Tầm quan trọng của KCN,KCX đối với vùng ĐBSCL

Một phần của tài liệu Một số giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu chế xuất vùng đồng bằng sông Cửu Long.DOC (Trang 28 - 31)

ĐBSCL nằm ở phía Tây Nam Bộ, bao gồm 13 tỉnh thành: Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Vĩnh Long.

Là một vùng được thiên nhiên ưu đãi, có sinh thái đặc thù để phát triển nền nông nghiệp đa dạng,; sản phẩm có tỷ trọng hàng hóa cao, có vai trò đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu khối lượng lớn, thu ngoại tệ đáng kể cho vùng và cho đất nước. Mặc dù vậy, ĐBSCL vẫn là một vùng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của nó. Mức sống dân cư còn thấp hơn mức trung bình của cả nước, trình độ phát triển đang ở điểm xuất phát thấp. Nền kinh tế còn ở trạng thái thuần nông, nông nghiệp còn chiếm một tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất của vùng, các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu ở dạng

sơ chế. Vì vậy, vùng cần phải phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ để làm tàu kéo phát triển nông nghiệp. Một trong những biện pháp để phát triển mạnh ngành công nghiệp của vùng là hình thành các KCN, KCX tập trung.

Cũng như các KCN, KCX nói chung, các KCN, KCX vùng ĐBSCL cũng có những vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, của đất nước như đã trình bày ở phần 1.1.3. Bên cạnh đó, do những đặc điểm riêng của vùng đất này nên vai trò của các KCN, KCX vùng ĐBSCL được thể hiện trong một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, các KCN, KCX tạo mối liên kết giữa các khu vực kinh tế trong cơ cấu kinh tế của vùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Với những ưu đãi của tự nhiên, vùng ĐBSCL có những điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp, thủy hải sản. Những dự án thu hút vào các KCN, KCX trong vùng chủ yếu là ở các lĩnh vực chế biến nông sản, trái cây, thủy hải sản, chế biến thức ăn chăn nuôi, … phục vụ cho thế mạnh của vùng. Các doanh nghiệp chế biến nông sản, thủy hải sản sử dụng các sản phẩm của ngành nông nghiệp, hải sản để làm đầu vào, sản xuất ra sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng của vùng, và chủ yếu là phục vụ xuất khẩu. So với việc xuất khẩu các sản phẩm thô, thì xuất khẩu các sản phẩm đã được chế biến sẽ mang lại giá trị gia tăng lớn hơn, tận dụng được các nguồn lực ngay tại địa phương cho việc phát triển các ngành nghề khác. Việc phát triển các KCN, KCX, đặc biệt là việc thu hút các doanh nghiệp chế biến vào các KCN, KCX không đã giải quyết một phần đáng kể cho thị trường đầu ra của ngành nông nghiệp, thủy sản, đó chính là động lực để người nông dân tập trung sản xuất tốt hơn. Với mối quan hệ này, các KCN, KCX chính là thị trường đầu ra của ngành nông nghiệp, thủy sản. Mặt khác, KCN, KCX cũng chính là nơi cung cấp các sản phẩm cho trồng trọt, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản như: phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, công cụ đánh bắt… Như vậy, một

lượng lớn các đầu ra của doanh nghiệp được tiêu thụ ngay tại địa phương, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Như vậy, có thể thấy rằng giữa các KCN, KCX và người dân địa phương có một sự gắn kết rất chặt chẽ, tồn tại mối quan hệ hai chiều giữa các KCN, KCX với ngành nông nghiệp, thủy sản của vùng ĐBSCL. Qua đó có thể thấy rằng, việc hình thành các KCN, KCX đã hoàn thiện dây chuyền khai thác/ nuôi trồng – chế biến – xuất khẩu nông – thủy sản_ thế mạnh của vùng ĐBSCL.

Việc hình thành các KCN, KCX cũng đòi hỏi các ngành dịch vụ cũng được hình thành và phát triển mạnh mẽ, như: dịch vụ thương mại, các dịch vụ liên quan đến xuất nhập khẩu, dịch vụ thông tin liên lạc, dịch vụ bưu chính viễn thông, dịch vụ tư vấn, nhà hàng – khách sạn, vui chơi giải trí, văn hóa, giáo dục…để phục vụ nhu cầu sản xuất cho các doanh nghiệp và phục vụ đời sống của những người làm việc trong trong KCN, KCX. Do đó, ngành dịch vụ cũng ngày càng phát triển hơn.

Thứ hai¸ các KCN, KCX góp phần nâng cao trình độ công nghệ, đóng góp quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.

Công nghệ được di chuyển từ nước có trình độ cao sang các nước có trình độ công nghệ thấp hơn; di chuyển vốn từ các nước có các ngành sử dụng nhiều vốn sang các nước có nguồn tài nguyên sẵn có và lao động “dư thừa” nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên phạm vi không gian ngoài biên giới quốc gia. Với những đặc trưng riêng của mình, các KCN, KCX là nơi thu hút vốn đầu tư hiệu quả nhất, là nơi tiếp nhận những công nghệ mới được chuyển vào từ các quốc gia khác, hoặc từ những vùng khác trong nước để từng bước nâng cao trình độ công nghệ của địa phương mình.

Đối với vùng ĐBSCL, là một vùng nông nghiệp điển hình và quan trọng nhất của cả nước, việc hình thành các KCN, KCX có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao trình độ công nghệ của các ngành phục vụ cho

thế mạnh của vùng, phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng và lợi thế so sánh của các ngành chủ lực của vùng như sản xuất gạo, trái cây, thủy sản bởi vì: với những lợi thế mà vùng có được, đó là một điều hết sức thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, do đó, việc hình thành các KCN, KCX sẽ là một nơi lý tưởng để các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư, khai thác những tiềm năng thế mạnh của vùng. Các KCN, KCX chính là nơi tiếp nhận và ứng dụng những công nghệ mới tiên tiến, hiện đại, nhờ đó, những lĩnh vực khác, như các ngành trồng trọt, nuôi trồng, chăn nuôi sử cũng ngày càng được chuyên môn hóa, hiện đại hóa hơn nhờ sử dụng những sản phẩm từ các công nghệ đó, không những nâng cao năng suất lao động mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất … cho bà con nông dân. Do vậy, các KCN, KCX đã góp phần rất quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu chế xuất vùng đồng bằng sông Cửu Long.DOC (Trang 28 - 31)