2.1 Thực trạng xây dựng môi trƣờng văn hóa thẩm mỹ trong các trƣờng cao đẳng, đại học ở Hà Nội hiện nay cao đẳng, đại học ở Hà Nội hiện nay
2.1.1. Nhu cầu thẩm mỹ của sinh viên trong các trường cao đẳng, đại học ở Hà Nội hiện nay ở Hà Nội hiện nay
Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta trong những năm gần đây đã gặt hái được những thành tựu hết sức quan trọng: đời sống vật chất của nhân dân được cải thiện, đời sống tinh thần được nâng cao, đời sống văn hoá có những bước tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, cũng nhận thấy rằng, nền kinh tế nước ta hiện nay vẫn ở tình trạng chậm phát triển so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đời sống của một bộ phận nhân dân hiện nay vẫn ở mức thấp. Nguyên nhân căn bản là chúng ta xuất phát từ một nền sản xuất nhỏ, nông nghiệp, nghèo nàn lạc hậu, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu tồn tại lâu dài ở nước ta đã tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần của nhân dân. Sinh viên Hà Nội là con em của mọi tầng lớp nhân dân sống ở các vùng miền khác nhau về học tập ở các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn Hà Nội. Họ mang trong mình cả những giá trị thẩm mỹ truyền thống của mỗi vùng quê nơi họ sinh ra, đồng thời, họ được tiếp nhận những giá trị thẩm mỹ mới trong quá trình học tập và sinh hoạt ở thủ đô Hà Nội. Họ được kế thừa cả những yếu tố tích cực và hạn chế của nông dân Việt Nam. Những yếu tố tích cực như lòng yêu nước, tính cần cù, chịu khó, dũng cảm… Bên cạnh đó những hạn chế của người nông dân như đầu óc tư hữu, nếp nghĩ tư duy thiển cận, tư duy kinh nghiệm là chủ yếu, cung cách làm ăn tủn mủn, tuỳ tiện, thiếu tổ chức kỷ luật… Sự pha trộn của các giá trị
thẩm mỹ truyền thống của các vùng miền cùng những yếu tố được kế thừa từ người nông dân Việt Nam đã ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu thẩm mỹ của sinh viên Hà Nội hiện nay.
Thực tiễn loài người đã chứng minh con người vừa là chủ thể của hoàn cảnh, đồng thời cũng là sản phẩm của hoàn cảnh. Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế nước ta chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì tất cả những ưu và nhược điểm của nó đã và đang tác động đến nhu cầu thẩm mỹ của sinh viên Hà Nội hiện nay.
Cơ chế thị trường có những đòi hỏi khắt khe về thị trường lao động, đòi hỏi con người phải có trình độ học vấn cao, có năng lực chuyên môn vững chắc, năng động sáng tạo trong các lĩnh vực lao động và cuộc sống. Những đòi hỏi khắt khe đó đã và đang tác động đến sinh viên, đòi hỏi sinh viên khắc phục tính thụ động, ỷ lại, dựa dẫm, lười học tập, lười nghiên cứu khoa học. Hơn nữa, việc mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật với nhiều nước trên thế giới đã tạo điều kiện cho nhân dân trong đó có sinh viên học hỏi tiếp thu và kế thừa những tư tưởng tiến bộ, văn minh, những thành tựu của khoa học, kỹ thuật và văn hoá của nhân loại và thời đại. Trong văn hoá đã khắc phục được tình trạng đơn điệu về thể loại, xơ cứng về nội dung, áp đặt về nhu cầu, tạo cho đời sống văn hoá tinh thần sự sống động, đa dạng. Các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các phương tiện nghe nhìn ngày càng phát triển, hiện đại, làm phong phú những hình thức và phương tiện đưa văn hoá, nghệ thuật đến với sinh viên. Vì vậy, sinh viên ngày nay, đặc biệt là sinh viên Hà Nội năng động hơn, thông minh hơn, dám tự khẳng định mình, dám đương đầu với những khó khăn bước đầu trên con đường lập nghiệp.
Bên cạnh những tác động tích cực thì cơ chế thị trường cũng bộc lộ những mặt trái của nó. Do đề cao lợi ích cá nhân, nhiều người trong đó có cả sinh viên hiện nay nảy sinh tư tưởng và lối sống thực dụng, vì đồng tiền, bất chấp mọi giá trị đạo đức, văn hoá, kỷ cương, nhằm đạt được lợi ích cá nhân. Những thị hiếu không lành mạnh, những hủ tục, mê tín dị đoan tăng nhanh, nhiều văn hoá phẩm độc hại tràn lan trên thị trường, khuynh hướng “thương mại hoá” truyền bá lối sống sa đoạ, bạo lực phát triển.
Điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước đã tác động mạnh mẽ và tạo nên những biến đổi nhất định tới đời sống tinh thần nói chung và nhu cầu thẩm mỹ của sinh viên nói riêng.
Nhu cầu thẩm mỹ của sinh viên trước hết được thể hiện qua việc tiêu dùng các sản phẩm vật chất và tinh thần. Họ đã tỏ ra “khó tính hơn”, yêu cầu cao hơn về giá trị thẩm mỹ của sản phẩm, về vẻ đẹp kiểu dáng, màu sắc, kích thước của hàng hoá. Thị hiếu của sinh viên hiện nay đan xen giữa cái mới và cái cũ, giữa dân tộc và quốc tế, giữa truyền thống và hiện đại. Điều này được thể hiện rõ trong thị hiếu nghệ thuật. Họ không chỉ yêu thích các loại hình nghệ thuật dân tộc mà còn tiếp thu nhanh chóng nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại của thế giới. Một kết quả điều tra về sự hứng thú của sinh viên đối với các loại hình văn hoá nghệ thuật hiện nay cho thấy: 70,4% sinh viên thích xem phim tâm lý xã hội, 54,8% thích các loại ca nhạc nước ngoài, 17,3 thích cải lương, 12,6% thích dân ca, 3,2% thích các phim về đề tài chiến tranh cách mạng [69,168]. Tuy nhiên, nhu cầu thẩm mỹ của sinh viên hiện nay mới chỉ dừng lại ở những loại hình nghệ thuật bình dân, ít chất trí tuệ, các loại nhạc ồn ào kích động như các loại phim hành động, các loại nhạc thị trường với những tình khúc sướt mướt, ẻo lả, ca từ nhạt nhẽo, vô nghĩa… còn các loại hình nghệ thuật bác học, có chất trí tuệ cao, có sức khái quát triết học, nhân văn như vũ balê, ôpêra, nhạc giao hưởng ít được đón nhận. Chúng ta thấy có tình trạng những
show ca nhạc của các ngôi sao thì chật cứng người, giá vé từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng trong khi đó những đêm nhạc giao hưởng, ôpêra thì diễn ra thưa thớt, ít người xem, thậm chí có đêm diễn miễn phí giá vào cửa. Người đến với những đêm diễn này chủ yếu là những người trong nghề, các nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật, rất hiếm thấy có bóng dáng sinh viên, có chăng chỉ là sinh viên nhạc viện và các trường nghệ thuật. Đã rất nhiều các phương tiện thông tin đại chúng kêu cứu vì tình trạng các rạp chiếu phim ở Hà Nội chiếu phim nước ngoài nhiều quá mà ít thấy phim của Việt Nam sản xuất. Sở dĩ có tình trạng như vậy vì những phim Việt Nam được các nhà phê bình đánh giá cao về nghệ thuật như một số phim được giải thưởng trong các liên hoan phim trong nước và quốc tế gần đây “Đời cát”, “Mùa ổi”, “Tiếng tù và bên bờ rào đá” thì khán giả ít, nên các rạp thu không đủ chi,v.v.
Ngoài thời gian đến giảng đường, sinh viên cũng có nhu cầu đến với các triển lãm, bảo tàng, thư viện tuy nhiên những địa điểm này khá xa lạ với một số sinh viên. Theo Thanh niên online ngày 27/9/2006- Bài viết trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học “Ảnh hưởng của môi trường đô thị đến nhận thức, lối sống của sinh viên”, có 18/216 sinh viên không bao giờ đọc sách báo, xem tivi trong giờ rảnh rỗi và 19/216 sinh viên không bao giờ đến thư viện. Sinh viên không đến thư viện, không đọc sách báo thì họ làm gì? Một số sinh viên tham gia vào các loại hình ăn chơi thiếu lành mạnh như đi vũ trường, thậm chí là karaoke ôm. Có 13/216 sinh viên khảo sát thỉnh thoảng có đi vũ trường và 4/216 đi vũ trường thường xuyên. Điều đáng lo ngại là ở một số vũ trường, sinh viên dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, ban đầu là mua thuốc lắc sau đó đến dùng ma tuý…
Hiện nay, sự phát triển của khoa học công nghệ, các phương tiện nghe nhìn phát triển, sự giao lưu văn hoá đã đưa các giá trị nghệ thuật đến với công chúng nói chung và sinh viên nói riêng nhanh hơn, rộng hơn, tiện lợi và đầy đủ hơn. Đó là
điều kiện làm cho thị hiếu thẩm mỹ của sinh viên phát triển cao. Tuy nhiên, mặt tiêu cực của nó, làm cho một số sinh viên bị cuốn hút theo kiểu “trưởng giả học làm sang”. Họ tiêu sài nghệ thuật một cách xô bồ, thiếu sự cân nhắc, lựa chọn đúng đắn hoặc chạy theo những thị hiếu tầm thường nhằm mục đích tiêu khiển, sùng ngoại, khoe mẽ, bất chấp giá trị thực của nó. Số sinh viên này luôn tỏ ra “sành” nghệ thuật, luôn tỏ ra “mốt” không chỉ trong thưởng thức mà còn trong cả việc săn lùng, mua sắm tác phẩm nghệ thuật nhưng thực chất chỉ lắp lại cách đánh giá của người khác, thưởng thức hời hợt, rập khuôn, không có bản sắc riêng. Loại thị hiếu này xuất hiện ở một số sinh viên con nhà giàu có hoặc những sinh viên đua đòi, được cưng chiều hơn giáo dục. Họ có độ chênh lệch khá lớn giữa vốn văn hoá cần thiết và sự giàu có về tiều của. Lối sống tiêu thụ nghệ thuật của họ vừa làm méo mó nhân cách cá nhân, vừa làm ảnh hưởng xấu đến lối sống của xã hội.
Hiện nay, chúng ta thấy phổ biến trong giới sinh viên này là xu hướng “thời trang Hàn Quốc”. Họ bắt chước những thần tượng của họ- những ngôi sao ca nhạc, những diễn viên điện ảnh trong phim truyền hình Hàn Quốc không chỉ từ quần áo trang phục, giày dép, kiểu tóc mà cả cách trang điểm, cử chỉ, hành động, lời nói. Khi truyền hình chiếu bộ phim “Anh em nhà bác sĩ” thì trong giới sinh viên nổi lên phong cách trang điểm đậm với môi màu sậm, màu chocolate nhưng khi bộ phim “Nàng Dachangkum” được trình chiếu thì họ lại đổi phong cách sang trang điểm nhẹ nhàng, tự nhiên.
Trong giới trẻ nói chung và sinh viên nói riêng hiện nay có xu hướng thời trang hip-hop. Họ đến trường với mái tóc nhuộm nhiều màu sắc sặc sỡ, chải gel láng bóng hoặc tạo thành từng lọn nhỏ dựng ngược lên với những chiếc áo kết hợp nhiều lớp, nhiều màu sắc sặc sỡ, những chiếc quần thô rộng thùng thình nhiều khoá, nhiều túi hộp, nhiều dây xích hoặc những chiếc quần Jeans bạc phếch, tạo nhiều vết rách ở đầu gối, ở đùi, ở túi. Đặc biệt trong thời trang hip-hop là quần áo
phải đi kèm với các phụ kiện như những chuỗi hạt đeo cổ, đeo tay bằng dây dù dài lủng lẳng kết hợp với hạt đá, gỗ, nhựa, pha lê.v.v như những người thổ dân da đỏ.
Một bộ phận sinh viên hiện nay còn có xu hướng chạy theo “hàng hiệu” với nhãn mác của các hãng thời trang nổi tiếng như quần áo của Gucci, Versace… mà giá của một chiếc quần hay áo đó từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng; giày của Adidas, Nike; đồng hồ của Omega, v.v .
Theo Thanh niên online ngày 27/9/2006, với số liệu khảo sát 216 sinh viên thuộc 3 trường đại học cho thấy: một số sinh viên chi tiền nhiều nhất vào việc mua sắm quần áo và sinh nhật bạn bè. Khảo sát chung, 20,4% sinh viên chi tiền vào việc mua sắm quần áo, 19,4% cho sinh nhật bạn bè. Trong số 30% sinh viên được khảo sát thì cứ 3 đến 5 tháng lại thay đổi điện thoại di động. Nếu đang sài điện thoại cỡ 1,5 triệu đồng thì thay bằng điện thoại có giá 2,5 triệu đồng và cứ thế “nâng cấp” lên. Tập trung nhiều vào sinh viên năm thứ hai, thứ ba.
Sự nhanh nhạy, khả năng phản ứng mau lẹ trước những cái mới lạ - đó là một trong những đặc tính nổi trội của tuổi trẻ. Nhưng việc coi các kiểu trang phục lạ mắt, lập dị, chạy theo “hàng hiệu” như trên được coi là “mốt” thì quả là một vấn đề cần quan tâm trong nhu cầu thẩm mỹ của sinh viên hiện nay. Rõ ràng đây là sự nhanh nhạy, phản ứng mau lẹ nhưng là sự nhanh nhạy với cái giả, cái xấu, cái phản thẩm mỹ. Sự lây lan nhanh chóng của những “mốt” nói trên trong một bộ phận sinh viên chứng tỏ thị hiếu thẩm mỹ của sinh viên nước ta hiện nay còn khá non yếu dẫn đến nhu cầu thẩm mỹ còn lệch lạc, lai căng, làm mất đi bản sắc văn hoá dân tộc.
Trong tiến trình giao lưu văn hoá với các nước trong khu vực và thế giới, nhu cầu thẩm mỹ của nhân dân nói chung và của sinh viên nói riêng được nâng cao. Nét đẹp trong lối sống được phục hồi và phát triển. Sinh viên có nhu cầu tiếp xúc và nhận thức cái đẹp nhiều hơn. Nhìn chung, nhu cầu thẩm mỹ của đa phần sinh viên
là lành mạnh. Với trình độ thẩm mỹ đa dạng phong phú của sinh viên kết hợp với sự tác động của các yếu tố ngoại sinh đã tạo ra sự đa dạng hoá và cá tính hoá nhu cầu thẩm mỹ nghệ thuật, đồng thời cũng bộc lộ sự thiếu hụt không nhỏ về thẩm mỹ ở sinh viên. Đảng và Nhà nước cần định hướng, hướng dẫn, điều chỉnh nhu cầu thẩm mỹ lành mạnh, giữ gìn bản sắc dân tộc, bản lĩnh văn hoá của dân tộc trong giao lưu quốc tế, góp phần tích cực vào việc phát triển nhân cách cho sinh viên.