NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU
3.2.1. Giọng điệu hài hước
Nguyễn Đức Linh là con người hóm hỉnh, đôn hậu. Ông thường phát hiện và cảm nhận đời sống tuổi thơ ở góc nhìn hồn nhiên, tươi vui. Chính vì thế, truyện thiếu nhi của ông nổi bật với chất giọng hài hước vui vẻ. Những tình huống đối thoại hay suy nghĩ, hành động của các nhân vật trong tác phẩm là nơi thể hiện rõ nhất kiểu giọng điệu này của Nguyễn Đức Linh.
phẩm Người khổng lồ của em tôi. Đó là màn tranh luận giữa thằng Còn và thằng Hải sau khi nghe cô giáo kể chuyện truyền thuyết về nữ thần Po Nagar:
“Thằng Còn có vẻ không hài lòng. Vừa ra đến sân, nó đã nói với tụi tôi:
- Cô Hà kể chẳng đúng! Mẹ tao bảo Bà Po Nagar sinh ra từ mây và bọt biển. Bà có đến chín mươi bảy người chồng và sinh ra được ba mươi tám người con mà toàn là con gái cả!
Thằng Hải vung cặp sách lên:
- Lụi! Lụi!... Làm gì có người đẻ tới ba mươi tám người con mà lại toàn là gái cả? Chỉ có bịa!
Thằng Còn gân cổ cãi lại:
- Mày không tin thì thôi. Truyện thần thoại mà lại. Thế sao lại có chuyện ông Gióng cưỡi ngựa sắt đi đánh giặc?”.
Có thể với nhiều người, màn đối thoại của hai em nhỏ trong truyện sẽ chẳng có gì đáng bận tâm vì nó nhạt nhẽo và vô vị nhưng kỳ thật thắc mắc đáng yêu của thằng Còn và đặc biệt là lời ứng đáp hồn nhiên mà có lý của thằng Hải cũng rất đáng để chúng ta suy nghĩ. Thật không dễ có chuyện người nào đó có thể đẻ đến ba mươi tám đứa con mà chỉ là toàn là con gái nhưng cũng hoàn toàn có khả năng xảy ra khi Po Nagar là một nữ thần. Tranh biện của hai đứa trẻ dường như đã làm cho người lớn gạt bỏ hết những bộn bề cuộc sống mà thả hồn mình vào câu chuyện của các em để rồi sau giây lát ngẫm nghĩ, ta sẽ bật cười thích thú vì những suy nghĩ thơ ngây và thật thà của con trẻ.
Cũng trong tác phẩm Người khổng lồ của em tôi, giọng điệu hài hước được thể hiện ở suy nghĩ của Hân, Lam và Còn. Các cậu bé lợi dụng phép thuật của người khổng lồ để nâng cao thành tích học tập, nhưng vì không tinh
thông kiến thức hiện đại nên nhiều lần người khổng lồ đã khiến cho cả ba đứa rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Những lúc như thế cảm nhận của hai anh em thằng Hân về người khổng lồ hiện lên thật ngô nghê qua cách kể chuyện của nhà văn. Thằng Lam thì khẳng định: “lão khổng lồ cũng cóc giỏi gì cả” khi hắn không thể giúp cậu bé trả lời câu hỏi liên quan đến tàu hỏa. Còn thằng Hân thì cũng rất bực mình vì người khổng lồ đã làm cho cậu phải bẽ mặt trước cả lớp: “Sao lão này lại ngớ ngẩn đến thế không biết? Hay là hôm qua chủ nhật lão đi dự tiệc tùng say sưa ở đâu để đến nỗi hôm nay còn ngớ ngẩn vậy. Chiếc xe đạp mà không biết thì nói khôn thiêng cái gì nữa”. Rõ ràng, ẩn đằng sau suy nghĩ của các cậu bé là thái độ của tác giả về thần thánh. Không lên án, đả kích hay báng bổ thần thánh, Nguyễn Đức Linh muốn các em hiểu được thần thánh cũng không phải là thế lực toàn năng, vì thế bản thân phải hết sức cố gắng thì mới đạt được kết quả. Bằng giọng điệu tếu táo, hài hước, Nguyễn Đức Linh đã thể hiện nhẹ nhàng thói chủ quan, dựa dẫm của các em nhỏ khi cậy vào sức mạnh của thánh thần rộng hơn là vấn nạn mê tín, sùng thánh của con người trong xã hội hiện đại. Nhờ đó, tiếng cười bật lên ý nhị và hết sức thâm thúy.
Giọng điệu hài hước được thể hiện ngay trong hành động của các nhân vật. Theo đó, những hành động tinh nghịch, ngộ nghĩnh của các em nhỏ trong tác phẩm đã mang đến tiếng cười sảng khoái cho độc giả. Thằng Còn trong
Người khổng lồ của em tôi là một ví dụ. Những lúc khoái chí, nó hay rung đùi, búng tay và hát điệu Lý ngựa ô với âm thanh phát ra “hừ hự, hừ hự”. Qua cách kể chuyện hóm hỉnh của nhà văn, điệu bộ của thằng Còn hiện lên trong trí tưởng tượng của người đọc trông thật đáng yêu và buồn cười. Còn nữa, khi trổ tài vẽ vời cùng đám bạn, sự sáng tạo của thằng Còn khiến cho ai nấy cũng phải bật cười thích thú. Trong khi những đứa trẻ khác tranh thủ dùng bút thần để vẽ đồ vật, hoa lá, như thằng Hải vẽ ra một cái búa để chẻ củi, con Hường
vẽ trái chùm ruột, thằng Hân vẽ một bông hoa sứ trắng thì thằng Còn vẽ tranh tái hiện sự tích cây đa, chú Cuội. Hài hước ở chỗ, chú Cuội trong bức tranh của thằng Còn được vẽ với nhiều chi tiết thêm thắt rất buồn cười:
“Thằng Còn vẽ chậm như rùa. Cả bọn ngó bức tranh của nó mà cười bò ra. Làm gì có chuyện chú Cuội ở trần? Sao cái rốn gì mà lại tròn xoe, to bằng nắm tay vậy?
Nó ngó tụi tôi:
- Chúng mày cóc biết gì cả. Tranh dân gian Đông Hồ người ta vẽ thằng bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo, có cái rốn to bằng cái rốn này!
… Bỗng thằng Còn quay lại hỏi tụi tôi: - Chú Cuội có râu không chúng mày? Thằng Lam:
- Anh chỉ nói bậy!
- Bậy gì!... – Thằng Còn hất hàm – Đã hàng triệu năm rồi mà chú Cuội chưa có râu à?”.
Theo dõi đoạn đối thoại giữa thằng Còn và những người bạn, ta cảm nhận rõ hơn giọng điệu hài hước của nhà văn. Dường như chất giọng này chi phối và quán xuyến toàn bộ mọi lời nói và hành động của nhân vật thằng Còn trong tác phẩm. Vì thế, khi cảm nhận nhân vật thằng Còn, người đọc còn nhận thấy chất hài hước, dí dỏm của chính con người tác giả.
Là hình bóng của thằng Còn, nhân vật thằng Toàn trong Bí mật một kho báu cũng góp phần minh chứng cho giọng điệu vui tươi, hóm hỉnh ở truyện thiếu nhi Nguyễn Đức Linh. Thằng Toàn là một trong bốn đứa trẻ ở phố Lý Thánh Tôn tham gia vào đội đặc nhiệm truy bắt tướng cướp Cẩu Nẹc. Từ lúc
bắt đầu đến khi vụ án kết thúc, bản thân nó có những hành động giống như những nhà thám tử chuyên nghiệp. Nhặt được bức thư kì lạ, nó liền đưa lên mũi ngửi để truy vết dấu. Khi đến Đa Thạch tìm nơi cất giấu kho báu của Cẩu Nẹc, thằng Toàn “lò dò men theo chân gộp đá. Nó vạch cây, rẽ cỏ xem từng kẻ lá, hốc cây, nhặt từng cục đá giơ lên ngắm nghía, móc từng vốc mùn đen kít đưa lên mũi ngửi”. Đọc và tưởng tượng ra hành động của thằng Toàn, ta liền nghĩ ngay đến hình ảnh một nhà thám tử chuyên truy tìm tội phạm. Tuy vậy, cách thể hiện của nó làm cho người theo dõi câu chuyện ít cảm thấy sự kịch tính, gây cấn của vụ án mà phần nhiều tỏ ra thích thú, thoải mái. Ngoài những nhân vật trẻ em là thằng Toàn và thằng Còn, giọng điệu hài hước trong tác phẩm Nguyễn Đức Linh còn được thể hiện ở chú Chích – nhân vật trong tập truyện dài Chuyến phiêu lưu kì thú trong rừng đại ngàn. Có thể nói từ điệu bộ đến lời nói của chú Chích đều toát lên sự khôi hài hóm hỉnh. Đặc biệt, những lời nói đùa bông lơn, những bài thơ con cóc do chú tự sáng tác không chỉ xua tan đi sự mệt mỏi cho cả đoàn khảo sát mà còn tạo ra tiếng cười cho tác phẩm. Có thể nói, nét khôi hài, trẻ trung của chú Chích hay sự hồn nhiên, lém lỉnh của thằng Còn và thằng Toàn là biểu hiện cụ thể, sinh động của giọng điệu hài hước trong tác phẩm Nguyễn Đức Linh.