Đặc điểm ngữ nghĩa của thành ngữ

Một phần của tài liệu Thành ngữ trong Truyện Kiều (1) (Trang 25 - 30)

Mặc dù được xem là đơn vị tương đương với từ nhưng thành ngữ có những giá trị về mặt ngữ nghĩa khác với từ. Thành ngữ không chỉ nói được đúng sự vật, hiện tượng mà còn “bộc lộ được thái độ tình cảm, nhu cầu miêu tả, nhu cầu thẩm mĩ, nhu cầu bộc lộ tính cách của chính mình, quan hệ xã hội của mình, tính địa phương và tính dân tộc của mình” [5,79]. Tìm hiểu giá trị ngữ nghĩa của thành ngữ trong Truyện Kiều cũng dựa trên những đặc điểm ngữ nghĩa chung của thành ngữ tiếng Việt mà các nhà nghiên cứu thành ngữ đã nêu ra, đó là giá trị bóng bẩy về nghĩa, tính biểu trưng, tính dân tộc, tính cụ thể và tính hình tượng, tính biểu cảm.

1.2.4.1 Giá trị bóng bẩy về nghĩa

Bên cạnh nghĩa định danh dùng để gọi tên sự vật, sự việc, hiện tượng thì thành ngữ tiếng Việt còn có khả năng biểu lộ tình cảm, thái độ, miêu tả tình thế của con người. Các nhà ngôn ngữ học cho rằng thành ngữ luôn tồn tại song song nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen của thành ngữ chính là cơ sở để tạo nên nghĩa bóng.

Ví dụ:

Thành ngữ “Mèo mả gà đồng” có nghĩa đen chỉ loài mèo sống ở mả, khu vực nghĩa địa, loài gà sống lang thang ở ngoài đồng. Hai loại này trở nên tinh quái vì chúng phải thích nghi với môi trường sống vừa kiếm ăn vừa tự bảo vệ mình. Thành ngữ này dùng để “chỉ hạng người sống vô lại, lang thang, dễ làm bậy” [23,248]. Chẳng hạn, nhân vật Hoạn Bà nhận xét về Thúy Kiều: “Ra tuồng mèo mả gà đồng/ Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào”.

Nghĩa bóng của thành ngữ được hình thành trên cơ sở nghĩa đen, đó là nghĩa trừu tượng thoát khỏi nghĩa của các yếu tố cộng lại. Nói cách khác, nghĩa bóng của thành ngữ không đơn thuần là phép cộng gộp nghĩa của từng yếu tố thành phần. Trong hoạt động ngôn ngữ, nghĩa đen của thành ngữ hầu

như ít được sử dụng nhưng nó giữ vai trò cơ sở để từ đó người ta có thể suy ra nghĩa bóng của thành ngữ.

Ví dụ:

Thành ngữ “Hoa xưa ong cũ” không phải để nói tới bông hoa và con ong mà xuất phát từ mối quan hệ tự nhiên khăng khít của hai loài động thực vật này mà thành ngữ muốn chỉ hai người thân tình cũ gặp nhau [1,241].

Như vậy, thành ngữ có tính bóng bẩy về nghĩa. Với đặc điểm này, thành ngữ có khả năng nảy sinh và phát triển thêm về mặt ngữ nghĩa, mức độ gợi tả và gợi cảm của thành ngữ sẽ tăng lên rõ rệt tùy thuộc vào sự cảm nhận của mỗi cá nhân.

1.2.4.2 Tính biểu trưng

Tính biểu trưng được coi là một trong những đặc tính có ý nghĩa quan trọng của thành ngữ xuất phát từ tính gợi tả, bóng bẩy với quan hệ tương đồng và tương cận trong quá trình liên hội ngữ nghĩa mà thành ngữ gợi lên những ý nghĩa nhất định. Tính biểu trưng của thành ngữ thể hiện ở mặt nghĩa cụ thể, nghĩa chung của thành ngữ chứ không phải là sự cộng gộp thuần túy về nghĩa của từng thành tố trong thành ngữ ấy. GS Đỗ Hữu Châu trong “ Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt” nhận xét: “ Hầu hết tất cả các thành ngữ cố định dù có tính thành ngữ cao hay thấp đều là những bức tranh nhỏ về những vật thực, việc thực, cụ thể và riêng lẻ được nâng lên để nói về cái phổ biến, khái quát trừu tượng để biểu trưng cho những đặc điểm, tính chất, hoạt động, tình thế… Biểu trưng được coi là một cơ chế tất yếu mà ngữ cố định và từ vựng phải sử dụng để ghi nhận nhằm diễn đạt những nội dung phức tạp hơn một khái niệm đơn”.[5,82]

Ví dụ: Thành ngữ “Trâm gãy gương tan” “chỉ người đàn bà chết”[1,516].

Nhờ có tính biểu trưng mà thành ngữ có khả năng diễn tả đầy đủ nội dung, hơn nữa còn đạt được tính hàm súc, gây ấn tượng sâu sắc đối với người nghe, người đọc, tránh cách nói dài dòng, rườm rà.

1.2.4.3 Tính dân tộc

Mỗi ngôn ngữ đều mang tính dân tộc, song tính dân tộc được thể hiện rõ nét hơn cả ở các thành ngữ. Tính dân tộc của thành ngữ được thể hiện trên hai phương diện là nội dung biểu thị và tài liệu để truyền tải nội dung ấy.

Thành ngữ tiếng Việt mang tính dân tộc sâu sắc: “ Con mèo, con chuột, con chó, con ong, con kiến, con người,… ngôi chùa, pho tượng, ông bụt,… con voi, con ngựa, con rồng,… cái khố, tấm áo, manh quần,… cảnh hai gái lấy một chồng, cảnh ông từ vào đền, sự bám dai của con đỉa,… tình trạng con rắn mất đầu. con đỉa phải vôi … tất cả là những tài liệu mang đậm màu sắc của quê hương, xứ sở Việt Nam trong xã hội nông nghiệp xưa được quan sát một cách tài tình, liên hệ một cách độc đáo mà đúng đắn, tinh tế… Những tài liệu này của ngữ cố định Việt Nam khiến cho chúng không thể lẫn được với bất cứ ngữ cố định nào của các dân tộc khác”. [5,83]

Ví dụ: Thành ngữ “con ong cái kiến” (Kẻo khi sấm sét bất kỳ/ Con ong cái kiến kêu gì được oan) chỉ thân phận hèn mọn, nhỏ bé của Thúy Kiều.

1.2.4.4 Tính cụ thể và tính hình tượng

“Tính hình tượng của thành ngữ là kết quả tất yếu của tính biểu trưng. Ngữ cố định tái hiện lại chính những hình ảnh về các sự vật, hiện tượng – tài liệu đó. Nhờ tính hình tượng mà các ngữ cố định thường gây ra các ấn tượng mạnh mẽ, đột ngột, tác động của chúng đậm đà và sắc, càng “ngẫm” càng thú vị”[5,83].

Ví dụ:

Mặt như chàm đổ Mình dường giẽ run …

Tính cụ thể của thành ngữ thể hiện ở tính quy phạm về phạm vi sử dụng. Không phải có thể sử dụng thành ngữ một cách tùy tiện cho bất cứ sự vật, hiện tượng nào mặc dù thành ngữ có ý nghĩa phổ biến, khái quát.

Chẳng hạn, các thành ngữ cùng chỉ về tính chất lúng túng nhưng có sắc thái ngữ nghĩa khác nhau, do đó tùy từng trường hợp mà người sử dụng cần lựa chọn thành ngữ phù hợp. GS Đỗ Hữu Châu đã phân tích tính cụ thể của những thành ngữ này như sau: “ Lúng túng như gà mắc tóc” nói đến tình trạng lúng túng do sa vào nhiều sự việc dồn dập mà không tìm được cách giải quyết. “Lúng túng như thợ vụng mất kim” là nói đến sự lúng túng không phải do gặp nhiều sự việc rắc rối mà là do chưa có kinh nghiệm, lại mất phương hướng. “Lúng túng như ếch vào xiếc” là nói đến sự lúng túng do bị giam hãm trong những tình thế cực kỳ khó khăn không thi thố được tài năng. Còn “Lúng túng như chó ăn vụng bột” là nói đến sự lúng túng của những người phạm sai lầm muốn che giấu lỗi lầm của mình song tang chứng vẫn “sờ sờ” ra đấy. [5,85]

1.2.4.5 Tính biểu cảm

Tính biểu cảm của thành ngữ được thể hiện ở “thái độ, cảm xúc, sự đánh giá, có thể nói lên hoặc lòng kính trọng, hoặc sự ái ngại, hoặc sự xót thương, hoặc sự không tán thành, long khinh bỉ, thái độ chê bai, sự phủ định… của chúng ta đối với người, vật hay việc được nói tới” [5,85]. Tính biểu cảm của thành ngữ không thể dùng cho bất cứ hạng người nào mà tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể có sự biểu hiện khác nhau.

Ví dụ: Thành ngữ biểu thị thái độ khinh bỉ, chê bai: buôn thịt bán người; trốn chúa lộn chồng, mèo mả gà đồng…

Thành ngữ biểu thị thái độ ca ngợi, kính trọng: nghiêng nước nghiêng thành, nhả ngọc phun châu, quốc sắc thiên hương, quốc sắc thiên tài…

Tất cả những đặc điểm về mặt ngữ nghĩa đã tạo nên giá trị của thành ngữ - hình thức ngắn gọn nhưng nội dung cô đọng, hàm súc.

* Tiểu kết chương 1:

1. Quan niệm về thành ngữ được lựa chọn làm cơ sở lý luận cho luận văn là: thành ngữ thường là một tổ hợp từ cố định, bền vững về hình thái cấu

trúc, hoàn chỉnh và bóng bẩy về nghĩa, được sử dụng với chức năng tương đương với từ. Ý nghĩa của thành ngữ không phải là phép cộng đơn giản ý nghĩa của các thành tố mà là sự tổng hòa ý nghĩa của các thành tố và mang ý nghĩa biểu trưng nhất định.

2. Để khảo sát, miêu tả đặc điểm kết học của thành ngữ trong “Truyện Kiều”, chúng tôi dựa trên hướng phân loại cấu tạo thành ngữ của nhóm tác giả trong “Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ” làm cơ sở. Cụ thể, các thành ngữ được miêu tả về cấu tạo theo ba nhóm là: thành ngữ so sánh, thành ngữ đối và thành ngữ thường.

3. Những nghiên cứu về nghĩa học và dụng học của thành ngữ là cơ sở quan trọng để tìm hiểu về thành ngữ trong Truyện Kiều từ góc độ nghĩa học và dụng học.

Một phần của tài liệu Thành ngữ trong Truyện Kiều (1) (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(130 trang)
w