Chất lượng thông tin kế toán (CLTTKT)

Một phần của tài liệu Đo lường các nhân tố bên trong công ty ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính của các công ty niêm yết ở việt nam (Trang 25 - 28)

Thông tin kế toán được trình bày chủ yếu trên hệ thống BCTC, do đó CLTTKT sẽ tạo ra chất lượng BCTC nhằm giải thích tình hình tài chính của doanh nghiệp cho các đối tượng sử dụng thông tin theo nhiều mục đích khác nhau. CLTTKT phụ thuộc vào đặc tính chất lượng và được quy định theo chuẩn mực kế toán. Ở đây sẽ lần lượt đề cập đến từng quan điểm và sẽ tổng hợp các đặc tính chất lượng phù hợp để thực hiện nghiên cứu.

2.2.2.1. Theo khuôn mẫu lý thuyết của FASB

Theo FASB, chất lượng của thông tin trên BCTC được chia làm hai nhóm, gồm: nhóm các đặc tính cơ bản là thích hợp và đáng tin cậy và nhóm đặc tính thứ yếu là nhất quán và có thể so sánh được. Ngoài ra thì FASB cũng đưa ra các hạn chế của việc thực hiện các đặc điểm của chất lượng thông tin như là quan hệ chi phí -lợi ích, trọng yếu, thận trọng.

Thích hợp: Thông tin kế toán là thích hợp khi nó có khả năng thay đổi quyết định của người sử dụng. Để đảm bảo tính thích hợp, thông tin phải:

+ Có giá trị dự đoán và giá trị đánh giá: Thông tin làm thay đổi quyết định

thông qua việc giúp người quyết định dự đoán hay đánh giá hoặc thay đổi những dự đoán trước đó. Các TTKT sẽ làm giảm tính không chắc chắn trong các quyết định của người sử dụng.

+ Kịp thời: Thông tin kịp thời đáp ứng cho việc quyết định, kịp thời là một

khía cạnh hỗ trợ cho tính thích hợp. Chỉ kịp thời thì không thể làm cho thông tin thích hợp, nhưng nếu thiếu kịp thời có thể làm mất tính thích hợp.

Đáng tin cậy: TTKT đáng tin cậy trong phạm vi nó có thể kiểm chứng, khi được trình bày trung thực và không có sai sót hoặc thiên lệch. Thông tin đáng tin cậy khi:

+ Trình bày trung thực: Nghĩa là TTKT phù hợp với nghiệp vụ, sự kiện

muốn trình bày. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể của doanh nghiệp mà TTKT có thể phù hợp và không phù hợp với các đối tượng khác nhau. Cần chú ý trình bày trung thực không có nghĩa là chính xác. Trình bày trung thực cần phải tránh thiên lệch. Thiên lệch trong đo lường kế toán là xu hướng làm cho số liệu luôn quá cao hoặc quá thấp so với thực tế, thiên lệch có thể do sai sót hay gian lận trong các bước thực hiện.

+ Có thể kiểm chứng: Cần thiết để đảm bảo sự trình bày trung thực của thông

tin. Có thể kiểm chứng là khả năng thông qua sự đồng thuận giữa những người đánh giá (đủ năng lực và độc lập) để đảm bảo thông tin phù hợp với nghiệp vụ, sự kiện muốn trình bày hoặc phương pháp đánh giá được chọn không có sai sót hoặc thiên lệch. Tuy nhiên cần chú ý rằng kiểm chứng chủ yếu phát hiện được các thiên lệch do người đo lường hơn do phương pháp đo lường. Trong trường hợp này kiểm chứng chỉ có khả năng phát hiện các sai lệch do người đo lường gây ra.

+ Trung lập: Nghĩa là các thông tin báo cáo không bị thiên lệch nhằm đạt

đến một kết quả định trước hay không chịu ảnh hưởng của một thái độ cá biệt. Yêu cầu trung lập quan trọng với các nhà lập quy hơn là những người thực hiện, tuy nhiên cả hai đều phải quan tâm đến vấn đề này.

Khả năng so sánh được: So sánh được là yêu cầu thông tin giúp người sử dụng có thể nhận thấy sự khác biệt và tương tự giữa hai hiện tượng kinh tế. Các hiện tượng giống nhau phải được phản ánh giống nhau và các hiện tượng khác nhau sẽ được phản ánh khác nhau.

Nhất quán: Đòi hỏi sự thống nhất giữa các kỳ báo cáo thông qua việc không thay đổi thủ tục và chính sách kế toán. Khi cần áp dụng phương pháp kế toán mới, để đảm bảo khả năng so sánh được thì thông tin cần có thêm phần thuyết minh giải trình thích hợp.

Hạn chế: Các đặc điểm chất lượng không phải lúc nào cũng có thể thực hiện một cách đầy đủ. FASB đưa ra các hạn chế, bao gồm:

Quan hệ chi phí - lợi ích: Lợi ích có được từ việc sử dụng thông tin cần được xem xét trong mối quan hệ với chi phí để cung cấp thông tin đó. Quan hệ lợi ích và chi phí là giới hạn có ảnh hưởng rộng tới chất lượng thông tin.

Trọng yếu: Là tầm quan trọng của việc bỏ sót hay trình bày sai thông tin mà trong một hoàn cảnh nhất định nào đó, sự sai sót này ảnh hưởng tới việc xét đoán làm thay đổi quyết định của người sử dụng thông tin đó.

Thận trọng: Là phản ứng thận trọng với các tình huống chưa rõ ràng để đảm bảo các tình huống chưa rõ ràng và các rủi ro tiềm tàng được xem xét một cách đầy đủ.

2.2.2.2. Theo khuôn mẫu lý thuyết của IASB

Theo IASB, các đặc tính chất lượng của thông tin trên BCTC gồm: có thể hiểu được; thích hợp; đáng tin cậy và có thể so sánh được. IASB cũng đưa ra các hạn chế của chất lượng thông tin là cân đối giữa lợi ích – chi phí; sự kịp thời và sự cân đối giữa các đặc điểm chất lượng.

Có thể hiểu được: Người sử dụng phải hiểu được BCTC thì thông tin mới hữu ích. Người sử dụng BCTC được giả định là có một kiến thức nhất định về kinh tế, kế toán và có thiện chí, nỗ lực để đọc BCTC. Tuy nhiên thông tin là một vấn đề phức tạp nhưng cần thiết cho việc ra quyết định thì không được loại trừ ra khỏi BCTC dù nó khó hiểu đối với một số đối tượng sử dụng.

Thích hợp: Thông tin được coi là thích hợp khi nó giúp người đọc đánh giá quá khứ, hiện tại, tương lai hoặc xác nhận hay điều chỉnh các đánh giá trước đây. Tính thích hợp chịu ảnh hưởng của nội dung và tính trọng yếu thông tin.

Đáng tin cậy: Nghĩa là không có sai sót hay thiên lệch một cách trọng yếu, đồng thời phản ánh trung thực vấn đề cần phải trình bày. Đáng tin cậy bao gồm các yêu cầu: trình bày trung thực, nội dung quan trọng hơn hình thức, không thiên lệch,

thận trọng và đầy đủ.

Có thể so sánh: BCTC chỉ hữu ích khi có thể so sánh với năm trước, với doanh nghiệp khác. Do đó, các nghiệp vụ giống nhau phải được đánh giá và trình bày một cách nhất quán trong toàn doanh nghiệp, giữa các thời kỳ và giữa các doanh nghiệp. Việc thuyết minh là cần thiết để đảm bảo tính so sánh được. Tuy nhiên, nhất quán không có nghĩa là doanh nghiệp không thay đổi chính sách kế toán khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của chuẩn mực.

Hạn chế: Thông tin nếu báo cáo chậm trễ sẽ mất đi tính thích hợp, ngược lại việc cung cấp thông tin đáng tin cậy lại đòi hỏi phải có thời gian. Vì vậy, cần phải cân đối giữa yêu cầu kịp thời và tính đáng tin cậy của thông tin. Ngoài ra IASB còn đề cập đến việc cân đối giữa lợi ích và chi phí, cân đối giữa các đặc điểm chất lượng.

Một phần của tài liệu Đo lường các nhân tố bên trong công ty ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính của các công ty niêm yết ở việt nam (Trang 25 - 28)