Khái quát quy định pháp luật về thu hồi đất

Một phần của tài liệu Van de kien doi lai giay chung nhan quyen so huu tai san va nhung bai viet khac TCKHPL 3(70) 2012 (Trang 28)

QUYỀN TÀI SẢN CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG ĐẤT

LƯU QUỐC THÁI*

1. Khái quát quy định pháp luật về thu hồi đất hồi đất

Hoạt động thu hồi đất lần đầu tiên được quy định trong Quyết định 201/CP ngày 01/7/1980 của Hội đồng chính phủ về thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường quản lý ruộng đất trong cả nước (điểm 2 Mục I). Đây là một trong những nội dung quan trọng quản lý nhà nước về đất đai quan trọng. Hoạt động này thể hiện quyền sở hữu của chủ thể thu hồi đất – Nhà nước – mặc dù lúc này chưa có một văn bản pháp luật nào ghi nhận điều này cho đến khi Hiến pháp 1980 được thông qua vào ngày 18/12/1980. Thu hồi đất sau đó tiếp tục được quy định trong các Luật Đất đai 1987 (khoản 4 Điều 9), Luật Đất đai 1993 (khoản 4 Điều 13) sau khi chế độ sở hữu toàn dân về đất đai đã được chính thức xác lập.

Tuy vậy, mãi đến khi Luật Đất đai 2003 ra đời thì thu hồi đất mới có một định nghĩa chính thức. Theo đó, “Thu hồi đất là việc Nhà nước ra quyết định hành chính để thu lại quyền sử dụng đất (QSDĐ) hoặc thu lại đất đã giao cho tổ chức, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý theo quy định của pháp luật”

(khoản 5 Điều 4 Luật Đất đai 2003). Như vậy, theo quy định này, đối tượng mà Nhà nước áp dụng biện pháp thu hồi đất hiện nay là người sử dụng đất (SDĐ) và một số chủ thể được Nhà nước giao đất để quản lý. Có thể nói, thu hồi đất vừa là một công cụ hỗ trợ, vừa là một công đoạn quan trọng của quá trình điều phối đất đai, đặc biệt là việc điều chỉnh việc SDĐ theo quy hoạch, kế hoạch SDĐ của Nhà nước. Ước tính trong giai đoạn 2011-2020, cả nước cần thu hồi khoảng 3,78 triệu ha đất; trong đó, khoảng 60% là diện tích đất nông nghiệp, 20 -25% là diện tích đất ở (trong đó bao gồm đất

cho tái định cư là 945 nghìn ha)1. Những con số này đã phản ánh tốc độ, nhu cầu thu hồi đất mạnh mẽ hơn bao giờ hết và cho thấy đây là hoạt động rất thường xuyên của Nhà nước đối với một nền kinh tế đang phát triển.

Đối với người SDĐ, thu hồi đất về cơ bản là việc Nhà nước “tước QSDĐ” của họ bằng một quyết định hành chính. Hậu quả pháp lý đầu tiên và trực tiếp là việc người bị thu hồi đất “mất đất”. Các thiệt hại vật chất tiếp theo có thể dễ nhận thấy là thiệt hại về tài sản trên đất; sự mất ổn định về đời sống và sản xuất; giảm sút thu nhập trong các hoạt động sản xuất kinh doanh…

Đối với Nhà nước, thu hồi đất là hoạt động (một công cụ) mang tính “cưỡng chế” được đặt ra dựa trên cơ sở quyền sở hữu đất đai và quyền lực công của Nhà nước. “Hai tư cách trong một” này giúp Nhà nước có thể phân phối đất đai hoặc lấy lại đất đã chuyển giao cho các chủ thể khác một cách thuận lợi. Đây là phương tiện hữu hiệu giúp Nhà nước dễ dàng thực hiện các hoạt động điều phối đất đai, cũng như bảo vệ quyền sở hữu đất đai của mình trong trường hợp cần phải “cách ly” người SDĐ có hành vi gây nguy hại đối với tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước.

Bài viết này chỉ đề cập đến những vấn đề pháp lý liên quan việc thu hồi đất của người SDĐ hợp pháp để thực hiện quy hoạch SDĐ của Nhà nước– một vấn đề mang tính thời sự

* TS Luật học, Giảng viên Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.

Một phần của tài liệu Van de kien doi lai giay chung nhan quyen so huu tai san va nhung bai viet khac TCKHPL 3(70) 2012 (Trang 28)