Thực chất của việc sản xuất các hóa chất từ nước ót là việc tách các muối có trong nước ót (dung dịch hệ muối nước) và sau đó tinh chế hay tiếp tục gia công để thu được sản phẩm có chất lượng cao hay các loại sản phẩm khác. Nước ót là hệ dung dịch muối – nước phức tạp về thành phần, tuy vậy căn cứ vào hàm lượng các muối có trong nó có thể coi nước ót là hệ muối nước có 5 cấu tử hay là giản đồ pha bậc 5 bao gồm: Na+, K+, Mg2+// Cl-, SO42-, H2O. Với hệ 5 cấu tử, nếu bỏ qua nước thì đồ thị đẳng nhiệt được thể hiện bằng hình lập thể, biểu hiện mối quan hệ giữa các muối. Ta có thể tách riêng các loại muối dựa vào việc xây dựng, nghiên cứu và phân tích giản đồ pha. Các số liệu trên giản đồ pha được khảo sát bằng thực nghiệm nhiều lần để tăng độ tin cậy.
Từ giản đồ pha chỉ rõ điều kiện và thành phần các pha khi hệ cân bằng, nó được xây dựng hoàn toàn bằng thực nghiệm trên cơ sở số liệu độ tan. Dựa vào giản đồ pha có thể xác định các điều kiện thích hợp để tách một chất nào đó ra khỏi hệ. Giản đồ pha là cơ sở để tính toán thiết kế các quy trình sản xuất muối khoáng từ nước ót. Thứ tự kết tinh đẳng nhiệt của
các muối cùng với NaCl khi kết tinh ở 100oC như sau: Na2SO4, MgSO4.2,5H2O, MgSO4.H2O, KCl.MgCl2.6H2O, MgCl2.6H2O. Đối với quá trình kết tinh đa nhiệt, kết quả nghiên cứu cho thấy:
- Trước khi nhiệt độ nước ót đạt đến 116.3oC là giai đoạn tách NaCl;
- Khoảng 116,3 – 122oC là giai đoạn MgSO4 tách ra cùng với NaCl, phần lớn MgSO4 tách ra trong giai đoạn này;
- Sau 122oC, nồng độ các muối KCl, MgCl2, NaCl trong nước ót tăng dần.