Những nội dung nghiên cứu đã sáng tỏ và được luận án kế thừa

Một phần của tài liệu Bảo đảm quyền con người trong thi hành hình phạt tù ở việt nam (Trang 36 - 37)

Qua nghiên cứu về tình hình tổng quan các công trình khoa học ở Việt Nam và nước ngoài, tác giả luận án nhận thấy, số lượng các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án khá phong phú và đa dạng, được tiếp cận từ nhiều hướng với các mức độ liên quan khác nhau. Các nghiên cứu có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn, gợi mở để tác giả luận án triển khai kết quả theo hướng mới. Kết quả nghiên cứu giúp tác giả luận án hướng đến một cái nhìn thực tế để vận dụng những quy định của pháp luật cả trong nước và quốc tế về quyền con người đối với người chấp hành hình phạt tù một cách hiệu quả và thiết thực, tránh được chủ nghĩa giáo điều.

Căn cứ tình hình nghiên cứu liên quan đến chủ đề luận án, có thể nhận thấy một số nội dung liên quan đến đề tài luận án đã được giải quyết, đạt được sự thống nhất cao và đề tài có thể tiếp thu, đó là:

- Các công trình nghiên cứu các vấn đề lý luận về quyền con người và bảo đảm quyền con người trong thi hành hình phạt tù đã cung cấp một cách nhìn tổng thể, toàn diện về khái niệm quyền con người, nội dung quyền con người, quy định quyền con người trong luật quốc gia và quốc tế; Quyền con người trong thi hành án hình sự, chỉ ra sự cần thiết bảo đảm quyền con người trong thi hành hình phạt tù. Các kết quả này được tác giả vận dụng và tham khảo cho việc triển khai các nội dung lý luận của luận án. Tuy nhiên, hiện rất ít các công trình đề cập đến trực tiếp đến khái niệm quyền con người trong thi hành hình phạt tù; Khái niệm bảo đảm quyền con người trong thi hành hình phạt tù cũng như đề cập các nội hàm của khái niệm này. Trên cơ sở hệ thống các tài liệu tham khảo trên, nghiên cứu sinh tiếp cận vấn đề ở nhiều góc độ, tìm hiểu và làm rõ những vấn đề mà các công trình khác còn để trống liên quan đến đề tài luận án của mình.

- Các công trình nghiên cứu trong nước đã phân tích làm rõ được một số quyền cơ bản của người chấp hành hình phạt trong pháp luật thi hành án dưới góc độ luật thực định. Các phân tích này sẽ tiếp tục được nghiên cứu sinh đánh giá, bình luận, từ đó đưa ra nhận định, ý tưởng khoa học riêng của mình về quyền và bảo đảm quyền con người trong thi hành hình phạt tù cũng như phân tích thông qua những quy định cụ thể.

- Các công trình đã khái quát khá đầy đủ thực trạng quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động thi hành hình phạt tù ở Việt Nam trước khi có Luật Thi hành án hình

sự 2010 và Luật Thi hành án hình sự 2019. Các số liệu thống kê, khảo sát trong các nghiên cứu đó là cơ sở thực tiễn có giá trị giúp nghiên cứu sinh định hướng, kế thừa trong việc phát triển luận án của mình.

- Một số nghiên cứu đề cập đến quy định pháp luật quốc tế, tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về quyền con người, quyền con người trong thi hành hình phạt tù. Đó là cơ sở để nghiên cứu sinh có thể so sánh, đánh giá về sự đúng đắn, mức độ tương thích của pháp luật Việt Nam với các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về quyền con người.

- Các nghiên cứu đã đưa ra được một số giải pháp liên quan đến những khía cạnh cụ thể đối với vấn đề bảo đảm các quyền con người trong thi hành hình phạt tù, đây là cơ sở để nghiên cứu sinh tiếp tục đưa ra các giải pháp có tính tổng thể, đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền của người bị kết án phạt tù trong pháp luật hình sự ở Việt Nam hiện nay.

Một phần của tài liệu Bảo đảm quyền con người trong thi hành hình phạt tù ở việt nam (Trang 36 - 37)