Phần 2: Đồng tiền chung châu Âu (EURO)
2.3.1.2.1. Mất tự chủ trong hoạch định chính sách tiền tệ
Tại một thời điểm thì mỗi quốc gia có một tình trạng phát triển của nền kinh tế khác nhau: Ở các nước kinh tế đang bùng nổ, NHTW muốn tăng lãi suất ngắn hạn để kìm hãm tốc độ phát triến kinh tế lại. Còn ngược lại,ở các nước kinh tế đang suy thoái, NHTW muốn hạ lãi suất ngắn hạn để kích thích kinh tế.
Các nước khi tham gia vào liên minh tiền tệ sẽ không được áp dụng chính sách tiền tệ của riêng mình, đặc biệt là các công cụ lãi suất và tỉ giá. Chính vì thế mà các nước này cũng không thể can thiệp một cách chủ động vào tính hiệu quả của các chính sách về phát triển kinh tế, trợ cấp thất nghiệp, kìm chế lạm phát và bất bình đẳng thu nhập.
Ngoài ra, các quốc gia thành viên khu vực đồng Euro chấp thuận một NHTW chung, một chính sách tiền tệ chung nhưng không chấp thuận một chính sách thuế chung, vì mỗi quốc gia có một nhà nước riêng thì cần có ngân sách riêng với hàng loạt nguyên tắc chi tiêu đính kèm. Điều này hợp lý nhưng lại là rào cản đối với khu vục đồng tiền chung bởi vì chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa luôn có mối quan hệ khắng khít với nhau.
Cụ thể, lãi suất trên thị trường tiền tệ phụ thuộc vào chính sách lãi suất do ECB định đoạt. Lãi suất trái phiếu chính phủ lại do bộ tài chính của từng quốc gia quyết định. Quyết định của bộ tài chính phụ thuộc vào chính sách tài khóa của tùng quốc gia. Đối với một số nước có năng lực cạnh tranh kém hơn, thâm hụt ngân sách lớn hơn các quốc gia khác trong khối, để bình ổn nền kinh tế, phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất cao hơn là giải pháp được ưa chuộng. Vì vậy, khủng hoảng nợ do mất khả năng chi trả đã gây ra bất ổn trong khu vực Euro zone trong thời gian qua.