CỦA THƠ DÂN TỘC TÀY TỪ 1945 ĐẾN NAY
Tác phẩm văn học luôn là một thực thể hoàn chỉnh với sự thống nhất của nội dung và hình thức. Mỗi tác phẩm văn chương đều hướng tới nhận thức và phản ánh mối quan hệ giữa văn học và đời sống, giữa chủ thể sáng tạo và hiện thực khách quan. Tất cả những cảm xúc, nhận xét, đánh giá ấy được biểu hiện thông qua một hình thức nhất định. Hình thức tác phẩm văn học là cái hợp thành của rất nhiều yếu tố: ngôn ngữ, kết cấu, loại thể (thơ, văn, kịch) và các biện pháp (miêu tả nội tâm, hành động…) nhằm mục đích tạo nên một dạng nhất định cho nội dung tác phẩm và khiến tác phẩm văn học được xây dựng thành một chỉnh thể thống nhất. Hình thức phải đáp ứng được đòi hỏi đầu tiên là phù hợp với nội dung, “nội dung nào hình thức ấy”. Hơn nữa, hình thức cần phát huy đến mức cao nhất khả năng biểu hiện nội dung của tác phẩm. Hình thức cũng mang tính độc lập tương đối, những thay đổi của nó khiến nội dung chịu tác động nhất định. Nội dung chỉ tồn tại khi biểu hiện qua hình thức và hình thức chỉ có ý nghĩa khi hướng tới thể hiện nội dung. Hình thức một tác phẩm văn học vừa nói lên được trình độ, quan niệm của tác giả vừa bộc lộ những thị hiếu thẩm mĩ của người đọc.
Như mọi sự vật và hiện tượng, tác phẩm thơ cũng bao gồm hai phương diện: nội dung và hình thức thống nhất biện chứng với nhau. Belinsky cho rằng, tư tưởng và hình thức phải hòa hợp với nhau một cách hữu cơ như tâm hồn và thể xác, nếu hủy diệt hình thức thì cũng có nghĩa là hủy diệt tư tưởng và ngược lại cũng vậy. Hegel cũng khẳng định, nội dung chẳng phải là cái gì khác, mà chính là chuyển hóa của hình thức vào nội dung, và hình thức cũng chẳng là gì khác hơn là sự chuyển hóa của nội dung vào hình thức. Nội dung của tác phẩm thơ thể hiện mối quan hệ giữa con người và đời sống, là một thể thống nhất giữa đời sống khách quan được tái hiện, chiếm lĩnh bởi người nghệ sĩ và thế giới tinh thần của chủ thể sáng tạo. Hình thức tác phẩm thơ chính là cách biểu hiện nội dung ấy. Hình thức có thể phân chia thành hai cấp độ: hình thức bên trong, hình thức bên ngoài. Hình thức bên
ngoài trước tiên được xác định bởi chất liệu đặc thù của loại hình nghệ thuật. Với thơ ca, đó là ngôn từ cùng với các kĩ xảo gieo vần, chia khổ, đặt câu, các biện pháp tu từ, các hình thức quy phạm cố định của thể loại. Đây là lớp vật chất của hình thức thơ. Tác phẩm văn học nào cũng tồn tại hình thức bên ngoài - hình thức vật chất. Song tác phẩm văn học còn bao gồm cả hình thức bên trong, hình thức tinh thần, hình thức cảm thấy, nhìn thấy. Chính hình thức bên trong mới thể hiện cái nhìn sâu sắc tính tích cực sáng tạo của chủ thể, nó là hình thức của cái nhìn về thế giới, về đời sống của nhà văn. Lựa chọn một hình thức cũng có nghĩa là lựa chọn một thái độ đối với đời sống, một góc độ tiếp cận với thực tại cuộc sống và cũng nhờ hình thức bên trong cho thấy sự vận động phát triển và đa dạng của ý thức nghệ thuật và tư duy nghệ thuật. Lựa chọn một hình thức còn có nghĩa là lựa chọn một cách ứng xử với chất liệu nghệ thuật, với những nguyên tắc tạo hình thức đã có sẵn. Hình thức thơ nói riêng tự bản thân nó không thể phát huy hết vẻ đẹp và sức hấp dẫn. Nội dung thơ cũng bị hạn chế nhiều nếu không tìm được phương tiện biểu hiện tương ứng.
Hình thức thơ bao gồm thể thơ, câu thơ, lời thơ (ngôn từ), hình ảnh, giọng điệu, vần, nhịp và các hình thức tổ chức của chúng. Hình thức thơ có tính ổn định, bền vững và cũng mang tính chất linh hoạt, năng động. Chính lý tưởng thẩm mỹ, quan niệm sáng tạo nghệ thuật mới, đã chi phối những hình thức biểu hiện trong thơ nói riêng và trong văn học nghệ thuật nói chung. Tư duy biến đổi kéo theo những thay đổi của sự thể hiện. Chỉnh thể một tác phẩm không phải là sự đóng kín mà là “một tổng thể năng động đang phát triển” (Tynianov). Một sáng tạo nghệ thuật có giá trị không chỉ là sự thành công của riêng nội dung hay hình thức mà là sự kết hợp hài hòa cả hai yếu tố và sự kết hợp ấy phải tạo được những ý nghĩa mới, phải động chứ không
tĩnh. Hình thức và nội dung là đồng hành không thể thiếu trong sáng tạo nghệ thuật, hiểu được những cách tân trong hình thức cũng góp phần quan trọng trong việc khẳng định những biến đổi của nội dung.
Trong thơ của những cây bút dân tộc thiểu số, từ trước tới nay, phần đề tài, nội dung biểu hiện luôn được chú ý khai thác nhiều hơn. Những yếu tố thuộc về hình thức nghệ thuật chưa được chú ý đúng mực. Một điểm rất dễ nhận thấy là hầu hết những sáng tác của tác giả người Kinh về dân tộc vẫn có những nét khác biệt
rất lớn trong hình thức thể hiện với những sáng tác do chính các tác giả dân tộc tạo ra. Hơn 50 năm qua, kể từ sau Cách mạng tháng Tám - 1945, mảng văn học về miền núi đã thu hút được ngày càng nhiều các tác giả. Nhưng với tác giả là người dân tộc thiểu số, họ tham gia vào công cuộc ấy bằng một cảm hứng dồi dào, nhiệt thành rất riêng, đó là những trang thơ, những trang văn về lịch sử tâm hồn, lịch sử đời sống dân tộc họ. Ngôn từ, kết cấu, hình ảnh, giọng điệu… của nhiều tác phẩm thơ dân tộc Tày trong hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển đã vượt lên khỏi sự tả, sự kể đơn thuần để thăng hoa, để gợi, để biểu cảm và thực sự mang đến cho người đọc những bài thơ không chỉ hay, ý nghĩa về đề tài, nội dung mà còn đẹp, thú vị trong cách biểu hiện.