Thực trạng đời sống văn hoá ở tỉnh Ninh Bình trước năm 1998

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh ninh binh lãnh đạo xây dựng và phát triển đời sống văn hóa tu nam 1998 den nam 2010 (Trang 28 - 35)

1.1. Cơ sở của việc xây dựng đời sống văn hoá ở tỉnh Ninh Bình

1.1.3 Thực trạng đời sống văn hoá ở tỉnh Ninh Bình trước năm 1998

Ngày 30-4-1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta kết thúc thắng lợi vẻ vang, đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân tỉnh Ninh Bình tin tưởng, tự hào, phấn khởi bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bước vào giai đoạn mới, Ninh Bình - vùng đất có bề dày văn hiến, có truyền thống yêu nước, sáng tạo, có đóng góp quan trọng trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, nhưng cũng gặp phải nhiều thách thức, khó khăn. Sau chiến tranh, tỉnh cũng như các địa phương khác ở miền Bắc, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, trình độ sản xuất còn lạc hậu, hậu quả chiến tranh nặng nề, chưa thể khắc phục một sớm một chiều. Đời sống nhân dân khó khăn. Năng lực quản lý lãnh đạo của cấp ủy, của chính quyền, các đoàn thể nhân dân nhiều nơi còn non yếu, nên trong lãnh đạo, chỉ đạo, còn nhiều lúng túng. Một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện thiếu tự giác, thiếu tinh thần đoàn kết, kém ý thức tổ chức kỷ luật, cá nhân chủ nghĩa, gây ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào. Tuy nhiên, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, khẩn trương lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức từng bước ổn định và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...

Trong công tác xây dựng đời sống văn hóa, Đảng bộ tỉnh đã dành sự quan tâm sâu sắc nhằm từng bước xây dựng kiến trúc thượng tầng cơ sở cho chủ nghĩa xã hội và giáo dục tinh thần yêu lao động, yêu chủ nghĩa xã hội cho nhân dân. Trong những năm 1975 - 1998, công tác xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh đã xóa bỏ được những tàn dư lạc hậu của chế độ xã hội thực dân nửa phong kiến tồn tại trong tư tưởng và nếp sống của nhân dân, xác lập những nhân tố mới của nền văn hóa XHCN đã đạt được những thành tựu bước đầu.

Từ năm 1989 (thời kỳ còn chung tỉnh Hà Nam Ninh) Sở Văn hoá – Thông tin đã tham mưu với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo phong trào xây dựng làng văn hoá trên địa bàn toàn tỉnh. Ngày 31/8/1990 Sở Văn hoá – Thông tin đã ban hành văn bản số 260/CV-VH về việc hướng dẫn xây dựng quy ước làng văn hoá và kế hoạch 262/KH-VH về hướng dẫn xây dựng làng văn hoá.

Từ năm 1998 trở về trước, ban chỉ đạo “Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, làng xã văn hoá” tỉnh Ninh Bình đã tích cực hướng dẫn các đại phương trong tỉnh thực hiện tốt “Quy ước nếp sống văn hoá” tỉnh Ninh Bình (ban hành kèm theo Quyết định số 153/QĐ-UB ngày 10/3/1993 của UBND tỉnh); thực hiện tốt Nghị quyết của HĐND tỉnh khoá IX, kỳ họp thứ IX, ngày 06/5/1994 về “Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hoá” tỉnh Ninh Bình.

Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, đời sống văn hoá ở Ninh Bình được xây dựng dựa trên nhiều tiêu chí, nhưng cơ bản là xoay quanh các trục chính như: Xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng làng văn hoá, cơ quan, trường học, đơn vị văn hoá. Trong đó nội dung xây dựng làng văn hoá có ý nghĩa bao trùm và đóng một vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Ngay từ năm 1992 đến đầu 1993 Tỉnh uỷ Ninh Bình đã chỉ đạo sở văn hoá – thông tin kịp thời tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định số 398/QĐ ngày 26/6/1992 thành lập ban chỉ đạo phong trào xây dựng nếp sống văn hoá tỉnh (nay gọi là ban chỉ đạo cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”).

Ngày 10/3/1993 UBND tỉnh Ninh Bình ra Quyết định số 153/QĐ-UB về việc ban hành quy ước nếp sống văn hoá, nhằm đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá trong cộng đồng xã hội. Quyết định nêu rõ: “Sở Văn hoá thông tin và thể thao phải có nhiệm vụ hướng dẫn, truyền đạt rộng rãi và cùng các ngành, các đoàn thể, các tổ chức xã hội thực hiện tốt quy ước này trong toàn thể nhân dân”. Đồng thời UBND tỉnh cũng ban hành Quy ước nếp sống

văn hoá kèm theo Quyết định số 153/QĐ-UB. Quy ước bao gồm những quy định cụ thể về nếp sống văn hoá nơi công cộng; nếp sống văn hoá trong cơ quan – xí nghiệp, trường học; nếp sống văn hoá trong làng, xã, phường, thị trấn; nếp sống văn hoá trong gia đình; nếp sống văn hoá trong việc cưới; nếp sống gia đình trong việc tang.

Ngày 10/2/1994, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục ra Quyết định số 154/QĐ- UB về việc ban hành quy chế mở hội truyền thống. Quyết định bao gồm những quy định chung, quy định cụ thể về việc mở hội truyền thống. Điểm chú ý nhất là những quy định về những thủ tục mở hội và tổ chức lễ hội đối với hội làng và hội vùng.

Tại kỳ họp thứ IX ngày 06/5/1994, HĐND tỉnh khoá IX đã ra nghị quyết về việc “Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hoá”. Trên cơ sở thực trạng tình hình hoạt động văn hoá của tỉnh, HĐND tỉnh quyết định: “Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động nếp sống văn hoá tỉnh Ninh Bình”. Nghị quyết nhấn mạnh vào việc xây dựng nếp sống, lối sống, đạo đức XHCN là nhiệm vụ rất quan trọng và là nhiệm vụ của tất cả các ngành, các cấp, là trách nhiệm của mọi người phải tham gia thực hiện.

Với vai trò tiên phong trong việc thực hiện xây dựng nếp sống văn hoá, ngày 31/5/1996, Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Ninh Bình đã mở hội nghị gồm các đồng chí trưởng phòng văn – thể các huyện thị, các chuyên viên có kinh nghiệm về xây dựng đời sống văn hoá, gia đình văn hoá, làng xã văn hoá trong ngành. Hội nghị đã thảo luận hết sức sâu sắc những vấn đề liên quan đến việc xây dựng đời sống văn hoá. Những kết luận chủ yếu của hội nghị này được trình bày trong Thông báo số 140/TB-VH.

Ngày 06/6/1996, UBND tỉnh Ninh Bình và Sở Văn hoá - Thông tin ra thông báo số 140/TB-VH về việc đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hoá, gia đình văn hoá, làng văn hoá của tỉnh Ninh Bình. Thông báo chỉ rõ: “Việc xây dựng nếp sống văn hoá, gia đình văn hoá, làng xã văn hoá là việc làm thường

xuyên, liên tục của nhiều ngành, nhiều cấp dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng và chính quyền mà ngành văn hoá thông tin là cơ quan tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền”.

Ngay sau Hội nghị, các huyện thị đã khẩn trương tổ chức triển khai ở đơn vị mình. Đặc biệt ở huyện Yên Khánh và thị xã Ninh Bình đã chỉ đạo kịp thời, sâu sát và có biện pháp tuyên truyền cổ động quần chúng nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các đoàn thể quần chúng. Bên cạnh đó việc kiện toàn và củng cố Ban chỉ đạo xây dựng nếp sống ở các xã, phường do chủ tịch UBND xã, phường làm trưởng ban được tiến hành khẩn trương.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng làng xã văn hoá của tỉnh Ninh Bình thêm một bước, dựa trên một số văn bản hướng dẫn về công tác xây dựng làng văn hoá của cục Văn hoá - Thông tin (Bộ Văn hoá - Thông tin), UBND và Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh đã ra văn bản hướng dẫn công tác xây dựng làng, xã văn hoá, xây dựng gia đình văn hoá (ngày 20/6/1996). Đồng thời văn bản hướng dẫn còn nêu ra những quy định về tiêu chuẩn cộng nhận làng, thôn, xã, gia đình văn hoá.

Dưới sự lãnh đạo của tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh, các cấp các ngành, đời sống văn hoá của tỉnh Ninh Bình kể từ khi tái lập tỉnh đã đạt được những thành tựu đáng kể. Phong trào xây dựng nếp sống văn hoá, gia đình văn hoá, làng xã văn hoá đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội ngày càng phát triển ổn định, an ninh chính trị được đảm bảo. Những địa phương điển hình trong công tác xây dựng đời sống văn hoá ở tỉnh Ninh Bình ngày một nhiều như thị xã Ninh Bình (nay là thành phố Ninh Bình), thị xã Tam Điệp, xã Quảng Lạc, xã Yên Quang, xã Thạch Bình (Nho Quan), xã Liên Sơn (Gia Viễn), xã Trường Yên, xã Ninh Phong (Hoa Lư), xã Khánh Thịnh, xã Yên Phong, xã Yên Từ (Yên Mô), xã Ân Hoà, xã Định Hoá (Kim Sơn).

Công tác xoá đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi ở tất cả các địa phương, làng, xã. Năm 1998 tỷ lệ hộ đói nghèo

giảm từ 20,3% xuống còn 17%, hộ khá giàu cũng vì thế mà tăng lên rõ rệt, từ 12,3% năm 1992 lên 22%, thu nhập lương thực bình quân trên đầu người tăng lên từ 263kg năm 1991 lên 450kg. [24, tr. 19]

Trên cơ sở đời sống kinh tế từng bước ổn định và phát triển, đời sống văn hoá xã hội cũng ngày càng được nâng lên rõ rệt. Nhân dân có điều kiện xây dựng nhà cửa, mua sắm tiện nghi trong gia đình, điện sinh hoạt đã đến hầu hết các xã trong tỉnh, hệ thống phát thanh truyền hình được xây dựng và phục hồi cơ bản ở các đại phương, hệ thống bưu điện văn hoá xã đã phát triển rộng khắp trên đại bàn toàn tỉnh. Công tác xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, làng xã văn hoá đều được các cấp uỷ Đảng chính quyền và nhân dân quan tâm và thu được những thành tựu nhất định.

Năm 1998 Sở Văn hoá - Thông tin đã có sáng kiến tổ chức “Hội thi nét đẹp trong đám cưới” có tác dụng tuyên truyền và phát triển thành phong trào rộng khắp. Đại bộ phận các đám cưới đã được tổ chức theo nếp sống mới song vẫn đảm bảo được tính trang trọng, vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm.

Việc tang lễ đều được các tổ chức Đảng và chính quyền, các đoàn thể và mọi người quan tâm. Ở tất cả các địa phương trong tỉnh nơi nào cũng thành lập Ban tang lễ với đầy đủ các thành phần Đảng, chính quyền, đoàn thể, mặt trận và gia đình tang chủ để tiến hành tổ chức tang lễ với những nghi thức phù hợp với phong tục tập quán ở địa phương.

Về lễ hội, nhìn chung các Hội làng, Hội vùng ở Ninh Bình được thực hiện theo đúng quy chế lễ hội truyền thống của Bộ Văn hoá - Thông tin và UBND tỉnh, đảm bảo tính vui tươi lành mạnh, an toàn và tiết kiệm, hạn chế đến mức thấp nhất việc xảy ra các biểu hiện vi phạm pháp luật và mê tín dị đoan.

Đối với việc xây dựng gia đình văn hoá, từ năm 1992 đến 1998 phong trào xây dựng gia đình văn hoá ở các đại phương trong tỉnh đã phát triển khá mạnh. Kết quả tính đến tháng 6 năm 1996 toàn tỉnh có 8.986 gia đình văn hoá, năm 1997

có 27.436 gia đình văn hoá và cuối năm 1998 có 138.644 gia đình văn hoá (đạt gần 50% tổng số hộ trong tỉnh). [24, tr. 24]

Mặt khác phong trào xây dựng làng văn hoá nhanh chóng lan rộng khắp tỉnh. Cuối năm 1998 toàn tỉnh có tới 75% các làng, phố, xã, phường xây dựng được hương ước, quy ước văn hoá trên cơ sở thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Năm 1998, UBND tỉnh đã công nhận 16 làng văn hoá cấp tỉnh, 36 đơn vị được công nhận là cơ quan, trường học văn hoá. [24, tr. 29]

Trong những năm 1975 - 1998, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Ninh Bình, công tác xây dựng đời sống văn hóa đã đạt được những thành tựu quan trọng bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế: Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, GĐVH phát triển chưa thật vững chắc. Việc xây dựng làng, khu phố văn hóa còn chậm, chưa tương xứng với những điều kiện và tiềm năng của tỉnh. Các hoạt động VHTT và TDTT chưa thường xuyên, hiệu quả xã hội còn hạn chế. Vì vậy, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân thị xã còn thấp, nghèo nàn. Các thiết chế hoạt động VHTT và TDTT ở nhiều nơi bị xuống cấp đến mức nghiêm trọng. Nhiều cơ sở vật chất hoạt động VHTT hiện chưa được khai thác và phát huy tốt, chưa đi đúng vào quỹ đạo của một thiết chế VHTT. Các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, truyền thống còn diễn ra tự nhiên, tự phát, chưa có sự hướng dẫn, nghiên cứu và nâng cao. Các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, tang, xây cất mồ mả, giỗ tết chưa được ngăn chặn.

Những hạn chế nói trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, ở nhiều nơi các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành đoàn thể chưa có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác xây dựng đời sống văn hóa, nên chưa quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ và đầu tư kinh phí cho các hoạt động văn hóa .

Trong nhận thức và tổ chức chỉ đạo thực hiện còn có sự tách rời công tác xây dựng đời sống văn hóa với việc thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế - chính trị -

xã hội, chưa thực sự coi văn hóa là động lực trực tiếp thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Nhu cầu đầu tư kinh phí cho các hoạt động văn hóa thì cao và lại đòi hỏi có kế hoạch, thường xuyên. Trong khi đó, ngân sách xã, phường rất eo hẹp, ngân sách của trung ương, tỉnh và hỗ trợ lại hết sức hạn chế. Việc huy động các tổ chức, đoàn thể nhân dân tham gia đóng góp kinh phí để xây dựng đời sống văn hóa còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là việc xây dựng các thiết chế văn hóa mới. Vì vậy, không đảm bảo những điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí hoạt động thường xuyên cho các hoạt động văn hóa.

Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa của tỉnh còn rất thiếu, chưa được đào tạo, tập huấn hệ thống chuyên môn, nghiệp vụ, lại thường xuyên bị xáo trộn, thay đổi, chưa yên tâm công tác, do một phần không đảm bảo chế độ.

Do điều kiện lao động và sinh hoạt của đại bộ phận nhân dân, đặc biệt là các xã vùng nông thôn còn rất khó khăn, nên nhu cầu thưởng thức, hưởng thụ và tham gia các hoạt động VHTT và TDTT còn nhiều hạn chế.

Các mô hình tổ chức và hoạt động văn hóa chưa được thực tiễn khẳng định. Nhiều mô hình, phương thức hoạt động văn hóa chưa khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh, chưa phù hợp với đặc điểm tình hình của nhiều nơi, dẫn đến bị tan vỡ, tạo nên sự khủng hoảng về phương pháp, nội dung tiến hành xây dựng đời sống văn hóa ở tỉnh.

Mặc dù còn có những hạn chế nhất định trong việc thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, làng xã văn hoá, nhưng những kết quả mà tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong xây dựng đời sống văn hoá có tác dụng rất lớn. Kết quả đó đã góp phần đắc lực vào cuộc đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, đồng thời phát huy và giữ gìn được thuần phong mỹ tục của con người Ninh Bình, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một phát triển.

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh ninh binh lãnh đạo xây dựng và phát triển đời sống văn hóa tu nam 1998 den nam 2010 (Trang 28 - 35)