Cơ sở triết học của phương pháp DHTDA

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp dạy học theo dự án trong dạy học môn công nghệ 11 tại trường trung học phổ thông thủ đức, quận thủ đức, tp hồ chí minh (Trang 29)

Những quan điểm triết học giáo dục John Dewey được các nhà sư phạm Mỹ đầu thế kỉ XX và các nhà nghiên cứu hiện đại phát triển đã trở thành cơ sở triết học cho phương pháp DHTDA: “Cách duy nhất để chuẩn bị cho đời sống xã hội là tham gia vào đời sống xã hội”. [35]

Với tư duy giáo dục của mình, Dewey kêu gọi áp dụng lí thuyết giáo dục định hướng kinh nghiệm. Theo ông, giữa giáo dục và kinh nghiệm cá nhân có mối quan hệ hữu cơ, coi kinh nghiệm như phương tiện và mục đích của giáo dục. Có thể tóm tắt những tư tưởng quan trọng từ triết học giáo dục của Dewey làm cơ sở cho phương pháp DHTDA là: [25]

- Kinh nghiệm có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình nhận thức và cuộc sống của con người. Giáo dục cần xuất phát từ kinh nghiệm của HS và nhằm mục đích mở rộng kinh nghiệm cho HS.

- Hành động đóng vai trò to lớn trong quá trình tích lũy kinh nghiệm. Cuộc sống có nghĩa là hành động, tương tác thường xuyên với môi trường. Giữa tư duy và hành động, giữa lí thuyết và thực hành có sự tác dụng tương hỗ lẫn nhau.

- Thực tiễn là toàn bộ những hoạt động vật chất có mục đích mang tính lịch sử xã hội của con người nhằm cải biến tự nhiên và xã hội; là cơ sở chủ yếu và trực tiếp nhất của nhận thức; là động lực, mục đích của nhận thức và là tiêu chuẩn để kiểm tra chân lí.

- Nhận thức kinh nghiệm và nhận thức lí luận có quan hệ biện chứng với nhau, trong đó nhận thức kinh nghiệm là cơ sở của nhận thức lí luận.

Như vậy, cơ sở triết học của phương pháp DHTDA là sự thống nhất giữa lí thuyết và thực hành (thực tiễn), giữa tư duy và hành động, giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lí tính và theo quy luật nhận thức của Lênin: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn - Đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lí, nhận thức hiện thực khách quan”.

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp dạy học theo dự án trong dạy học môn công nghệ 11 tại trường trung học phổ thông thủ đức, quận thủ đức, tp hồ chí minh (Trang 29)