TRONG TRUYỆN THIẾU NHI NGUYỄN ĐỨC LINH
2.1.2. Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện
Xây dựng tình huống truyện là một yêu cầu của nghệ thuật văn xuôi tự sự. Xưa nay, những tác phẩm hấp dẫn thường nhờ vào cách xây dựng tình
huống truyện độc đáo. Ví dụ như Dế Mèn phiêu lưu kí (Tô Hoài), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Nguyễn Nhật Ánh), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
(Nguyễn Ngọc Thuần)…
Trong quan niệm hiện hành, tình huống truyện là tình thế xảy ra truyện, là khoảnh khắc được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt mà ở đó cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất cũng như thể hiện được ý đồ, tư tưởng của tác giả. Vì thế, để dựng lên bức tranh cuộc sống và con người, nhà văn rất chú tâm đến nghệ thuật xây dựng tình huống truyện. Đối với truyện thiếu nhi Nguyễn Đức Linh, chúng tôi nhận thấy nhà văn thường xây dựng tình huống hành động và tình huống tâm trạng.
2.1.2.1. Tình huống hành động
Tình huống hành động thường xuất hiện trong các cốt truyện hành động. Tình huống hành động là loại sự kiện đặc biệt mà trong đó nhân vật bị đẩy tới một tình thế chỉ có thể giải quyết bằng hành động. Loại tình huống này xuất hiện rất nhiều trong truyện thiếu nhi Nguyễn Đức Linh, ở đó nhà văn đặt nhân vật vào những hoàn cảnh có vấn đề hoặc chứa đựng nhiều thử thách để buộc nhân vật phải đưa ra hành động. Thông qua các tình huống hành động, tính cách nhân vật sẽ được bộc lộ tự nhiên và chân thực nhất.
Ngay ở chương mở đầu tác phẩm Cún con đã lớn, nhà văn đã kiến tạo tình huống: Cún con giải cứu vịt con khỏi nanh vuốt của lão chuột cống. Ở lần thử thách này, chú Cún còn non nớt phải đối phó với lão chuột, kẻ săn mồi lão luyện và nanh ác. Nghe tiếng kêu thất thanh của vịt con, Cún con vội nhảy ra khỏi lòng mẹ, với sự trợ giúp của gã mèo Mướp, Cún con đã cứu sống được vịt con. Qua đây ta thấy, tuy còn nhỏ nhưng Cún con tỏ ra là người trượng nghĩa, biết bênh vực và bảo vệ kẻ yếu. Hành động đầy nghĩa hiệp của Cún xứng đáng được các bạn nhỏ học tập và noi theo.
Xây dựng tình huống hành động trong Cún con đã lớn, Nguyễn Đức Linh đã thể hiện được nét riêng, độc đáo. Nhà văn rất thành công trong việc miêu tả những tình huống đối kháng và truy bắt giữa các nhân vật. Cảnh chú Cún đánh nhau với chuột cống, cảnh xô xát giữa Cún với bầy chó sở tại trong ngày đầu Cún đến Giang Sơn, cảnh Cún và thằng Mực đi săn chồn mướp, cảnh truy tìm tội phạm… đều hiện lên chi tiết và sống động. Nói về cảnh đánh nhau giữa Cún và lão chuột cống, Ngô Xuân Hội từng đưa ra nhận xét: “tả cảnh chuột chó đánh nhau mà sinh động, hấp dẫn. Từ những đòn thế hai bên tung ra, cái thần của nhân vật dần bộc lộ. Chỉ những người am hiểu kĩ thuật đối kháng mới viết được vậy” [24, tr.12 – 13]. Rõ ràng, chất võ hiện lên ngồn ngộn trong những phân đoạn tả cảnh gây cấn, nguy hiểm. Điều này được lí giải từ chính đặc điểm con người nhà văn: bản tính phóng khoáng cùng sự tinh thông võ nghệ ở nhiều môn phái khác nhau.
Trong truyện đồng thoại, nhà văn thường hay tạo ra nhiều tình huống nguy hiểm để cho các con vật đầu đàn được thể hiện những phẩm chất ưu tú của giống loài. Kim Thần kê, thủ lĩnh của bầy gà rừng đã có trận chiến thư hùng để bảo vệ cư dân loài gà thoát khỏi nanh vuốt của diều hâu: “Thần kê như mũi tên, hai chân xé lau lách phóng xuống sườn đồi… Một cú đá vai của Thần kê mạnh đến nỗi hất tung con ác điểu lên khỏi mặt đất” (Kim Thần Kê). Hay khi nhìn thấy cảnh hỗn chiến của hai bầy trâu rừng, thủ lĩnh Min trán đỏ với sức mạnh và uy tín của mình đã ra sức can ngăn. Min trán đỏ còn đánh nhau với con cọp hung dữ để cứu thằng Xám, sau đó còn chăm sóc và cưu mang Xám, giúp chú nghé con vơi bớt nỗi buồn nhớ mẹ (Thủ lĩnh Min trán đỏ). Với việc xây dựng những tình huống có thử thách để làm nổi bật hành động và tính cách của loài vật, truyện đồng thoại Nguyễn Đức Linh truyền tải thông điệp sâu sắc về tinh thần đoàn kết và yêu thương đồng loại đúng như tinh thần bài ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Không chỉ tập trung xây dựng tình huống hành động nhằm khắc họa nhân vật chính diện, Nguyễn Đức Linh còn dồn bút lực để miêu tả hành động của những nhân vật phản diện. Thằng Sứt vì sợ bị hổ ăn thịt mà bỏ thằng Xám chạy vào rừng thoát thân. Hành động ích kỷ và đớn hèn của thằng Sứt đã gây ra cuộc chiến tàn khốc giữa những con trâu rừng. Sau này do muốn cứu thằng Xám để chuộc lại lỗi lầm mà thằng Sứt có những lời nói đặt điều, kích động khiến cho bầy trâu rừng vốn là anh em giờ lao vào sát phạt nhau gây ra cảnh tượng đổ máu, huynh đệ tương tàn: “Hàng chục con trâu rừng đã ngã chỏng trơ trên mặt đất, máu me tẽ tụa và có con đang rống lên những hồi dài khe khẽ, trước khi trút hơi thở cuối cùng…” (Thủ lĩnh Min trán đỏ). Có thể thấy, những hành động và lời nói man trá của thằng Sứt không chỉ đẩy câu chuyện tăng thêm phần kịch tính mà còn mang đến cho các em thiếu nhi bài học về sự thật thà và dũng cảm trong cuộc sống.
Theo chúng tôi, Bí mật một kho báu là tác phẩm có nhiều tình huống hành động gay cấn. Hai vụ mất trộm liên tiếp xảy ra ở gian hàng đồ sắt nhà thằng Toàn và tiệm vàng Mân, cùng với đó là sự xuất hiện của ba người đàn ông lạ mặt đã mở đầu cho cuộc điều tra phá án của bốn cậu bé là Lương, Toàn, Lẹp và Cần. Đặc biệt, khi thằng Lẹp nhặt được bức thư với hình vẽ kì lạ thì sự tò mò và hiếu kỳ của các cậu bé về vụ án bí ẩn càng được đẩy lên cao hơn. Diễn biến tiếp theo của câu chuyện vì thế là những tình huống gay cấn và không kém phần li kì, hấp dẫn. Màn phục kích tại nhà lão Rục hay việc các cậu bé giải được mật thư và tìm ra nơi cất giữ kho báu đã dần đưa câu chuyện đi đến hồi kết thúc. Cuối cùng, khi tấm màn bí mật về cuộc đời Cẩu Nẹc được các chú công an lật mở thì vụ án cũng chính thức khép lại trong sự hoan hỉ và xúc động của tất cả mọi người.
Khi xây dựng tình huống hành động, Nguyễn Đức Linh không quên sử dụng yếu tố kì ảo để làm tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm. Chất kì ảo phả vào
câu chuyện tuổi thơ không khí cổ tích, thần thoại nên trong nhiều tình huống, hành động của nhân vật mang màu sắc phép thuật thần bí. Trong tác phẩm
Người khổng lồ của em tôi, hành động giúp đỡ anh em thằng Bình của Hân, Lam cùng đám bạn trong nhóm đã mang lại nhiều xúc cảm cho người đọc. Thằng Bình vốn là học sinh lưu bang đã thế còn hay quậy phá nên bị nhóm thằng Hân xa lánh. Thế nhưng, trẻ con dễ ghét mà cũng dễ động lòng trắc ẩn. Biết được lý do nghỉ học của anh em thằng Bình, bọn trẻ trong nhóm thằng Hân đã không ngần ngại dùng phép thuật của cây bút thần để vẽ nên nhiều sách vở tặng cho hai anh em nó. Hành vi giúp đỡ vô tư, không chút vụ lợi của các em nhỏ tuy có sự trợ giúp thần kỳ nhưng xuất phát từ tình cảm trong sáng và nhân hậu của các em dành cho những người bạn có hoàn cảnh kém may mắn. Cũng qua lần giúp đỡ đó mà thằng Bình được cảm hóa, tình cảm bạn bè ngày thêm khắng khít, bền chặt. Không mang đến sự gây cấn, hồi hộp như ở nhiều tình huống trước đó, việc làm cảm động của các em nhỏ trong tác phẩm là nốt trầm hòa vào thế giới tuổi thơ rộn rã nhiều tiếng cười. Đặc biệt hơn, người đọc còn tìm thấy ở đó vẻ đẹp quý giá của tình bạn và tình người trong cuộc sống.
Nhìn chung, với cốt truyện phiêu lưu và trinh thám, truyện thiếu nhi Nguyễn Đức Linh xây dựng nên rất nhiều tình huống hành động. Các nhân vật trong tác phẩm của ông dù là loài vật hay con người cũng thường xuyên bộc lộ những hành động cụ thể. Đặc biệt trong các hoàn cảnh có thử thách, yếu tố hành động góp phần rất lớn đối với việc thể hiện tính cách nhân vật. Những hành động tốt - xấu, thiện – ác vừa tái hiện sinh động tính cách của trẻ thơ vừa mang đến cho các em thiếu nhi nhiều bài học bổ ích và ý nghĩa.
2.1.2.2. Tình huống tâm trạng
Tình huống tâm trạng là sự kiện đặc biệt của đời sống mà ở đó nhân vật rơi vào tình thế làm nảy sinh biến động trong thế giới tình cảm. Tình huống này thường dẫn tới kiểu nhân vật là con người tình cảm. Theo đó, hình tượng
nhân vật được nhà văn tạo nên bằng hệ thống chất liệu cảm xúc, cảm giác với những biểu hiện khác nhau của chúng, còn các khía cạnh khác như ngoại hình, hành động ít được nhà văn quan tâm. Nói chung, tình huống tâm trạng là cơ sở để phát triển cốt truyện và tạo điều kiện để nhân vật bộc lộ tính cách.
Cùng với việc xây dựng nên rất nhiều tình huống hành động, truyện thiếu nhi Nguyễn Đức Linh còn cuốn hút độc giả qua những dòng cảm xúc của nhân vật. Dù là trẻ em hay loài vật, thế giới nhân vật trong các sáng tác của nhà văn đều mang những nét tâm lý đặc trưng của lứa tuổi. Bằng lối kể chuyện giản dị và cách xây dựng tình huống đặc sắc, nhà văn đã mang đến cho độc giả những cảm xúc trong trẻo và đáng yêu của tuổi thơ.
Trong truyện dài Chuyến phiêu lưu kì thú trong rừng đại ngàn, Nguyễn Đức Linh đã miêu tả tâm trạng Luân bằng cách đặt nhân vật vào tình huống nguy hiểm. Bởi lẽ, khi đối diện với hiểm nguy, con người ta thường nảy sinh những xúc cảm và suy nghĩ thành thật. Đối với Luân, những ngày ở Tây Nguyên là quãng thời gian rất đẹp và bổ ích trong cuộc đời tuổi thơ. Luân không chỉ được tận mắt cảm nhận vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của núi đồi Tây Nguyên, cùng với các chú đi vào các bản làng để hiểu hơn về phong tục của đồng bào nơi đây mà em còn được trải nghiệm công việc khảo sát cầu đường nhiều lý thú nhưng cũng lắm gian nan của bố. Thế nhưng, đối với cậu bé mới lớn, lần đầu tiên đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết, Luân không khỏi bàng hoàng, lo lắng. Đêm ở buôn Phoóc, dù Luân và các chú đã chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng đối phó với bọn Fulro nhưng khi được tận mắt chứng kiến cảnh truy sát, tâm hồn Luân bắt đầu xao động và hối hận về chuyến đi Tây Nguyên của mình:
“Một nỗi lo lắng ập đến, bao trùm lấy tôi. Tôi nhớ đến ba tôi, đến mẹ tôi. Tại sao mình lại không chịu nghe lời ba? Mười ngày qua
đi theo các chú, đời tôi khó có dịp gặp lại lần thứ hai. Nhưng tối nay cái gì sẽ tới đây? Ba tôi vẫn nói vùng này an toàn lắm cơ mà. Các chú đời nào bỏ rơi tôi, nhưng làm sao thay ba mẹ tôi được?” Những câu hỏi mang tính truy vấn bản thân của Luân xuất hiện liên tiếp đã cho thấy sự chuyển biến trong tâm trạng của cậu bé. Từ cảm giác thích thú khi được sống giữa Tây Nguyên, giờ đây đối mặt với nguy hiểm, Luân hết sức lo lắng và sợ hãi. Đó âu cũng là nỗi lo sợ rất tự nhiên ở trẻ con bởi chúng chưa đủ sức đối phó trước những nguy cơ của cuộc sống. Buồn, sợ, Luân nhớ về ba mẹ như một sự cứu cánh. Cậu bé còn nghiệm ra được một điều rằng, trên đời này không ai thương và lo lắng cho mình bằng ba mẹ. Để nhân vật rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm, nhà văn đã tạo ra duyên cớ để tâm trạng của nhân vật được phơi bày. Vì vậy mà những suy nghĩ và xúc cảm của cậu bé Luân trong tác phẩm đã phản ánh chân thực nét tâm lý tự nhiên của trẻ thơ. Rồi đây, khi đã vượt qua được nguy hiểm, Luân sẽ mạnh mẽ và trưởng thành nhưng vào lúc này, Luân vẫn còn là một đứa trẻ cần nhận được sự quan tâm và bảo vệ của người lớn.
Khảo sát 3 tác phẩm đồng thoại của Nguyễn Đức Linh, chúng tôi nhận thấy, ở mỗi loài vật đều có những biểu hiện riêng về tâm trạng. Tuy nhiên, tình mẫu tử thường được nhà văn ưu tiên thể hiện nhằm gửi đến bạn đọc thiếu nhi câu chuyện cảm động về một trong những tình cảm đáng quý giá nhất của con người.
Cún con đã lớn là tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật xây dựng tình huống tâm trạng trong sáng tác của Nguyễn Đức Linh. Xuyên suốt hành trình khôn lớn và trưởng thành của chú Cún con, người đọc xúc động và thấm thía trước những tâm sự của Cún. Bất chấp những lời can ngăn của mẹ, Cún kết giao với thằng Xồm, theo nó đi ăn trộm nên bị người ta đuổi đánh. Khi nhìn
thấy mẹ ứa nước mắt đau lòng vì mình, Cún nhận ra rằng: “Tôi buồn, tôi chán nẫu ruột. Mẹ ơi, con là đứa con được cái ân huệ hơn các anh chị là ở gần mẹ, được mẹ chăm chút dạy bảo, mong nên người. Vậy mà con đã phụ tấm lòng của mẹ để sa đọa tới nông nỗi này”. Lời độc thoại của Cún cũng chính là những lời sám hối của đứa con biết nhận ra lỗi lầm mà yêu thương mẹ nhiều hơn. Suy nghĩ của Cún con đã đánh động và khơi dậy ở trẻ em đức tính phục thiện: dũng cảm nhận lỗi và biết sửa lỗi.
Nhà văn còn để Cún nhiều lần rơi vào tình huống nguy hiểm. Những lúc như thế, người mà Cún nhớ đến đầu tiên vẫn là mẹ. Khi bị người ta bắt cóc, Cún giãy giụa để cố tìm đường sống, hình ảnh người mẹ lại hiện lên trong nỗi trăn trở của Cún:
“Tôi kêu la cắn xé lung tung trong cái bao, loại mà trước đây khi mới sinh thành, mẹ tôi dùng nó để đắp cho tôi, để giờ đây tôi cũng sẽ chết trong cái bao ấy. Hình ảnh về người mẹ chịu bao vất vả với anh chị em tôi hiện ra. Mẹ ơi, con vẫn hằng mong ước khi bước chân ra đi, còn có ngày trở về gặp mẹ…”.
Đó đâu phải là lời của một chú Cún con mà nó là nỗi nhớ mong tha thiết của một đứa con sau khi trải qua những bất trắc của cuộc đời muốn về lại bên mẹ để được mẹ yêu thương, vỗ về. Thế mới biết, với mẹ, con lúc nào cũng bé bỏng và mẹ sẽ mãi là chỗ dựa trên mọi bước đường con đi.
Trong Thủ lĩnh Min trán đỏ, hơn một lần tác giả viết về nỗi nhớ mẹ của thằng Xám. Dù được bầy Min yêu thương và che chở nhưng đối với Xám không ai tốt bằng mẹ. Có lúc Xám mải vui với những người bạn trên thung lũng Hạnh Phúc nhưng cứ mỗi khi chiều đến, lòng Xám lại nhớ mẹ da diết. Những lời truy vấn của chú nghé con khiến nhiều người xúc động: “Mẹ ơi! Mẹ có biết giờ đây con của mẹ đang ở đâu không? Mẹ có nhớ đến con không?
Mẹ có đi tìm con về không?.... Nước mắt Xám chảy dài”.
Nguyễn Đức Linh xây dựng các tình huống tâm trạng của trẻ thơ rất tự nhiên và chân thực. Đặc biệt với những tác phẩm viết về thế giới loài vật, nhà văn luôn mang đến cho người đọc nhiều xúc cảm thơ ngây, trong trẻo. Dường như nhà văn hóa lòng thành trẻ con để cảm nhận và diễn tả tinh tế thế giới tâm hồn trẻ thơ bằng sự thấu hiểu và yêu thương chân thành.