Từ đầu những năm 80 của thế kỷ 20, Trung Quốc đã chọn hướng phát triển nông thôn bằng cách phát huy những công xưởng nông thôn thừa kế được của những công xã nhân dân trước đây, thay đổi sở hữu và phương thức quản lý để phát triển mô hình “công nghiệp hưng trấn”. Các lĩnh vực như chế biến nông lâm sản, hàng công nghiệp nhẹ, máy móc nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp... đang ngày càng được đẩy mạnh.
Nguyên tắc của Trung Quốc là quy hoạch đi trước, định ra các biện pháp thích hợp cho từng nơi, đột phá trọng điểm, làm mẫu đường. Chính phủ hỗ trợ, nông dân xây dựng. Với mục tiêu “ly nông bất ly hương” Trung Quốc đã thực hiện đồng thời 3 chương trình phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Chương trình đốm lửa: điểm khác biệt của chương trình này là trang bị cho hàng triệu nông dân các tư tưởng, tiến bộ khoa học, bồi dưỡng nhân tài đốm lửa, nâng cao tố chất nông dân. Sau 15 năm thực hiện, chương trình đã bồi dưỡng được 60 triệu thanh niên nông thôn thành một đội ngũ cán bộ khoa học cốt cán, tạo ra một động lực tiềm năng thúc đẩy nông thôn phát triển theo kịp với thành thị.
- Chương trình được mùa: chương trình này giúp đại bộ phận nông dân áp dụng khoa học tiên tiến, phương thức quản lý hiện đại để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong 15 năm sản lượng lương thực của Trung Quốc đã tăng lên 3 lần so với những năm đầu 70. Mục tiêu phát triển nông nghiệp là sản xuất các nông sản chuyện dụng, phát triển chất lượng và tăng cường chế biến nông sản phẩm.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 19
- Chương trình giúp đỡ vùng nghèo: mục tiêu là nâng cao mức sống của các vùng nghèo, vùng miền núi, dân tộc ít người; mở rộng ứng dụng thành tựu khoa học tiên tiến, phổ cập tri thức khoa học công nghệ và bồi dưỡng cán bộ khoa học cốt cán cho nông thôn xa xôi, tăng sản lượng lương thực và thu nhập của nông dân. Sau khi thực hiện chương trình, ở những vùng này, số dân nghèo giảm từ 1,6 triệu người xuống còn 5 vạn người, diện nghèo khó giảm từ 47% xuống còn 1,5%
Tại hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ 5 khóa XVI của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, năm 2005, lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra quy hoạch “Xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa”. Đây là kế hoạch xây dựng mới đã được Trung Quốc đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm năm lần thứ XI (2006-2010). Mục tiêu của quy hoạch là: “sản xuất phát triển, cuộc sống dư dật, làng quê văn minh, thôn xã sạch sẽ, quản lý dân chủ”. Xây dựng nông thôn mới Trung Quốc tạo nên một hình ảnh mới đầy ấn tượng về một “nông thôn Trung Quốc” đầy vẻ đẹp tráng lệ.
Tuy vậy, dù với rất nhiều cố gắng, phát triển nông thôn cấp cơ sở và nông thôn mới tại Trung Quốc cũng chưa đạt được các mục tiêu đề ra để thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn. Mô hình nông thôn mới của Trung Quốc chưa được coi là thành công khi hiện nay, khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn vẫn đang ngày càng rộng ra. Còn tồn tại nhiều vấn đề trong khu vực nông nghiệp, nông thôn Trung Quốc (Nguyễn Quang Dũng, 2010).