CHƯƠNG 3: THÀNH NGỮ TRUYỆN KIỀU XÉT TỪ BÌNH DIỆN NGHĨA HỌC VÀ DỤNG HỌC
3.2. Thành ngữ Truyện Kiều xét từ bình diện dụng học
Bình diện dụng học như đã trình bày ở chương Cơ sở lý thuyết, được hiểu một cách đơn giản là mối quan hệ giữa các tín hiệu ngôn ngữ với người sử dụng chúng. Dụng học và nghĩa học là hai bình diện có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau bởi cả hai bình diện này đều nghiên cứu về nghĩa của đơn vị ngôn ngữ. Tuy nhiên, nếu như nghĩa học nghiên cứu nghĩa của đơn vị ngôn ngữ ở trạng thái tĩnh, trong hệ thống thì dụng học nghiên cứu nghĩa của ngôn ngữ trong quá trình hành chức, trong sử dụng. Do đó, tìm hiểu thành ngữ trong Truyện Kiều từ bình diện dụng học chính là tìm hiểu nghĩa của thành ngữ Truyện Kiều trong những tình huống giao tiếp cụ thể, với những ngữ cảnh và nhân vật giao tiếp cụ thể. Từ đó, chỉ ra những giá trị của các thành ngữ này trong tác phẩm và thấy được những đóng góp của Nguyễn Du về mặt ngôn ngữ.
Trong phạm vi luận văn, chúng tôi sẽ xem xét bình diện ngữ dụng của thành ngữ trong Truyện Kiều theo hướng gắn các thành ngữ với các nội dung chủ đề mà thành ngữ đó thể hiện. Trong mỗi chủ đề, chúng tôi tiếp tục chia nhỏ thành các nhóm thành ngữ dựa theo nội dung cụ thể mà chúng thể hiện. Hướng làm này sẽ giúp chỉ ra những giá trị của các thành ngữ Truyện Kiều
trong việc tạo nghĩa cho tác phẩm.
Việc xem xét nghĩa của thành ngữ Truyện Kiều trong hoàn cảnh sử dụng vừa cho thấy giá trị ý nghĩa của thành ngữ đối với việc truyền tải nội dung của tác phẩm đồng thời cũng cho thấy những đóng góp của tác giả Nguyễn Du đối với việc vận dụng và sáng tạo thành ngữ dân tộc.