Ngay từ những năm đầu của thập kỷ 90, với chính sách mở cửa, ngô lai
ở Việt Nam là một trong những cây hội nhập sớm nhất. Cuộc cách mạng về
ngô lai ở nước ta đã được nhà nước đặc biệt quan tâm. Năng suất và sản lượng ngô ở Việt Nam đã có sự chuyển biến rõ rệt do áp dụng thành tựu về
ngô lai vào sản xuất.
Nguồn gen ngô hiện nay được bảo tồn tại Viện Nghiên cứu ngô với khoảng 400 mẫu giống thụ phấn tự do và 3000 mẫu dòng (Trần Văn Minh, 2004) [7]. Năm 1973 trạm nghiên cứu ngô Sông Bôi (Hoà Bình) được thành lập, đây là trạm nghiên cứu ngô quốc gia sau này. Các chuyên gia Việt Nam trong một thời gian dài đã nỗ lực thu thập nguồn vật liệu khởi đầu trong nước, hợp tác với trung tâm cải tạo ngô và lúa mỳ Quốc tế (CIMMYT) trong việc thu thập đánh giá, phân loại nguồn nguyên liệu cũng như đào tạo cán bộ
chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu ngô, đặt nền tảng cho mọi hoạt động nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ sản xuất ngô ở Việt Nam. Quá trình nghiên cứu ngô ở Việt Nam trải qua ba giai đoạn:
- Giai đoạn ngô thụ phấn tự do: Trải qua 15 - 20 năm, từ sau giải phóng miền Nam đến cuối những năm 1980. Trên cơ sở tập đoàn nguyên liệu thu thập trong nước kết hợp với nguồn nhập nội chủ yếu từ CIMMYT, chúng ta
đã chọn tạo và đưa ra sản xuất một loạt các giống thụ phấn tự do như TH2A, TH2B, VM1, TSB1, TSB2, MSB49...đưa năng suất ngô năm 1990 đạt 1,55 tấn/ha.
- Giai đoạn chọn tạo giống lai không quy ước: Giai đoạn 1990 - 1995 giống lai không quy ước được sử dụng nhiều và mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất. Đây cũng là giai đoạn người nông dân tiếp cận làm quen dần với giống lai, tạo cơ sở cho việc phát triển ngô lai sau đó. Những giống lai không quy ước được sử dụng trong sản xuất là giống LS6, LS8 thuộc loại lai
đỉnh kép không những cho năng suất cao mà quá trình sản xuất hạt giống cũng dễ dàng, giá thành hạt giống rẻ. Quá trình này giống như cuộc diễn tập cho các nhà tạo giống và nông dân sản xuất ngô làm quen với công tác chọn tạo và sản xuất giống lai quy ước - những giống đòi hỏi có điều kiện sản xuất cao hơn.
- Giai đoạn chọn tạo giống lai quy ước: Đây thực sự là một thành công lớn trong lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp của Việt Nam. Chỉ trong vòng 10 năm, nước ta đã tạo ra nhiều giống lai quy ước có năng suất, chất lượng không thua kém các giống lai nước ngoài. Các giống lai như: LVN4, LVN12, LVN17, LVN23, LVN24, LVN25,... đã góp phần quyết định đến năng suất ngô của Việt Nam trong những năm gần đây.
Công tác chọn tạo giống ngô đã đi vào chiều sâu và có bài bản, nhờ vậy mà ngày nay chúng ta đã có hàng trăm dòng ngô thuần với xuất xứ và đặc tính khác nhau. Từ những dòng này, hàng chục giống ngô lai đã được tạo ra và
đưa vào sản xuất. Không chỉ quan tâm đến năng suất, công tác chọn tạo giống còn quan tâm đến những chỉ tiêu khác như chọn tạo giống có chất lượng protein cao, giống chống chịu với điều kiện bất thuận...
Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đang rất quan tâm đầu tư vào chương trình nghiên cứu và phát triển ngô chất lượng protein cao QPM (Quality Protein Maize), trong đó có Việt Nam. Viện nghiên cứu ngô đã hợp tác với CIMMYT trong chương trình nghiên cứu và phát triển ngô QPM, tháng 8 năm 2001 giống ngô lai QPM HQ2000 đã được Hội đồng Khoa học công nghệ Bộ
Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho phép khu vực hóa, có năng suất cao tương đương với ngô lai thường nhưng hàm lượng protein cao hơn ngô thường. Hàm lượng protein là 11 % (ngô thường là 8,5 - 9 %), trong đó hàm lượng Lysine là 4,0 % và Triptophan là 0,82 % (ngô thường là 2,0 % và 0,5 %).
Hơn nữa, cùng với phương pháp chọn tạo giống truyền thống thì việc
ứng dụng công nghệ sinh học để tạo các giống có khả năng chống chịu với
điều kiện bất thuận đã đạt được kết quả, trong đó đáng chú ý nhất là cây ngô biến đổi gen kháng sâu đục thân, kháng virus, chịu thuốc trừ cỏ. Tháng 3/2008 Chính phủ đã ban hành quyết định cho phép trồng thử nghiệm cây trồng chuyển gen tại nước ta. Việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học tuy chỉ mới bắt đầu 10 năm trở lại đây nhưng đã thu được kết quả bước đầu
đáng khích lệ. Viện nghiên cứu ngô đang ngày càng hoàn thiện kỹ thuật nuôi cấy bao phấn và đã cho ra đời hơn 10 dòng đơn bội kép, được đánh giá là rất có triển vọng trong công tác tạo giống lai. Phan Xuân Hào, Bùi Mạnh Cường và cs (2004) [3] đã tiến hành phân tích đa dạng di truyền tập đoàn dòng bằng kỹ thuật SSR. Ngô Thị Minh Tâm, 2004 [11] đã phối hợp chỉ thị phân tửđánh giá đặc điểm năng suất của một số tổ hợp ngô lai...Trong tương lai gần, các kỹ
thuật mới này sẽ ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong việc kết hợp với phương pháp chọn tạo giống truyền thống để tạo ra những giống ngô lai tốt.
Như vậy, trong hơn hai thập kỷ qua, những tiến bộ kỹ thuật mới được
đưa vào sản xuất góp phần không nhỏ vào việc tăng năng suất và sản lượng ngô nước ta. Song song với việc giới thiệu giống mới là các quy trình kỹ thuật canh tác kèm theo. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về mật độ, phân bón, chếđộ nước được công nhận và nhanh chóng được ứng dụng trong sản xuất.