Sự cần thiết phải thu hút FDI vào các KCN,KCX vùng ĐBSCL

Một phần của tài liệu Một số giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu chế xuất vùng đồng bằng sông Cửu Long.DOC (Trang 31 - 35)

Để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam cần tập trung vào phát triển các nhân tố có tính chất tiền đề sau: vốn tích lũy; đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học – kỹ thuật, công nhân lành nghề và cán bộ quản lý kinh doanh; nâng cao năng lực sản xuất cho nhiều ngành then chốt. Thu hút FDI vào các KCN, KCX là một trong những giải pháp để tạo dựng các tiền đề nói trên cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là một vấn đề mang tính toàn diện, có khả năng giải quyết đồng thời các yêu cầu về vốn, lao động, khoa học công nghệ, trình độ quản lý, và là con đường nhanh nhất để tiến tới mục tiêu trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Do đó, việc thu hút FDI vào phát triển các KCN, KCX có thể rút ngắn và đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. FDI

ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng của mình đối với sự phát triển các KCN, KCX, đặc biệt là đối với vùng ĐBSCL, điều đó được thể hiện trong những khía cạnh sau:

FDI làm tăng nguồn vốn đầu tư vào các KCN, KCX, nâng cao tỷ lệ lấp đầy KCN, KCX.

Để các KCN, KCX hoạt động hiệu quả, cần phải có một nguồn vốn rất lớn, vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, không có vốn, KCN, KCX sẽ không thể hoạt động được, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Đối với vùng ĐBSCL thì đất đai là một tài nguyên vô cùng quan trọng, mỗi tấc đất giành cho việc hình thành các KCN, KCX làm giảm đi một sản lượng lúa rất đáng kể, do đó, cần phải đảm bảo sao cho các KCN, KCX được xây dựng phải hoạt động hiệu quả để không gây lãng phí,đem lại lòng tin cho người nông dân. Mặt khác, đất nước ta còn nghèo, nguồn tích lũy còn thấp, không đủ khả năng đầu tư để lấp đầy hết các KCN, KCX. Do đó, cần phải tận dụng nguồn vốn từ bên ngoài. FDI góp phần quan trọng làm tăng quy mô nguồn vốn đầu tư và chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong tổng nguồn vốn đầu tư vào các KCN, KCX. Các dự án FDI thường có quy mô lớn hơn các dự án từ nguồn vốn trong nước, do đó đóng góp đáng kể vào tỷ lệ lấp đầy các KCN, KCX, nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, KCX. Nhờ đó, ngành công nghiệp của vùng cũng ngày một phát triển, chiếm một tỷ trọng cao hơn trong tổng giá trị sản xuất, giá trị gia tăng của vùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thu hút FDI vào các KCN, KCX đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nước ta.

Với một môi trường làm việc hiện đại, được tiếp cận với công nghệ tiên tiến, phong cách quản lý chuyên nghiệp do các doanh nghiệp FDI đem lại,

quá trình thu hút FDI vào các KCN, KCX tạo ra những điều kiện thuận lợi để đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao, có tác phong làm việc công nghiệp. Điều này rất quan trọng, nhất là với vùng ĐBSCL, khi mà phần lớn lao động là trong lĩnh vực nông nghiệp, trình độ lao động còn rất thấp, kỷ luật lao động không cao, còn mang nặng tính chất “tự do” của người nông dân. Nhu cầu nhân lực trong các dự án FDI sẽ tạo điều kiện cho lao động địa phương có cơ hội được tiếp thu kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao trình độ quản lý, rèn luyện tác phong làm việc công nghiệp, theo chuẩn mực của nền công nghiệp hiện đại.

Nhờ các dự án FDI, các KCN, KCX đã tiếp nhận và ứng dụng có hiệu quả nhiều thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến, tiếp thu được những kinh nghiệm quản lý hiệu quả, chuyên nghiệp.

Là một vùng đất thuần nông, công nghệ của vùng còn rất lạc hậu, năng suất lao động của vùng rất thấp, do đó, việc thu hút được khoa học công nghệ từ bên ngoài là một yếu tố hết sức quan trọng để phát triển các KCN, KCX nói riêng, và phát triển kinh tế - xã hội của vùng nói chung. Các KCN, KCX với điều kiện CSHT thuận lợi là một thế mạnh để thu hút FDI, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng có xu hướng đầu tư vào các KCN, KCX. Các nhà đầu tư nước ngoài phần lớn là các công ty đa quốc gia có tiềm lực mạnh không chỉ về vốn mà còn về nghiên cứu và ứng dụng triển khai công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản trị kinh doanh; vì vậy, trong quá trình chuyển giao vốn họ cũng đồng thời chuyển giao cả những công nghệ và kinh nghiệm quản lý của họ. Đó là cơ hội để chúng ta tiếp thu được những thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến một cách hiệu quả nhất.

Như vậy, có thể thấy được vai trò rất quan trọng của việc thu hút FDI vào các KCN, KCX, vì vậy việc thu hút FDI là một tất yếu khách quan. Đối với vùng ĐBSCL, nhiều KCN, KCX đã được thành lập nhưng hoạt động

không hiệu quả, lượng vốn đầu tư còn rất thấp, thì việc thu hút FDI lại càng cần thiết và phải được quan tâm. Là một vùng đất thuần nông, công nghiệp còn nhỏ lẻ, thủ công, lạc hậu, thì việc thu hút FDI không chỉ bổ sung nguồn vốn để các KCN, KCX hoạt động hiệu quả hơn, mà còn giúp cho các KCN, KCX tiếp nhận được các công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý hiệu quả, khoa học, học hỏi được phong cách làm việc công nghiệp từ các dự án FDI. Nhờ đó, nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ của vùng, giúp công nghiệp hóa tác phong làm việc của những người lao động xuất phát chủ yếu từ nguồn gốc nông dân.

Trong chương I, em đã trình bày những vấn đề lý luận về KCN, KCX, về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, về sự cần thiết phải thu hút FDI vào các KCN, KCX, đặc biệt là đối với vùng ĐBSCL. Đó là những lý thuyết cần thiết cho việc phân tích trong chương II. Tiếp theo đây, trong chương II, em sẽ tìm hiểu, xem xét thực trạng thu hút FDI vào các KCN, KCX vùng ĐBSCL trong thời gian qua.

Chương II: Thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các KCN, KCX vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

Một phần của tài liệu Một số giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu chế xuất vùng đồng bằng sông Cửu Long.DOC (Trang 31 - 35)