Một trong những công trình nghiên cứu đầu tiên về lý thuyết chi phí đại diện là Berle và Means (1932), Jensen và Meckling (1976). Jensen và Meckling (1976) định nghĩa: “Lý thuyết chi phí đại diện tập trung vào mối quan hệ tương tự như một hợp đồng theo đó người chủ (NĐT, chủ sở hữu) thuê người thừa hành (nhà quản lý). Người thừa hành sẽ đại diện người chủ thực hiện một số nhiệm vụ và được phép ra những quyết định có liên quan”.
Tuy nhiên, không phải lúc nào người thừa hành cũng hành động vì lợi ích của chủ sở hữu, thậm chí họ còn làm phương hại đến lợi ích của chủ sở hữu. Chính vì thế mà người chủ sở hữu phải tốn chi phí giám sát người thừa hành, và người thừa hành cũng chịu những chi phí ràng buộc. Tổng chi phí giám sát, chi phí ràng buộc được gọi là chi phí đại diện. Chi phí này xuất phát từ xung đột lợi ích giữa người chủ và người thừa hành. Một dạng chi phí đại diện khác là chi phí vốn cổ phần, xảy ra khi các cổ đông không đủ thời gian, chuyên môn, kinh nghiệm để giám sát (bị mất quyền kiểm soát) đối với các nhà quản lý; nhà quản lý này sẽ tự do sử dụng đồng vốn của các cổ đông vì mục đích tư lợi cho bản thân và cũng có thể gây phương hại cho cổ đông.
Vậy theo Jensen và Meckling (1976) chi phí đại diện gồm: + Chi phí giám sát
+ Chi phí ràng buộc + Chi phí khác
Có nhiều cơ chế để kiểm soát chi phí đại diện, đó là bên chủ sở hữu sẽ chủ động khuyến khích bằng vật chất và phi vật chất cho người thừa hành để tạo động lực cho người thừa hành vì mục tiêu chung của DN, công bố nhiều thông tin tự nguyện hơn. Bằng việc trả lương và thưởng theo hiệu quả công việc, theo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bằng các hình thức như: thưởng bằng cổ phiếu, giáo dục ý thức tự trọng nghề nghiệp, các danh hiệu thi đua, cơ hội thăng
tiến. Thiết kế hệ thống kiểm tra giám sát trong nội bộ DN hiệu quả hơn, hệ thống giải trình và giám sát nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn. Cải thiện hiệu quả trong giám sát ban giám đốc nhằm mục đích tăng công bố thông tin tự nguyện của DN.
Chi phí đại diện sẽ giảm khi DN công bố thông tin nhiều hơn và CLTTKT ngày càng nâng cao sẽ làm giảm bất cân xứng thông tin giữa chủ sở hữu và người quản lý. Liên quan đến chi phí đại diện thì những nhân tố liên quan đến cấu trúc HĐQT: Quy mô HĐQT; Tính kiêm nhiệm chủ tịch và tổng giám đốc; Số lượng thành viên HĐQT độc lập…sẽ ảnh hưởng lớn đến CLTTKT trên BCTC. Bên cạnh đó theo nghiên cứu của Zhang & Li (2008) nghiên cứu các công ty niêm yết ở Anh, đã chỉ ra rằng DN sử dụng đòn bẩy tài chính có mối quan hệ nghịch biến với chi phí đại diện. Khi DNNY có chi phí đại diện càng cao sẽ làm cho CLTTKT thấp do hiện tượng bất cân xứng thông tin làm cho các thông tin được DNNY công bố ra không còn đáng tin cậy nữa, do nhà quản lý vì lợi ích của mình có thể điều khiển thông tin DN theo lợi ích cá nhân. Vậy, dựa vào lý thuyết này, luận văn sẽ nghiên cứu các nhân tố: Cấu trúc HĐQT, đòn bẩy tài chính là nhân tố tác động đến chất lượng BCTC.