp không chỉ là nhu cầu mà còn là bản chất của con người. Mọi hoạt động của con người đều hướng tới cái đẹp.

Mặt khác, con người là sản phẩm của tự nhiên. Chính môi trường tự nhiên là tiền đề cho sự tồn tại và phát triển của con người. Mác khẳng định: “Giới tự nhiên là thân thể vô cơ của con người”, “đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn liền với giới tự nhiên” [45,135]. Trong môi trường tự nhiên con người được sinh ra,

hoạt động và trưởng thành nhưng con người thông qua lao động còn tác động vào tự nhiên, cải biến tự nhiên, nhào nặn, sản xuất ra một tự nhiên thứ hai cho mình. Điều đó có nghĩa con người tạo ra chính môi trường sống của mình thông qua hoạt động lao động. Mà mọi hoạt động của con người đều hướng tới cái đẹp. Vì vậy, dù vô tình hay chủ ý, con người cũng xây dựng nên môi trường sống của mình tuân thủ theo quy luật của cái đẹp hay nói cách khác chính con người xã hội- những chủ thể thẩm mỹ đã góp phần tạo nên môi trường văn hoá thẩm mỹ của mình.

Tuy nhiên, con người cũng tác động tới môi trường văn hoá thẩm mỹ theo cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực. Một mặt, con người xây dựng môi trường văn hoá thẩm mỹ theo quy luật của cái đẹp nhưng mặt khác cũng chính tác động của con người đã phá vỡ môi trường văn hoá thẩm mỹ của mình. Đặc biệt, trong cơ chế thị trường và xu hướng hội nhập ở nước ta hiện nay, nhiều vấn đề về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội đang đặt ra như vấn đề ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, phá vỡ cảnh quan thiên thiên, lối sống thực dụng chạy theo đồng tiền, suy thoái đạo đức xã hội… Những hạn chế đó đã làm ô nhiễm môi trường văn hoá thẩm mỹ.

Chủ thể thẩm mỹ là một nhân tố cơ bản và quan trọng nhất tác động tới môi trường văn hoá thẩm mỹ. Hoạt động tích cực của họ sẽ cải tạo môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nhằm xây dựng môi trường văn hoá thẩm mỹ. Họ chính là những người tạo nên môi trường văn hoá thẩm mỹ, đồng thời cũng chính họ là người hưởng thụ những thành quả do môi trường văn hoá thẩm mỹ mang lại. Vì vậy, môi trường văn hoá thẩm mỹ lành mạnh hay không phụ thuộc vào vai trò hoạt động của chủ thể thẩm mỹ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Con người xã hội chủ nghĩa phải là

những con người có thói quen, nhu cầu học tập, tự đào tạo trong một xã hội học tập và có tư cách đạo đức tốt, có lập trường chính trị vững vàng, có lối sống đẹp, biết phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần trách nhiệm, ý thức tập thể, gắn bó với cộng đồng, biết làm phong phú cuộc sống tinh thần của bản thân và cộng đồng.

Một phần của tài liệu Xây dựng môi trường văn hoá thẩm mỹ trong các trường cao đẳng, đại học ở Việt Nam hiện nay (Trang 34 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)