Các kiểu cốt truyện

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện thiếu nhi của nguyễn đức linh (Trang 33 - 39)

TRONG TRUYỆN THIẾU NHI NGUYỄN ĐỨC LINH

2.1.1. Các kiểu cốt truyện

Cốt truyện là phạm trù vừa thuộc nội dung vừa thuộc hình thức của tác phẩm. Vì thế, nếu dựa trên bình diện nội dung để phân loại thì truyện thiếu nhi Nguyễn Đức Linh sử dụng hai kiểu cốt truyện chính đó là cốt truyện trinh thám và cốt truyện phiêu lưu.

2.1.1.1. Cốt truyện trinh thám

Cốt truyện trinh thám là truyện kể về quá trình điều tra và truy bắt tội phạm trong đó cái bí ẩn là hạt nhân cơ bản để hình thành nên cốt truyện. Xuyên suốt quá trình điều tra là sự rượt đuổi đầy kịch tính giữa hai nhân vật thám tử và tội phạm. Nếu thám tử càng ra sức tìm kiếm thì tội phạm càng cố gắng tìm cách che giấu và lẩn tránh. Cuối cùng cái bí ẩn được giải mã, tội ác được phơi bày ra trước ánh sáng. Xây dựng cốt truyện trinh thám, nhà văn muốn đề cao sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác đồng thời chỉ ra được tài năng và bản lĩnh của những người tham gia vào hành trình điều tra phá án.

Ở Việt Nam, cốt truyện trinh thám ít được các nhà văn thiếu nhi khai thác. Phần lớn những bộ truyện trinh thám nổi tiếng đều là văn học dịch hoặc truyện tranh nước ngoài như Bộ năm lừng danh (Enid Blyton), Thám tử Cô – nan (Gosho Aoyama) hay bộ truyện kì bí của R. L. Stine… Trong số ít tác giả viết về mảng đề tài này, Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn thành công hơn cả với tác phẩm tiêu biểu Kính vạn hoa. Cốt truyện trinh thám cũng là kiểu cốt truyện đặc trưng định hình nên phong cách sáng tác Nguyễn Đức Linh. Chất trinh thám trong truyện thiếu nhi Nguyễn Đức Linh không nặng chất hình sự,

nguy hiểm mà chủ yếu mang lại tiếng cười vui vẻ, phù hợp với tầm đón nhận của bạn đọc nhỏ tuổi. Cốt truyện trinh thám được Nguyễn Đức Linh sử dụng trong hai tác phẩm là Bí mật một kho báuNgười khổng lồ của em tôi.

Cốt truyện trinh thám trong Bí mật một kho báu được sử dụng nhằm miêu tả hành trình truy tìm băng cướp Cẩu Nẹc của bốn bạn nhỏ ở phố Lý Thánh Tôn – Nha Trang là Lương, Toàn, Lẹp và Cần. Tác phẩm được mở đầu bằng việc thằng Lẹp phát hiện ra mối liên hệ giữa hai vụ mất trộm xảy ra trong khu phố và sự xuất hiện của ba kẻ lạ mặt. Nhận thấy hành tung đáng nghi của ba kẻ lạ mặt ở rạp hát, các bạn nhỏ quyết định mở cuộc điều ra, kiếm tìm sự thật. Lương, Lẹp và Cần đã có pha trèo tường chuyên nghiệp để tìm cách truy vết đối tượng tình nghi. Hiểu được tính chất nguy hiểm của quá trình phá án nên các bạn nhỏ liền thông tin cho chú Khánh công an. Tình huống thắt nút của câu chuyện chính là việc thằng Lẹp phát hiện bức thư kỳ lạ xuất hiện ở nhà mình. Những chi tiết trên bức thư khiến cho các bạn nhỏ vô cùng tò mò và quyết tâm phải giải bằng được mật thư. Thằng Toàn đưa tờ giấy bạc lên mũi ngửi hòng tìm ra manh mối của thủ phạm giống như những nhà thám tử thực thụ. Đặc biệt, bọn cướp càng tinh vi, thủ đoạn càng kích thích sự tò mò và thôi thúc các em quyết tâm tìm ra sự thật. Không ngại nguy hiểm, các bạn nhỏ đã tổ chức phục kích tại nhà lão Rục – đồng bọn năm xưa của Cẩu Nẹc để lấy thêm thông tin về băng cướp, cung cấp cho chú Khánh công an. Ngay cả tấm bản đồ chỉ nơi chôn giấu kho báu với rất nhiều chi tiết rắc rối, khó hiểu cũng được các em giải mã nhờ vào sự thông minh và biệt tài nói lái siêu hạng.

Dù mật thư được giải mã, các bạn nhỏ đã giúp công an tìm ra kho báu của Cẩu Nẹc nhưng câu chuyện chưa đến hồi kết thúc. Tác giả đã khéo léo trình ra những thông tin về cuộc đời Cẩu Nẹc khiến cho câu chuyện không chỉ có thêm lớp nội dung mới mà còn bất ngờ với bạn đọc. Theo đó, bí ẩn này

lồng vào bí ẩn khác khiến cho câu chuyện càng thêm phần hấp dẫn. Qua những thông tin của chú Khánh, các bạn nhỏ biết được Cẩu Nẹc trước đây vốn là một võ sư nổi tiếng. Vì lòng ghen tuông mù quáng nên hắn đã giết vợ, sau đó bỏ lại đứa con trốn đi biệt xứ rồi trở thành tướng cướp. Tuy sống bằng nghề giật cướp nhưng Cẩu Nẹc lại là người nghĩa khí. Hình ảnh đứa con tội nghiệp bị hắn bỏ rơi năm xưa vẫn luôn ám ảnh hắn vì thế nên những tài sản cướp được, hắn đều để lại hết cho con những mong xóa bớt mặc cảm tội lỗi cũng như bù đắp phần nào thiệt thòi cho con. Câu chuyện khép lại khi Cẩu Nẹc ra đầu thú nhưng đứa con của hắn chính là thằng Lẹp đã mang đến cái kết đầy bất ngờ cho tác phẩm. Cốt truyện mở đầu bằng vụ mất trộm bí ẩn và kết thúc là một bí ẩn khác được lật mở đã mang đến nhiều kịch tính và bất ngờ cho tác phẩm. Ngoài ra, những phán đoán và hành động của các em nhỏ trong quá trình điều tra phá án đã khiến cho độc giả phải bật cười thích thú. Hành trình truy tìm băng cướp Cẩu Nẹc và kho báu của các em được thể hiện trong tác phẩm đã minh chứng cho nét đẹp tâm hồn và tính cách trẻ thơ, lứa tuổi dũng cảm, luôn tin tưởng vào công lý và sự thật.

Cốt truyện trinh thám còn được Nguyễn Đức Linh sử dụng trong tác phẩm Người khổng lồ của em tôi. Ở chương truyện Mũi lao của người khổng lồ, tác giả đã kể lại việc truy tìm thanh kim loại của các em nhỏ gồm Hân, Lam, Còn, Hạ, Hải và Bình. Khi biết được mũi lao của người khổng lồ bị kẻ khác lấy mất, các bạn nhỏ liền thành lập “tổ đặc nhiệm” để thực hiện nhiệm vụ điều tra. Cả nhóm bầu thằng Hạ làm tổ tưởng, thằng Bình làm tổ phó. Không những thế, các bạn nhỏ còn tổ chức huấn luyện bài bản cho các thành viên nào là tập bơi, tập võ thuật để nâng cao sức khỏe, phục vụ cho việc điều tra. Biết được mũi lao thần rơi vào tay lão Chuột thầy bói, “tổ đặc nhiệm” liền tổ chức mai phục nhà lão Chuột, thế nhưng vẫn không lấy được vật báu. Cuối cùng, con Là – em gái thằng Hạ chỉ bằng hai củ khoai lang đã lấy được mũi

lao thần từ đứa con trai của lão Chuột. Cuộc truy tìm thanh kim loại kết thúc trong sự bất ngờ của tất cả mọi người trong tổ đặc nhiệm, vì theo lời thằng Còn thì vụ án được giải quyết nhờ vào “một đứa con gái chíp hôi”. So với tác phẩm Bí mật một kho báu, chất trinh thám trong Người khổng lồ của em tôi

nhẹ nhàng và mang đến nhiều tiếng cười hài hước. Sử dụng cốt truyện trinh thám ở chương truyện này, nhà văn đã thể hiện được nét đẹp hồn nhiên, nhí nhảnh và trong sáng của tuổi thơ.

2.1.1.2. Cốt truyện phiêu lưu

Cốt truyện phiêu lưu thường được sử dụng trong nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi, điển hình là Dế Mèn phiêu lưu kí (Tô Hoài), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi)… Kiểu cốt truyện này luôn bao gồm những hành động gay cấn, có thể de dọa đến tính mạng của nhân vật phiêu lưu. Ngoài ra, ở cốt truyện phiêu lưu, nhà văn thường lựa chọn cách kể chuyện theo trật tự thời gian sự kiện nên hành động của nhân vật mang tính chất tuyến tính. Với những đặc điểm như thế, cốt truyện phiêu lưu đã tạo nên sức hấp dẫn cũng như sự hòa điệu tuyệt vời giữa bạn đọc và nhân vật trong tác phẩm.

Tiếp nối thành công của Tô Hoài và Đoàn Giỏi, Nguyễn Đức Linh cũng là nhà văn có sở trường viết truyện phiêu lưu. Khảo sát truyện thiếu nhi của Nguyễn Đức Linh, chúng tôi nhận thấy, nhà văn đã sử dụng cốt truyện phiêu lưu trong ba tác phẩm là Cún con đã lớn, Thủ lĩnh Min trán đỏChuyến phiêu lưu kì thú trong rừng đại ngàn.

Trong tác phẩm Cún con đã lớn, tác giả kể về hành trình lưu lạc của chú chó có tên gọi dễ thương là Cún con. Cún là con út trong gia đình nên được mẹ và cô chủ hết mực thương yêu. Nhưng đến một ngày, trên đường đi cùng ông chủ đến Lạc Thiện, Cún không may bị lạc ở Giang Sơn. Tình huống này đóng vai trò quan trọng trong việc mở đầu cốt truyện, là biến cố khiến

chú Cún con phải dấn thân vào bước đường phiêu lưu với rất nhiều thử thách cam go. Chuyến đi săn cùng với ông Lương và thằng Mực là thử thách đầu tiên của Cún trong những ngày sống trên mảnh đất Giang Sơn. Dù chưa thông thạo địa hình như thằng Mực nhưng đây là lần đầu tiên kể từ ngày xa mẹ, Cún con đã chứng minh được khả năng săn mồi thượng đẳng của mình. Khi nhà ông Lương bị cháy, con heo trong chuồng lồng lộn kêu la trong khi đó cô chủ nhà ôm mặt khóc hu hu, tình huống cấp bách không cho phép Cún chần chừ. Bằng cú nhảy gọn gàng, Cún đã cứu được con heo, tránh thất thoát kinh tế cho chủ nhà. Càng về cuối truyện, những thử thách mà Cún phải đối mặt càng khó khăn và nguy hiểm đến tính mạng. Người đọc hồi hộp và lo lắng cho Cún con khi chú bị hai cha con lão Kiệt bắt cóc. Tuy rất sợ hãi nhưng bằng sự tinh anh của giống loài, Cún đã bình tĩnh vượt qua để tự giải thoát cho mình. Hành trình phiêu lưu của Cún con về sau này còn có sự tham gia của những người bạn là thằng Ky, con My và thằng Mực. Ở Lạc Thiện, Cún cùng với con My đã giải cứu thằng Ky thoát khỏi bẫy heo rừng. Câu chuyện đi đến hồi cao trào khi Cún bị rơi xuống hố sâu và sắp sửa đối diện với cái chết. Nhờ vào sự giúp sức của những người bạn, Cún không những vượt qua được cơn nguy khốn mà tình bạn của các con vật nhờ đó càng thêm gắn bó bền chặt. Khép lại hành trình phiêu lưu của chú Cún con là tình huống Cún cùng với những người bạn giúp công an tìm ra tận hang ổ của bọn trộm mìn. Trải qua nhiều biến cố nguy hiểm, chú Cún con bé bỏng ngày xưa giờ đã khôn lớn và trưởng thành. Màn đoàn viên của hai mẹ con Cún con và cô chủ ở cuối tác phẩm đã tạo nên một cái kết đẹp và cảm động cho tác phẩm đồng thời để lại nhiều dư âm trong lòng bạn đọc nhỏ tuổi.

Khác với Cún con đã lớn, cốt truyện phiêu lưu ở Thủ lĩnh Min trán đỏ

không gắn với hình tượng nhân vật chính. Cụ thể, nương theo hành trình phiêu lưu của thằng Xám, tác giả đã khắc họa lên chân dung và tính cách của

Min trán đỏ - thủ lĩnh của loài bò rừng. Thằng Xám là một chú nghé con dễ thương được mọi người trong buôn làng yêu quý. Thế nhưng vào một đêm mưa to gió lớn, biến cố xảy đến với Xám. Thằng Xám bị lạc mẹ vào trong tận rừng sâu. Giữa chốn rừng thiêng nước độc, Xám gặp được thằng Sứt – người bạn cùng sống trong buôn nhưng do mải chơi nên lạc bầy và đã giải cứu nó thoát khỏi sự truy đuổi của chó sói. Câu chuyện bắt đầu được đẩy lên cao trào khi Xám và thằng Sứt bị hổ tấn công, thằng Sứt hèn nhát bỏ chạy để lại một mình Xám bơ vơ. May mắn, Xám được thủ lĩnh Min trán đỏ cứu sống và đưa về sống ở thung lung Hạnh Phúc. Tình huống thắt nút của câu chuyện chính là cảnh đánh nhau khốc liệt giữa bầy trâu rừng với những vệ sĩ của Min trán đỏ mà nguyên nhân chính là những lời nói đơm đặt của thằng Sứt. Chỉ khi thủ lĩnh Min trán đỏ và bác nai chà xuất hiện thì mâu thuẫn của cốt truyện được giải quyết. Giống như truyện Cún con đã lớn, kết thúc tác phẩm là cảnh đoàn tụ của mẹ con Xám cùng niềm vui trở lại với tất cả muôn thú ở thung lũng Hạnh Phúc. Tuy nhiên, với cách thể hiện cốt truyện phiêu lưu dựa trên hành trình lưu lạc của tuyến nhân vật phụ, Nguyễn Đức Linh đã tạo ra nét khác biệt cho Thủ lĩnh min trán đỏ.

Nói đến cốt truyện phiêu lưu trong sáng tác của Nguyễn Đức Linh, chúng tôi còn muốn nhắc đến Chuyến phiêu lưu kì thú trong rừng đại ngàn. Ở tác phẩm này, hành trình phiêu lưu của nhân vật chính được bắt đầu một cách bình thường. Nghĩa là, nó không bắt đầu từ biến cố như vẫn thường thấy ở nhiều tác phẩm khác mà nhân vật đi phiêu lưu chủ yếu là để nhằm thỏa mãn nhu cầu khám phá thế giới, tìm kiếm những điều mới lạ về cuộc sống xung quanh mình. Luân, nhân vật chính của tác phẩm, từ lâu ao ước được rong chơi một chuyến ở núi rừng Tây Nguyên. Thế rồi, mong ước ấy đã thành hiện thực khi cậu được ba mẹ thưởng cho một chuyến đi chơi Tây Nguyên vào dịp nghỉ hè. Vì thế, mở đầu cốt truyện là cảm xúc thích thú đến ngỡ ngàng của Luân

khi được đặt chân đến xứ sở đại ngàn hoang sơ và thơ mộng. Những trải nghiệm thú vị của Luân ở vùng đất này như buổi cắm trại ở bầu Nước Xanh hay khi Luân cùng với các chú cưỡi voi qua sông là những chi tiết hấp dẫn làm nên sức cuốn hút cho cốt truyện. Cùng với niềm vui, chuyến phiêu lưu của Luân cũng không tránh khỏi những hiểm nguy. Trong đó, việc Luân và mọi người trong đoàn khảo sát đối mặt với bọn phản động Fluro vào cái đêm ở buôn Phoóc được coi là tình huống cao trào khiến cốt truyện trở nên gây cấn và kịch tính. Sau khi vượt qua trận phục kích của bọn Fulro, Luân tiếp tục cuộc hành trình khám phá Tây Nguyên. Cậu không chỉ chìm đắm trong vẻ đẹp thiên nhiên chốn đại ngàn mà còn biết thêm các tập tục sinh hoạt độc đáo của đồng bào nơi đây. Chính những kỉ niệm tuổi thơ tươi đẹp về kì nghỉ hè ở Tây Nguyên đã thôi thúc Luân trở lại thăm vùng đất này sau hơn hai mươi năm. Dù thời gian trôi qua, Tây Nguyên giờ đây có nhiều đổi khác và cậu bé Luân bây giờ đã trở thành kĩ sư cầu đường nhưng tâm trạng háo hức khi đặt chân đến với vùng đất này vẫn luôn vẹn nguyên trong xúc cảm của Luân. Có thể nói, với cách mở đầu và kết thúc cốt truyện bằng chuyến đi Tây Nguyên của nhân vật chính, tác phẩm đã thể hiện thành công dụng ý của nhà văn khi mang đến cho độc giả vẻ đẹp kì thú nơi rừng núi đại ngàn.

Viết truyện cho thiếu nhi, Nguyễn Đức Linh đã thể hiện sở trường của mình ở hai kiểu cốt truyện trinh thám và phiêu lưu. Với hai kiểu cốt truyện này, tác giả đã tạo ra sự kịch tính và hấp dẫn cho tác phẩm. Người đọc dõi theo câu chuyện sẽ bị cuốn vào hành trình truy tìm, phiêu lưu của nhân vật để rồi tìm thấy trong đó rất nhiều niềm vui và những bài học bổ ích.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện thiếu nhi của nguyễn đức linh (Trang 33 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)