NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU
3.2.3. Giọng điệu trữ tình
Truyện thiếu nhi Nguyễn Đức Linh chất chứa giọng điệu trữ tình sâu lắng. Nếu như chất giọng hài hước mang đến sự nhẹ nhàng và thoải mái cho người đọc thì với giọng điệu trữ tình tỏa ra từ tâm tư và xúc cảm của nhân vật đã góp phần tạo nên chiều sâu ý nghĩa cho tác phẩm. Kiểu giọng điệu này của nhà văn chủ yếu kết đọng ở những phân cảnh miêu tả nội tâm nhân vật. Trong đó, cảm động nhất phải kể đến nỗi thương nhớ khắc khoải của các con vật khi rơi vào cảnh ngộ chia ly. Tâm trạng của Cún con (Cún con đã lớn) hay của mẹ con thằng Xám (Thủ lĩnh Min trán đỏ) là ví dụ điển hình. Trong lúc một
mình đối diện với nguy hiểm, hình ảnh mẹ hiện lên xúc động trong tâm trí Cún, vỗ về, động viên Cún giúp Cún vượt lên nghịch cảnh. Còn nỗi nhớ thương mẹ của thằng Xám qua lời kể của nhà văn nghe sao mà khắc khoải, da diết. Sống giữa thung lũng Hạnh phúc, nhận được sự yêu thương và chở che của bầy Min vậy mà trong lòng Xám vẫn ngày đêm tưởng nhớ và thổn thức nỗi buồn thương nhớ mẹ. Những câu cảm thán, câu hỏi, những tiếng hô gọi “Mẹ ơi! Mẹ ơi!” vang lên trong tâm tưởng của các con vật đã làm nên chất trữ tình sâu lắng cho tác phẩm. Cũng trong Thủ lĩnh Min trán đỏ, cảnh tượng hai bà mẹ đi tìm hai đứa con lạc đàn thật sự khiến người đọc xúc động. Giọng điệu trữ tình của tác phẩm được thể hiện qua hình ảnh hai bà mẹ lầm lũi dấn bước đi tìm con giữa khung cảnh đêm khuya vắng lặng. Những tiếng gọi con trong niềm tuyệt vọng nhưng chứa chan hy vọng của hai bà mẹ đã tạo ra giá trị biểu cảm lắng sâu, chạm đến những ngóc ngách sâu thẳm nhất trong tâm tư mỗi người.
Tập truyện dài Người khổng lồ của em tôi xuất hiện nhiều trò chơi và hành động ngộ nghĩnh của các nhân vật nhí, vì thế có thể coi hài hước là giọng điệu chủ đạo của tác phẩm. Tuy nhiên, cũng có những tình tiết được nhà văn thể hiện bằng giọng điệu trữ tình. Cảm động nhất là chi tiết thằng Lam không chút do dự đem cho em trai thằng Bình hai quả chuối mà mẹ để dành riêng cho hai anh em khi hiểu ra gia cảnh khó khăn của thằng Bình. Chỉ với vài dòng ngắn gọn nhưng qua lời kể chuyện giản dị và đôn hậu của nhà văn, người đọc vẫn nhận ra chất trữ tình của tác phẩm toát ra từ tấm lòng thơm thảo của hai anh em thằng Hân. Chi tiết này dễ làm chúng ta nhớ đến hình ảnh chiếc áo ấm của hai chị em Sơn trong tác phẩm Gió lạnh đầu mùa
của nhà văn Thạch Lam. Qua đây, chúng tôi muốn khẳng định rằng, chính tấm lòng yêu thương san sẻ của các em nhỏ trong tác phẩm là biểu hiện cụ thể của giọng điệu trữ tình vẫn chảy len lỏi bên trong chất hài hước thường thấy ở Giọng điệu trữ tình đặc biệt kết tinh trên những trang văn miêu tả thiên
nhiên của Nguyễn Đức Linh. Từng có thời gian dài gắn bó với Tây Nguyên, chính vì thế ông đã viết về vùng đất này với tất cả tình yêu và sự hiểu biết của mình. Tây Nguyên trong sáng tác của Nguyễn Đức Linh không chỉ là khung cảnh núi đồi hoang sơ, hùng vĩ mà còn rất đỗi thơ mộng và trữ tình:
“Mùa xuân đến với Tây Nguyên muộn hơn những nơi khác. Tháng xuân ở đây có mai vàng khoe màu trên các sườn đồi và khe suối. Trong các lùm bụi, dọc theo những con đường, hoặc các bờ rào nương rẫy, hoa quỳ rực rỡ khoe màu vàng tươi đong đưa trong gió. Hoa cà phê trắng bung trên các nương rẫy. Mùi hương rừng thơm ngọt ngào phảng phất trong gió mai, cùng những đàn bướm sâu muồng vàng tươi chấp chới chao liệng và bầu trời vẫn trong xanh cao lồng rộng, không một gợn mây”. Đoạn văn miêu tả mùa xuân Tây Nguyên được viết bằng những ngôn từ giản dị vậy mà ở mỗi câu văn, chất thơ lai láng như rót vào trái tim người đọc vẻ đẹp tinh khôi của xứ sở đại ngàn. Bằng giọng điệu trữ tình tha thiết, bức tranh phong cảnh về một vùng xứ sở tươi đẹp đã góp phần bồi đắp tình yêu quê hương đất nước trong trái tim bạn đọc nhiều thế hệ.
Tiểu kết chương 3
Ngôn ngữ truyện thiếu nhi Nguyễn Đức Linh giản dị và gần gũi với thế giới tuổi thơ. Tuy chưa thực sự đạt đến trình độ tinh luyện về ngôn từ nhưng nhà văn luôn có ý thức sử dụng ngôn từ sao cho phù hợp với độ tuổi và tâm lý tiếp nhận của trẻ em. Việc sử dụng khá linh hoạt những chức năng của ngôn ngữ như kể, miêu tả, biểu cảm cùng với các phương tiện và biện pháp tu từ là minh chứng cụ thể cho tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc và sáng tạo của nhà văn Nguyễn Đức Linh.
khác nhau. Giọng điệu hài hước mang lại màu sắc tươi vui cho tác phẩm. Trong khi đó, ẩn sâu bên trong chất giọng phê phán của nhà văn là những bài học quý giá về cách làm người. Truyện thiếu nhi của ông còn khiến bạn đọc rung cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên và tình người toát ra từ giọng kể chuyện trữ tình tha thiết. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, với sự đa dạng về giọng điệu, truyện thiếu nhi Nguyễn Đức Linh là người bạn đồng hành tin cậy trên bước đường khôn lớn và trưởng thành của bạn đọc trẻ thơ.
KẾT LUẬN
1. Nguyễn Đức Linh vốn là kĩ sư khảo sát cầu đường nhưng rất đam mê văn chương. Biến cố nghề nghiệp đã tạo nên cuộc hạnh ngộ giữa ông và văn chương. Kể từ đó, viết văn đối với Nguyễn Đức Linh vừa là niềm vui vừa để mang đến cho thiếu nhi nhiều tác phẩm hay, giàu ý nghĩa giáo dục. Những tác phẩm lấy cảm hứng từ hai vùng đất Tây Nguyên và Nha Trang không chỉ mang dấu ấn trải nghiệm của cuộc đời nhà văn mà còn là kết tinh của niềm đam mê và tấm lòng yêu thương luôn hướng về trẻ em.
Nguyễn Đức Linh xây dựng cốt truyện phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Cốt truyện trinh thám tạo nên bởi nhiều tình tiết bí ẩn đã khơi gợi sự tò mò cũng như phát huy khả năng phán đoán và suy luận của bạn đọc nhỏ tuổi. Đồng thời với hai tuyến nhân vật thiện – ác, truyện Nguyễn Đức Linh rèn luyện cho các em lập trường kiên định, không khoan nhượng trước các thế lực xấu xa, gian tà. Trong khi đó, cốt truyện phiêu lưu với nhiều thử thách nguy hiểm đặt ra cho nhân vật có ý nghĩa giáo dục trẻ em tinh thần vươn lên để vượt qua mọi khó khăn, nghịch cảnh. Dõi theo hành trình phiêu lưu của nhân vật, độc giả còn được đặt chân đến nhiều vùng đất tươi đẹp của đất nước để thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên cũng như mở mang tầm hiểu biết về các giá trị văn hóa, lịch sử.
Nhân vật trong truyện thiếu nhi Nguyễn Đức Linh là hiện thân của thế giới loài vật và con người nên khá phong phú, đa dạng. Những con vật trong sinh hoạt hằng ngày hay ở môi trường thiên nhiên hoang dã qua sự nhân cách hóa của nhà văn đều trở nên sinh động và gần gũi với đời sống tâm hồn trẻ thơ. Hành động tốt – xấu, khen – chê cùng với những cung bậc cảm xúc: yêu, ghét, giận hờn, nhớ thương của các con vật đã thực sự thức chạm đến tâm tư và suy nghĩ các em nhỏ, góp phần làm nên giá trị nhân văn sâu sắc cho tác
phẩm. Viết về nhân vật trẻ em, Nguyễn Đức Linh tập trung khắc họa những nét tính cách như hồn nhiên, năng động cùng với sự thông minh, hiếu kỳ đặc trưng của tuổi thơ. Theo đó, bí ẩn của những câu chuyện thần thoại hay hành vi đen tối của kẻ gian đều được các em khám phá và truy tìm. Hiếu động và đôi lúc có phần nông nổi nhưng ẩn sâu bên trong các em là trái tim thương cảm ấm áp. Cùng với rất nhiều tình huống kịch tính, chiều sâu truyện thiếu nhi Nguyễn Đức Linh được tạo ra từ những mẩu chuyện cảm động kể về tấm lòng trắc ẩn và nghĩa cử nhân ái của trẻ thơ.
Nhân vật trong truyện thiếu nhi Nguyễn Đức Linh được xây dựng dựa trên thi pháp đặc trưng của văn học hiện đại. Trong các sáng tác đồng thoại, nhà văn chú trọng miêu tả ngoại hình để khắc họa nên tâm tính loài vật. Những con vật có vẻ ngoài xấu xí, dị dạng trở thành điểm tựa nghệ thuật cho nhân vật chính tỏa sáng về ngoại hình lẫn tính cách. Đặc biệt, miêu tả hành động nhân vật được đánh giá là sở trường của Nguyễn Đức Linh. Những pha truy bắt, đánh nhau đối kháng xuất hiện dày đặc trong nhiều tác phẩm nhưng không tạo cảm giác nhàm chán. Ngược lại, sự sinh động và kịch tính của nó đã cuốn hút và chinh phục số đông độc giả.
Ngôn ngữ truyện thiếu nhi Nguyễn Đức Linh thể hiện rõ cá tính sáng tác của nhà văn. Thưởng thức tác phẩm của ông, có lúc người đọc cảm thấy như đang hòa vào nhịp sống đời thường để lắng nghe tiếng nói trẻ thơ gần gũi và trong trẻo, có lúc như đắm mình trên dòng chảy mềm mại của ngôn từ mà nhà văn đã ra sức lựa chọn và gọt giũa. Không chỉ sử dụng nhiều động từ, nét riêng ngôn ngữ truyện thiếu nhi Nguyễn Đức Linh còn được thể hiện qua phương ngữ Nam Trung Bộ mộc mạc, suồng sã cùng với những thuật ngữ chuyên ngành cầu đường in đậm dấu ấn cuộc đời tác giả.
khác nhau. Đó là giọng điệu hài hước, giọng điệu phê phán và giọng điệu trữ tình. Trong từng điệu kể, người đọc không chỉ tìm thấy ý nghĩa tác phẩm mà còn nhận ra tình cảm và trách nhiệm viết cho thiếu nhi của nhà văn.
2. Từ những phân tích về đặc điểm nội dung và nghệ thuật, đề tài đã chỉ ra những biểu hiện có tính kế thừa và sáng tạo trong phong cách viết truyện thiếu nhi Nguyễn Đức Linh. Tuy nhiên, vì thời gian nghiên cứu có hạn nên chúng tôi chưa thể tìm hiểu các phương diện khác của tác phẩm như kết cấu, thi pháp về không gian và thời gian... Trong thời gian sắp tới, hy vọng những vấn đề trên sẽ được những đề tài tiếp sau quan tâm nghiên cứu để góp phần mang đến cách đánh giá toàn diện về thành tựu viết cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Đức Linh.