1.3.1. Trước 1945
Nhìn lại quá trình vận động và phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số, có thể thấy rằng, sự xuất hiện của mỗi thế hệ cầm bút, mỗi tác giả đều gắn với những hoàn cảnh và điều kiện lịch sử xã hội cụ thể nhất định, trong đó không thể phủ nhận vai trò góp sức của rất nhiều yếu tố khác trong xã hội. Trải qua quá trình hình thành và phát triển tương đối dài, dân tộc Tày có một nền văn học nghệ thuật vô cùng phong phú và đa dạng. Sở dĩ, lịch sử văn học là một dòng chảy liên tục, không gián đoạn mặc dù nó có sự thay đổi, diễn tiến qua thời gian, thậm chí qua không gian cho nên nghiên cứu, phác họa tiến trình phát triển và thay đổi của một nền văn học không phải là sự tập hợp rời rạc, ngẫu nhiên những tác giả, tác phẩm riêng lẻ, cho dù đó là những tác giả, tác phẩm xuất sắc. Những sự kiện văn học sử mà trung tâm là những tác giả, tác phẩm văn học phải được xâu chuỗi theo một hệ thống nhất định, theo logic, theo một phương pháp hữu hiệu nào đó để người đọc cảm thấy có một tiến trình lịch sử thật sự đã diễn ra và có một quy luật thực tế chi phối phổ biến đối với diễn tiến ấy. Trong sự diễn biến phức tạp tưởng như khó nắm bắt được của các sự kiện văn học, tiến trình văn học Tày vẫn diễn ra theo một trình tự, một quy luật nhất định mà các giai đoạn văn học cụ thể chỉ là sự tiếp nối lẫn nhau một cách logic.
Trong quá trình phát triển của văn học cũng như thơ ca Tày, một điểm thuận lợi đáng chú ý là tầng lớp trí thức Tày - Nùng hình thành từ rất sớm. Đầu tiên là các trí thức dân gian dưới lớp vỏ nghề nghiệp như thầy mo, then, tào, pụt. Trong thời kỳ
tự chủ, triều đình có quan tâm đến việc học hành của cư dân Việt Bắc. Nhà Mạc khi chạy lên đóng đô ở Cao Bằng ra sức đào tạo tầng lớp nho sĩ, quan lại người Việt chạy lên đây bị Tày hóa. Do vậy tầng lớp trí thức nho học hình thành, có một số đạt tới trình độ học vấn cao như Bế Văn Phụng (1567-1637), Nông Quỳnh Văn (1566- 1640). Bế Văn Phụng giữ chức Tư thiên quản nhạc trong triều một thời gian rồi lui về ở ẩn tại Hòa An, Cao Bằng. Nông Quỳnh Văn có tài nhưng không ra làm quan. Hai ông đều là tác giả của những bài lượn được truyền khẩu rộng rãi trong dân gian, sáng tác tiêu biểu có thể kể đến Lƣợn Tam nguyên (760 câu) của Bế Văn Phụng và
Lƣợn Tứ quý (742 câu) của Nông Quỳnh Văn, hai tác phẩm đều viết bằng chữ Nôm
Tày. Tiếp đó là một số tác giả như Bế Hữu Cung (1757-1820), Hoàng Ích Ngọ (1766-1828), Hoàng Ích Thặng (1783-1853). Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, thơ Tày đánh dấu một thời kỳ phát triển mới với một số tên tuổi: Hà Vũ Bằng, Bế Ích Bồng, Nông Đình Cấp, Bế Đức Cốm... Tiêu biểu nhất là Hoàng Đức Hậu (1890 - 1945) với một số lượng tác phẩm đồ sộ bằng cả tiếng Tày, tiếng Việt và tiếng Hán (theo nhà phê bình văn học Lâm Tiến, có khoảng 150 bài đã được khảo cứu và công bố), bao gồm những đề tài và bút pháp đa dạng phong phú được truyền khẩu rộng rãi trong dân gian, ông được coi là người đặt nền móng cho thơ Tày hiện đại. Điều đặc biệt là Hoàng Đức Hậu được xem như người sáng tác thơ bằng tiếng Tày hay, độc đáo và điêu luyện bậc nhất trong đội ngũ những nhà thơ dân tộc thiểu số. Nếu đánh giá đúng vai trò của Hoàng Đức Hậu thì chúng ta sẽ có được sự lý giải cho việc phát vượt bậc của văn học hiện đại Tày so với những dân tộc thiểu số khác. Nhà nghiên cứu Lâm Tiến cũng có một bài viết khá công phu trong cuốn Văn học
các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại đánh giá lại vị thế của Hoàng Đức Hậu như
một nhà thơ lớn không chỉ của dân tộc Tày mà còn là “nhà thơ hiện đại độc đáo của văn học Việt Nam” [92, tr.58].
Ngoài Hoàng Đức Hậu, giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX phải kể đến những nhà thơ có lòng yêu nước, được người dân kính trọng, về sau đã đi theo ánh sáng của Đảng như Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Chi...