Nói đến khả năng thanh toán hiện hành của công ty chính là nói đến tính thanh khoản. Tính thanh khoản là xem xét khả năng đáp ứng khoản nợ trong ngắn hạn của công ty. Tính thanh khoản có liên quan đến người sử dụng thông tin kế toán và CLTTKT. Theo lý thuyết tín hiệu, DN có khả năng thanh toán càng cao sẽ CBTT càng nhiều nhằm nâng cao uy tín của DN, và nhằm thu hút vốn đầu tư.
Nandi & Ghosh (2012) đã nghiên cứu 60 công ty niêm yết ở Ấn Độ thì cho rằng tính thanh khoản có mối quan hệ tích cực với mức độ CBTT. Còn Khale Aljfri (2014) thì cho rằng những công ty có tính thanh khoản cao thì mức độ CBTT càng nhiều, ông đo lường tính thanh khoản bằng tỷ số tài sản hiện hành trên nợ hiện hành.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Chương 2 tác giả đã trình bày một số khái niệm cơ bản như khái niệm về BCTC, đặc điểm chất lượng BCTC; các lý thuyết liên quan như lý thuyết chi phí đại diện, lý thuyết tín hiệu, lý thuyết chi phí sở hữu, lý thuyết thông tin bất cân xứng đã cho người đọc thấy được những đặc điểm CLTTKT theo từng quan điểm, cũng như thấy được cơ sở lý thuyết nền về CLTTKT. Đồng thời tác giả cũng xác định được các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng BCTC là: Quy mô công ty, Độ tuổi công ty, Tỷ lệ vốn nước ngoài, Kết cấu vốn nhà nước, Sự tách biệt chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc, Tỷ lệ thành viên độc lập, Tuổi của CEO, Tỷ lệ nữ giới trong ban điều hành, Khả năng sinh lời, Đòn bẩy tài chính, Khả năng thanh toán hiện hành. Nội dung tiếp theo tác giả sẽ đi kiểm định các nhân tố này, để xem nhân tố nào tác động, nhân tố nào không tác động đến chất lượng BCTC và nếu có tác động thì tác động theo chiều thuận hay nghịch.
CHƯƠNG 3: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1. Quy trình nghiên cứu
Đề tài sử dụng phương pháp định lượng để kiểm định các nhân tố tác động đến chất lượng thông tin kế toán được trình bày trên BCTC, bao gồm các bước sau:
Sơ đồ 3.1: Quy trình nghiên cứu
CƠ SỞ LÝ THUYẾT
Các công trình nghiên cứu trước và các lý thuyết liên quan
MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU Cách thức đo lường các biến Mô tả cách lấy mẫu và cách xử lý dữ liệu
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU Thống kê mô tả Phân tích tương quan Phân tích hồi quy đa biến Kiểm định các giả thuyết nghiên cứu
VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
Các nhân tố bên trong ảnh hưởng đến chất lượng TTKT được trình bày BCTC của các công ty niêm yết ở Việt Nam
3.2. Giả thuyết nghiên cứu
Dựa vào nội dung phân tích ở chương 2, tác giả đưa ra các giả thuyết cần kiểm định cho đề tài nghiên cứu như sau:
H1: Quy mô công ty càng lớn thì chất lượng thông tin kế toán trên BCTC càng cao.
H2: Có sự tác động tích cực giữa tuổi của công ty và chất lượng TTKT trình bày trên BCTC.
H3: Tỷ lệ vốn nước ngoài có mối quan hệ cùng chiều với chất lượng TTKT.
H4: Các công ty có vốn Nhà nước càng lớn thì chất lượng thông tin càng giảm.
H5: Ở công ty có sự tách biệt chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc thì chất lượng thông tin kế toán cao hơn ở công ty có sự kiêm nhiệm.
H6: Tỷ lệ thành viên độc lập trong HĐQT có mối quan hệ cùng chiều với chất lượng TTKT trên BCTC.
H7: Tuổi của CEO có tác động ngược chiều với chất lượng TTKT trên BCTC.
H8: Có sự tác động tích cực của tỷ lệ nữ giới trong ban điều hành đến CLTTKT.
H9: Các công ty có tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu cao sẽ công bố thông tin chất lượng hơn.
H10: Đòn bẩy tài chính có tác động thuận chiều đến chất lượng TTKT.
H11: Công ty niêm yết ở Việt Nam với tính thanh khoản cao sẽ công bố thông tin chất lượng hơn.