của tác phẩm tự sự. Từ chỉ dẫn lí luận nói trên, ở chương này, chúng tôi sẽ trình bày kết quả khảo sát về cách xây dựng cốt truyện và nhân vật của nhà văn Nguyễn Đức Linh. Khi miêu tả, chúng tôi cũng chú ý đến hiệu quả nghệ thuật mà các kiểu cốt truyện, các loại nhân vật đưa lại cho tác phẩm.
2.1. Đặc điểm cốt truyện
Cốt truyện là một vấn đề cơ bản của nghệ thuật tự sự. Do đó, các nhà lí luận đã dành nhiều quan tâm tới việc xây dựng lí thuyết về cốt truyện. Theo
Lí luận văn học: “Cốt truyện là hình thức sơ đẳng nhất của truyện. Bất cứ truyện lớn, nhỏ, cốt truyện nói chung bao gồm các thành phần chính: thắt nút, cao trào, mở nút (...). Cốt truyện thực chất là cái lõi diễn biến của truyện từ xảy ra cho đến kết thúc” [30, tr.303 – 304]. Từ điển thuật ngữ văn học cũng định nghĩa cốt truyện là “hệ thống các sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành một bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các loại tự sự và kịch” [22, tr.99]. Dựa vào các ý kiến trên, chúng tôi cho rằng, cốt truyện là yếu tố cơ bản của văn chương tự sự, bao gồm toàn bộ sự kiện xảy ra được nhà văn chủ động đưa vào tác phẩm. Việc sử dụng cốt truyện này hay cốt truyện kia là kết quả lựa chọn có tính chủ định của nhà văn. Vì thế, trong quá trình tổ chức, nhà văn cần đạt được những sáng tạo cần thiết, nhằm trình bày nội dung câu chuyện một cách hấp dẫn, lôi cuốn.