Nha Trang huyền thoạ

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện thiếu nhi của nguyễn đức linh (Trang 26 - 30)

Nha Trang là thành phố biển xinh đẹp thuộc tỉnh Khánh Hòa, miền đất được mệnh danh là “xứ trầm, biển yến”. Nơi đây được tạo hóa ưu ái ban tặng khí hậu ôn hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, trở thành địa điểm thu hút nhiều khách tham quan du lịch. Nha Trang còn là nơi gặp gỡ của các nền

văn hóa. Thành phố này vừa có sự năng động, hiện đại khi mang đậm hơi thở văn hóa phương Nam vừa yên bình, cổ kính bởi văn hóa Chăm – pa tồn tại và thấm sâu hàng thế kỷ. Vẻ đẹp thanh sơ, nhẹ nhàng của Nha Trang đã níu chân biết bao người lỡ yêu thành phố này.

Sau biến cố nghề nghiệp và khi bước chân đã đi hết những cung đường cao nguyên hùng vĩ, Nguyễn Đức Linh chọn gắn bó với Nha Trang và dành nhiều tình cảm cho vùng đất này. Nha Trang từ đó trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật đi vào các sáng tác thiếu nhi của nhà văn với vẻ đẹp huyền thoại.

Đối với Nguyễn Đức Linh, Nha Trang huyền thoại ngay từ chính tên gọi của nó. Cụ thể, ở tác phẩm Người khổng lồ của em tôi, nhà văn đã mượn lời của nhân vật để đưa ra những kiến giải khác nhau về gốc gác tên gọi thành phố này. Theo như câu trả lời của một bạn nhỏ học sinh trong câu chuyện thì Nha Trang là do chữ “Nhà Trắng” đọc chệch mà thành. Lời giải thích này khiến cho cả lớp bật cười nhưng không phải là hoàn toàn vô lý bởi có giai thoại kể rằng:

“Trước đây Nha Trang là một khu dân cư làm nghề biển, nhà cửa toàn là nhà tranh vách đất. Riêng nhà của bác sĩ Yersin xây gạch lợp ngói, quét vôi trắng. Một hôm có chiếc thuyền buôn ngoại quốc đi qua, người ngoại quốc hỏi đây là xứ gì, anh thông ngôn ngậm tịt. Thấy cái nhà của bác sĩ Yersin mới liền nói luôn là Nhà Trắng. Người ngoại quốc nghe vậy liền ghi luôn danh từ Nhà Trắng vào địa đồ. Nhưng chữ Âu châu không có dấu thành ra người ta đọc ra Nha Trang là vậy” (Người khổng lồ của em tôi). Theo giai thoại này, lai lịch địa danh Nha Trang gắn liền với công lao của vị bác sĩ người Pháp nổi tiếng Yersin. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là lời truyền vì cô giáo trong tác phẩm có giải thích: “Thực ra tên gọi Nha Trang là do chữ Ba

Tran hay Ya Tran của người Chăm mà thành”. Lời khẳng định của cô giáo dựa trên cơ sở nghiên cứu của các nhà sử học về Nha Trang nên có tính minh xác. Thế nhưng bản chất ngôn ngữ là sự võ đoán và tên gọi “Nha Trang” cũng chỉ mang tính chất định danh, chính vì thế mà những lý giải khác nhau về cách gọi “Nha Trang” đã góp phần tô vẽ thêm màu sắc huyền thoại cho thành phố xinh đẹp này.

Vẻ đẹp huyền thoại của Nha Trang còn được Nguyễn Đức Linh khám phá ở phương diện chiều sâu văn hóa. Cùng với Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận và Ninh Thuận, Khánh Hòa là địa phương từng có nhiều người Chăm sinh sống. Tuy theo thời gian, người Chăm nơi đây dần chuyển sang các vùng lân cận nhưng những dấu tích của nền văn hóa Chăm – pa vẫn được nhân dân bảo tồn và lưu giữ. Trong đó, di sản Tháp Bà Ponagar, kết tinh đỉnh cao của văn hóa Chăm – pa ở Khánh Hòa là nguồn cảm hứng để Nguyễn Đức Linh viết nên câu chuyện thần thoại Người khổng lồ của em tôi.

Tác phẩm mở đầu bằng lời kể của cô giáo về truyền thuyết nữ thần Ponagar đã đưa các nhân vật trở về với vùng đất Nha Trang thời cổ đại. Cuộc đời huyền thoại của nữ thần được dân gian thêu dệt như chuyện bà hóa mình vào thân gỗ trầm hương trôi về phương Bắc, gặp và kết duyên với hoàng tử rồi cùng với các con xuôi về phương Nam, dạy dân nơi đây cày cấy, làm nhà cửa, cuối cùng bay trở về cõi tiên còn kích thích và thôi thúc các em nhỏ trong tác phẩm đi tìm bằng được lá bùa yểm tên khổng lồ của nữ thần. Kể từ đây, các nhân vật trong câu chuyện tiếp tục được sống trong không khí cổ tích thần thoại nhưng của một Nha Trang thời hiện đại. Những địa danh thân thuộc gắn liền với thành phố này như Tháp Bà Ponagar, cầu Xóm Bóng, chợ Đầm, nhà thờ ngã Sáu, Hòn Dung, Phước Đồng… nhờ vậy hiện lên vừa chân thực, gần gũi vừa lung linh trữ tình qua cách miêu tả của nhà văn.

Nhìn từ xa, quang cảnh về đêm của cầu Xóm Bóng và Tháp Bà mang vẻ đẹp yên bình, thơ mộng: “Những ngọn đèn cao áp trên cầu Xóm Bóng hắt ánh sáng trắng xuống lòng sông. Tháp Bà mờ ảo, thấp thoáng trong những tán cây trên đỉnh núi”. Trong khi đó, thành phố Nha Trang được nhà văn miêu tả bao quát với sự đông đúc và náo nhiệt nhưng vẫn không đánh mất vẻ đẹp đặc trưng: “Đứng trên chùa Kỳ Viên, xem được cả thành phố Nha Trang. Dưới tầm mắt chúng tôi, nhà xây san sát, lô nhô mái cao mái thấp, mái nhọn mái bằng. Đường phố đầy ắp người, xe thấp thoáng trong những lùm cây và bóng dừa san sát. Xa xa, biển Nha Trang trong xanh, lặng như tờ”. Cùng với vẻ đẹp trữ tình, hiện đại, những khu vực ven đô hiện lên với nét hoang sơ, yên ả hứa hẹn về sự phát triển thịnh vượng của thành phố này trong tương lai:

“Hòn Dung nghênh ngang trước mặt, cây cối um tùm, gái móc mèo tua tủa, hoa vàng, hoa đỏ vật vờ trước gió… Sương chưa tan, chân núi được bao bằng một đường viền mờ mờ. Những làn gió nhẹ mơn man ve vuốt, cây rừng lao xao cất bản nhạc rừng chào đón ban mai”.

Đặc biệt, trong số những địa danh nổi tiếng của Nha Trang, nhà văn thường hay nhắc đến nhà thờ Ngã Sáu và coi đó là biểu tượng về nhịp sống của người dân thành phố. Theo thống kê cụ thể, âm thanh tiếng chuông nhà thờ Ngã Sáu vang lên 7 lần ở hai tác phẩm Bí mật một kho báuNgười khổng lồ của em tôi. Sự lặp lại này xuất phát từ cảm tình cũng như ấn tượng sâu sắc của nhà văn dành cho nơi này.

Có thể khẳng định, trong không gian nhuốm màu thần thoại được tạo ra từ các hình ảnh và chi tiết thần kì như người khổng lồ ba mắt, mũi lao thần, cây bút thần cùng với năm điều ước của các em nhỏ, những địa danh gần gũi và nổi tiếng mang vẻ đẹp đặc trưng của Nha Trang đã làm nên chất trữ tình,

huyền thoại cho thành phố này.

Những con người anh hùng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, quyết tâm bảo vệ quê hương cũng góp phần làm nên một Nha Trang huyền thoại. Ở tác phẩm Người khổng lồ của em tôi, những nhân vật lịch sử nổi tiếng của vùng đất này như Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh hiện lên chi tiết và cảm động qua lời kể của cô giáo đã minh chứng cho truyền thống yêu nước vẻ vang của người dân Nha Trang nói riêng và địa phương Khánh Hòa nói chung. Vì tình yêu với quê hương, đất nước, những con người bình thường ấy bỗng chốc hóa thành anh hùng. Cuộc đời và sự hi sinh của họ đã thể hiện một quan niệm giản dị mà sâu sắc, đó là huyền thoại không chỉ có ở những điều thần kì mà còn được tạo ra từ chính những con người bình thường.

Cùng với Tây Nguyên, Nguyễn Đức Linh coi Nha Trang là quê hương thứ hai của mình. Thành phố này là nơi ông gắn bó cũng là miền đất văn chương xuất hiện ở các sáng tác thiếu nhi của nhà văn. Nha Trang trong cảm quan nghệ thuật Nguyễn Đức Linh mang vẻ đẹp huyền thoại toát ra từ bản sắc văn hóa, lịch sử cùng những cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, trữ tình. Vì thế, bên cạnh những bài học giáo dục ý nghĩa dành cho thiếu nhi, truyện của Nguyễn Đức Linh thực sự làm say lòng độc giả với những trang miêu tả về phố biển Nha Trang xinh đẹp, hiền hòa.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện thiếu nhi của nguyễn đức linh (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)