MỘT SỐ PHONG CÁCH SÁNG TẠO TRONG THƠ DÂN TỘC TÀY TỪ 1945 ĐẾN NAY

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay (Trang 123 - 124)

TRONG THƠ DÂN TỘC TÀY TỪ 1945 ĐẾN NAY

Trong văn học, phong cách nghệ thuật là “một phạm trù thẩm mĩ, chỉ sự thống nhất tương đối ổn định của hệ thống hình tượng, của các phương tiện biểu hiện nghệ thuật, nói lên cái nhìn độc đáo trong sáng tác của một nhà văn, trong tác phẩm riêng lẻ, trong trào lưu văn học hay văn học dân tộc” [33, tr.208]. Theo M.B. Khrapchenko, phong cách “cần phải được định nghĩa như phương thức biểu hiện cách chiếm lĩnh hình tượng đối với cuộc sống như phương thức thuyết phục và thu hút độc giả” [46, tr. 279]. Là khái niệm dùng để nhận diện một tác giả, một tác phẩm, một trào lưu, yếu tố quan trọng nhất của phong cách chính là sự sáng tạo độc đáo cùng những phẩm chất thẩm mỹ mà chủ thể bộc lộ trong quan hệ với đối tượng. M.Bakhtin khẳng định tính tích cực của chủ thể trong sáng hình thức, M. Prust, D.S. Likhachov cũng khẳng định cái nhìn mới là yếu tố căn bản của phong cách nghệ thuật. Phong cách là yếu tố vừa mang tính ổn định vừa có sự biến đổi không ngừng. Điều đó giúp ta nhận diện sự khác biệt giữa các tác giả đồng thời thấy được sự độc đáo không lặp lại của bản thân những sáng tác.

Các nhà thơ dân tộc Tày tuy có khác nhau về tuổi đời, tuổi nghề, sở trường, khả năng sáng tạo cũng như mức độ cống hiến... nhưng họ đều gặp nhau ở sự tâm huyết và nỗ lực tạo dựng cho mình một phong cách riêng. Tuy có sự mộc mạc, tự nhiên; có sự dụng công tạo dựng hình tượng; có sự triết lý khái quát... nhưng các nhà thơ dân tộc Tày đều cố gắng thể hiện tính dân tộc trong những sáng tác. Trong đội ngũ đông đảo các nhà thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay, Nông Quốc Chấn, Y Phương, Dương Thuấn là ba phong cách độc đáo có khả năng đại diện cho thành tựu bề thế của thơ dân tộc Tày tính đến thời điểm hiện tại. Xem xét những đặc điểm trong cá tính sáng tạo của nhà văn, sự hoàn chỉnh nhận thức của nhà văn về cuộc sống, cách nhìn của nhà văn đối với thế giới trong hành trình sáng tạo của Nông Quốc Chấn, Y Phương, Dương Thuấn, ta thấy được cái nguyên tắc xuyên suốt, nhất

quán trong xây dựng hình thức nghệ thuật, đem lại cho tác phẩm một tính chỉnh thể, một giọng điệu và sắc thái thống nhất.

Không phải nhà thơ nào cũng có được phong cách, nó chỉ có ở những tác giả tài năng, bản lĩnh. Có thể nói, trong tiến trình thơ dân tộc Tày hơn nửa thế kỷ có nhiều tác giả đã và đang tạo được những bản sắc riêng cho thơ ca của mình, cũng như ghi dấu ấn sâu đậm trong nền thơ các dân tộc thiểu số. Chúng tôi lựa chọn nghiên cứu ba phong cách thơ Nông Quốc Chấn, Y Phương, Dương Thuấn, thứ nhất vì đó là những tác giả đạt được thành tựu tiêu biểu, nổi trội; sức viết bền bỉ và những đổi mới không ngừng trên hành trình sáng tạo; thứ hai, bởi lẽ “các tác giả văn học lớn là những nhà tư tưởng, là người báo hiệu, mở đường cho một thời đại” [52, tr. 716], phong cách thơ của ba tác giả này có sự ảnh hưởng lớn đối với thế hệ sau. Tuy có những đặc điểm chung như thế nhưng khi nghiên cứu và tìm hiểu ba phong cách thơ Nông Quốc Chấn, Y Phương, Dương Thuấn, chúng tôi không đặt ra tham vọng giải quyết tất cả những nét hay, những thành công trong sáng tác của họ mà chỉ là đặc trưng riêng của từng tác giả trong một nền thơ giàu có, bởi sự rập khuôn sẽ dẫn đến xòa nhòa mọi nét độc đáo làm nên gương mặt riêng từng tác giả.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay (Trang 123 - 124)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)