5. Kết cấu, nội dung khóa luận
1.2.5.3. Một số các cam kết chính trong Hiệp định CPTPP
Cam kết về cắt giảm và loại bỏ thuế quan
Các thành viên CPTPP đã thống nhất sẽ giữ nguyên các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa của Hiệp định TPP trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP. Theo đó,
các thành viên CPTPP đều cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần như toàn bộ Biểu thuế quan nhập khẩu của nước mình. Các cam kết mở cửa thị trường được thể hiện chi tiết theo từng dòng thuế trong Biểu thuế nhập khẩu của mỗi nước CPTPP.
Nhìn chung, phần lớn các nước CPTPP áp dụng một mức thuế nhập khẩu chung cho tất cả các đối tác khác. Các nước áp dụng chung Biểu thuế quan nhập khẩu bao gồm Australia, Brunei, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Trong khi đó, một số nước khác áp dụng Biểu thuế nhập khẩu riêng cho từng nước CPTPP khác nhau (Canada, Chile, Nhật Bản và Mexico). Tuy nhiên, một số nước trong nhóm này như Chile và Canada chỉ áp dụng mức thuế nhập khẩu riêng với một số ít dòng thuế, còn lại thì áp dụng chung đối với phần lớn Biểu thuế.
Về cơ bản, các cam kết về xóa bỏ và cắt giảm thuế quan nhập khẩu trong CPTPP được chia làm ba nhóm chính:
Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay: Thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.
Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình: Thuế nhập khẩu sẽ được đưa về 0% sau một khoảng thời gian nhất định (lộ trình). Trong CPTPP, phần lớn là lộ trình 3-7 năm, tuy nhiên trong một số trường hợp, lộ trình có thể là trên 10 năm. Cá biệt, có một số rất ít dòng thuế có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu trên 20 năm.
Nhóm áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ): Đối với nhóm hàng hóa này, thuế nhập khẩu chỉ xóa bỏ hoặc cắt giảm với một khối lượng hàng hóa nhất định (gọi là xóa bỏ/giảm thuế trong hạn ngạch). Với khối lượng nhập khẩu vượt quá lượng hạn ngạch trong biểu cam kết, mức thuế nhập khẩu áp dụng sẽ cao hơn, hoặc không được hưởng ưu đãi.
Các cam kết về xuất xứ hàng hóa
Hiệp định quy định 3 phương pháp để xác định xuất xứ của một hàng hóa, bao gồm: (i) hàng hóa có xuất xứ thuần túy; (ii) hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu trong khu vực CPTPP; và (iii) quy tắc cụ thể đối với từng mặt hàng (PSR).
Bên cạnh đó, quy tắc cộng gộp cho phép các nước CPTPP được coi nguyên liệu của một hoặc nhiều nước CPTPP khác như là nguyên liệu của nước mình khi sử dụng nguyên liệu đó để sản xuất ra một hàng hóa có xuất xứ CPTPP.
Thủ tục chứng nhận xuất xứ, quy định về De Minimis.
Với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại tối đa, giảm thời gian giao dịch và chi phí xuất nhập khẩu, Hiệp định CPTPP đã cho phép người xuất khẩu, người sản xuất và người nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ. Đây là điểm rất mới so với các FTA truyền thống trước đây mà Việt Nam đã ký kết.
Đối với Việt Nam, do hình thức tự chứng nhận xuất xứ còn khá mới mẻ, chưa được triển khai toàn diện và đại trà nên nước ta chọn áp dụng thời gian chuyển đổi chậm hơn nhằm mục đích tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước quen dần với hình thức này. Một số quy định về thời gian chuyển đổi bao gồm:
Đối với hàng nhập khẩu: Việt Nam được bảo lưu chỉ áp dụng hình thức nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Đối với hàng xuất khẩu: Nước ta được linh hoạt áp dụng song song 2 hình thức: (a) cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) theo kiểu truyền thống; và (b) người xuất khẩu đủ điều kiện được tự chứng nhận xuất xứ trong thời gian tối đa 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Sau thời gian 10 năm này, Việt Nam sẽ áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hoàn toàn như tất cả các nước CPTPP.
Các nước tham gia đàm phán thường đưa ra quy định về tỷ lệ “linh hoạt” tối đa cho phép sử dụng một lượng nhỏ nguyên liệu không có xuất xứ và không đáp ứng tiêu chí CTC để sản xuất và hàng hóa vẫn được coi là có xuất xứ. Tỷ lệ này gọi tắt là “De Minimis”, được gọi là tỷ lệ không đáng kể nguyên liệu không trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa nhưng vẫn được coi là có xuất xứ. Quy định này được các nước tham gia đàm phán đưa vào với mục đích giảm bớt khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chí xuất xứ CTC và đa dạng hóa được hưởng thuế quan ưu đãi trong các FTA. Tuy nhiên, Hiệp định CPTPP có quy định về tỷ lệ ngưỡng “De Minimis” tương đối phức tạp hơn so với các FTA khác.
Ngoài ra còn có các quy định về biện pháp tự vệ: Với quy định này, CPTPP cho phép các nước nhập khẩu áp dụng biện pháp tự vệ, bao gồm tăng thuế suất đối với các mặt hàng của bên xuất khẩu. Quy định về môi trường: Điều kiện môi trường được nêu rõ các thỏa thuận môi trường đa phương, bảo vệ tầng Ozone, bảo vệ môi trường biển khỏi ô nhiễm, các cơ chế tự nguyện để nâng cao biểu hiện môi trường, thương mại và đa dạng sinh học...
Tóm tắt chƣơng 1
Chương 1 tìm hiểu và làm rõ về các vấn đề lý luận và thực tiễn về xuất nhập khẩu: Khái niệm, phân loại, vai trò, các nhân tố tác động tới xuất khẩu, nhập khẩu. Song song với đó là các định nghĩa, nội dung cơ bản về Hiệp định Thương mại tự do nói chung và Hiệp định CPTPP nói riêng. Làm cơ sở cho phân tích thực trạng vấn đề nghiên cứu ở chương 2.
Chương 2. THỰC TRẠNG XUẤT NHẬP KHẨU CỦA VIỆT NAM VỚI CÁC THÀNH VIÊN HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƢƠNG