Sự hình thành và phát triển của tinh thể bao gồm hai giai đoạn cơ bản: Giai đoạn tạo mầm và giai đoạn phát triển tinh thể. Cả hai quá trình này cùng xảy ra trong pha đồng nhất vô trật tự (khí, lỏng) khi pha này trở thành quá bão hòa hay quá lạnh so với đường cân bằng giữa nó với pha rắn. Có thể thực hiện trạng thái quá bão hòa bằng cách hạ nhiệt độ hay bay hơi
dung môi. Trong quá trình hình thành tinh thể có hai loại mầm: mầm đồng thể và mầm dị thể. Sự sinh mầm từ lòng hệ, không có sự tham gia của tác chất bên ngoài gọi là sự tạo mầm đồng thể, nếu sự sinh mầm tiến hành từ ranh giới dị vật (có thêm tác chất bên ngoài) ta có mầm dị thể. Thông thường cần phải có độ quá lạnh, quá bão hòa đủ lớn sự tạo mầm mới bắt đầu. Muốn tạo được mầm hệ cần có một công, gọi là công tạo mầm (A), khi độ quá bão hòa chưa đủ lớn hệ chưa đủ công tạo mầm và sự chuyển pha chưa xảy ra. Nhưng nếu ta đưa từ ngoài vào một ít pha kết tinh, khi đó hệ không đòi hòi đến công tạo mầm nữa vì mầm đã được cung cấp và sự chuyển pha được tiến hành ngay, dù độ quá bão hòa còn rất thấp. Tốc độ tạo mầm được ghi nhận bằng số lượng mầm sinh ra sau mỗi đơn vị thời gian, còn tốc độ lớn của tinh thể chính là độ tăng về kích thước hay khối lượng của tinh thể sau mỏi đơn vị thời gian. Bằng cách điều khiển các yếu tố ảnh hưởng như: nồng độ, tỷ lệ, thời gian và nhiệt độ phản ứng ta có thể tạo ra những tinh thể với khối lượng và kích thước thay đổi theo ý muốn [6].