Vòng quay vốn tín dụng

Một phần của tài liệu phân tích rủi ro tín dụng tại agribank chi nhánh huyện tháp mười tỉnh đồng tháp (Trang 61 - 65)

Vòng quay vốn tín dụng đo lường tốc độ luân chuyển vốn tín dụng, thời gian thu hồi nợ nhanh hay chậm của một ngân hàng. Đối với ngân hàng, ta thấy chỉ tiêu này có sự tăng giảm qua 3 năm, cao nhất vào năm 2011 với 1,66 vòng. Năm 2011, vòng quay vốn tín dụng tăng là do được sự hỗ trợ lãi suất của NHNN nên các doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được các món vay. Mặc khác, ngân hàng chủ yếu cho vay sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi các khoản vay ngắn hạn nên khả năng thu hồi vốn nhanh. Bên cạnh, việc sản xuất kinh doanh của người dân có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nên khả năng trả nợ của họ được đảm bảo. Đến năm 2012, vòng quay vốn tín dụng giảm xuống còn 1,61 vòng. Năm 2012, dư nợ tăng 24,59% cao nhất trong 3 năm, nguyên nhân là do nền kinh tế của huyện ngày càng ổn định, các doanh nghiệp cần nhiều vốn để mở rộng việc sản xuất kinh doanh nên dư nợ tăng cao, đặc biệt là các món vay trung và dài hạn, đó cũng chính là nguyên nhân làm giảm vòng quay vốn tín dụng.

Sáu tháng đầu năm 2013, vòng quay vốn tín dụng tăng nhẹ là 1,16 vòng. Ngân hàng cần phải có những biện pháp cụ thể để tăng vòng quay vốn tín dụng. Đặc biệt là các món vay tín dụng trung và dài hạn để ngân hàng có thể linh hoạt hơn trong việc cho vay, tạo ra hiệu quả tín dụng cao hơn.

Nhìn chung, vòng quay vốn tín dụng của ngân hàng là khá cao vì ngân hàng cho vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao nên khả năng thu hồi vốn nhanh.

Tuy nhiên, ngân hàng cần phát huy hơn nữa trong thời gian tới. Ngân hàng cần có những biện pháp đẩy mạnh hơn nữa công tác thu hồi nợ, đặc biệt là các món vay trung và dài hạn để nâng cao vòng quay vốn tín dụng.

4.4.3. Dư nợ/Vốn huy động

Chỉ tiêu này cho thấy hiệu quả sử dụng vốn huy động của ngân hàng. Con số này lớn quá hay nhỏ quá đều không tốt. Nếu chỉ tiêu này lớn thì khả năng huy động vốn của ngân hàng thấp, ngược lại nếu chỉ tiêu này quá nhỏ thì ngân hàng sử dụng vốn huy động không hiệu quả. Qua bảng số liệu ta thấy tỉ lệ dư nợ trên tổng vốn huy động tăng qua 3 năm, cao nhất vào năm 2012 đạt 2,17 lần. Cụ thể, năm 2012 bình quân cứ 2,17 đồng dư nợ thì mới có 1 đồng vốn huy động tham gia. Điều này chứng tỏ trong thời gian qua nguồn vốn huy động tuy đã có sự tăng trưởng qua các năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của khách hàng. Vấn đề đặt ra là ngân hàng phải hết sức cố gắng hơn nữa trong công tác huy động vốn để vừa có thể nâng cao lợi nhuận, vừa chủ động được nguồn cung tín dụng, tránh sự lệ thuộc vào nguồn vốn điều chuyển.

Sáu tháng đầu năm 2013, dư nợ trên vốn huy động giảm còn 1,93 lần. Điều này cho thấy, khả năng huy động vốn của ngân hàng càng tăng, ngân hàng sử dụng vốn huy động vào cho vay ngày càng nhiều. Đây là một dấu hiệu tốt cho ngân hàng.

Nhìn chung, vốn huy động của ngân hàng trong thời gian qua còn thấp so với nhu cầu vốn của người dân trong vùng, ngân hàng vẫn còn sử dụng nhiều đến nguồn vốn điều chuyển từ tỉnh nên chi phí khá cao làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng. Chính vì thế, vấn đề đặt ra là ngân hàng phải tăng cường công tác huy động vốn từ phía khách hàng, hạn chế tối đa việc sử dụng nguồn vốn điều chuyển.

4.4.4. Hệ số thu nợ

Hệ số thu nợ phản ánh hiệu quả thu hồi nợ của ngân hàng cũng như khả năng trả nợ vay của khách hàng. Vì vậy, hệ số này càng lớn chứng tỏ khả năng thu hồi nợ càng tốt. Trong 3 năm qua, hệ số thu nợ của ngân hàng giảm lần lượt là 95,8%, 92,83%, 88,02%. Điều này cho thấy tình hình thu hồi nợ của ngân hàng giảm.

Sáu tháng đầu năm 2013, hệ số thu nợ đã tăng trở lại đạt 97,46%. Trong đó, hệ số thu nợ trung và dài hạn tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do những tháng đầu năm 2013, tình hình thu nợ của ngân hàng rất khả quan. Nền kinh tế của huyện ngày càng ổn định, người dân sau khi thu

hoạch vụ mùa đã đến ngân hàng hoàn trả các món vay, đặc biệt hoạt động của các doanh nghiệp đi vào ổn định có lợi nhuận nên cũng thoải mái trong việc trả nợ cho ngân hàng nên việc thu hồi các món vay trung và dài hạn khá tốt. Bên cạnh đó, công tác quản lý các món vay trước và sau khi vay được thực hiện khá tốt.

Tóm lại, hệ số thu nợ của ngân hàng khá tốt nhưng lại giảm qua từng năm. Cho thấy công tác thu hồi nợ của ngân hàng vẫn còn gặp không ít những khó khăn, đặc biệt các món vay trung và dài hạn. Vì thế, ngân hàng cần chú trọng việc thu hồi các khoản nợ khi tới hạn nâng cao hệ số thu hồi nợ nhằm giúp cho vốn của ngân hàng được luân chuyển liên tục và đảm bảo an toàn.

4.4.5. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng

Như bảng số liệu, ta thấy dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng tăng qua 3 năm. Khoản trích lập dự phòng của NHNo&PTNT chi nhánh huyện Tháp Mười năm 2011 là 7.156 triệu đồng, tăng 51,16% so với năm 2010 do nợ quá hạn cũng như nợ xấu của chi nhánh tăng cao lên, nên việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng cao nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động của ngân hàng. Đến năm 2012, nợ xấu của ngân hàng tăng nhưng tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng giảm là do ngân hàng đã lên kế hoạch kiểm soát chặt hơn chất lượng tín dụng, đẩy mạnh việc thu hồi nợ quá hạn, từng bước hạ dần và khống chế tỷ lệ nợ xấu ở mức hợp lý để không làm gia tăng khoản trích lập dự phòng rủi ro mới có thể đảm bảo được lợi nhuận đề ra.

Sáu tháng đầu năm 2013, tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng giảm còn 1,07%. Con số này có nghĩa là cứ 100 dư nợ cho vay thì có 1,07 đồng dự phòng để đảm bảo cho các khoản vay này. Ngân hàng ngày càng quan tâm hơn đến việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, làm sao để tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng ở mức an toàn, đảm bảo hạn chế rủi ro tín dụng và chịu mức chi phí thấp tạo lợi nhuận cho ngân hàng.

4.4.6. Khả năng bù đắp rủi ro tín dụng

Tỷ lệ này cho thấy khả năng bù đắp của ngân hàng khi gặp rủi ro nợ xấu tăng. Trong hoạt động tín dụng, ngân hàng huyện đặt mục tiêu đạt tỷ lệ sinh lời trên vốn đã điều chỉnh theo rủi ro trong khi vẫn đảm bảo rằng rủi ro tín dụng nằm trong giới hạn cho phép. Hệ số này cao chứng tỏ ngân hàng có khả năng bù đắp khi có rủi ro xảy ra nhưng nếu trích lập tỷ lệ này quá cao thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn của ngân hàng, chứng tỏ ngân hàng hoạt động không hiệu quả nên mới trích dự phòng cao nhằm bù đắp rủi ro tín dụng. Qua 3 năm, khả năng bù đắp rủi ro tín dụng của ngân hàng đều tăng lần lượt là: 94,21%, 97,66%, 98,27%. Điều này cho thấy khả năng bù đắp rủi ro còn thấp.

Khi rủi ro xảy ra, ngân hàng không có khả năng bù đắp hoàn toàn khoản thiếu hụt. Hệ số này tăng qua các năm cho thấy ngân hàng đã tiến hành xây dựng và từng bước đưa vào áp dụng sổ tay tín dụng, cụ thể hóa các chính sách, quy trình và thủ tục nhằm xác định và đo lường chính xác rủi ro tín dụng và xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm quản lý tốt hơn các rủi ro phát sinh từ hoạt động tín dụng. Từ đó, ngân hàng đưa ra quỹ dự phòng tín dụng hợp lý cho những khoản nợ xấu của ngân hàng để hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất, giúp ngân hàng yên tâm hơn trong hoạt động tín dụng, trong công tác đi vay và cho vay.

Đến sáu tháng đầu năm 2013, khả năng bù đắp rủi ro tín dụng là 108,96%, có nghĩa là cứ 100 đồng nợ xấu thì có 108,96 đồng dự phòng rủi ro bù đắp. Hệ số này tăng là do ngân hàng đã có những tính toán phù hợp hơn nhằm hạn chế những tổn thất khi rủi ro xảy ra.

4.4.7. Tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn

Tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng tăng vào năm 2011 với 0,36% cao nhất trong 3 năm. Cụ thể, tỷ lệ này cho biết trong năm 2011 cứ 100 đồng dư nợ thì có 0,36 đồng vốn có khả năng không thể thu hồi được. Năm 2011, tỷ lệ tăng cao là do các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ dẫn đến phá sản không có khả năng trả nợ cho ngân hàng. Chính vì thế, ngân hàng cần kiểm soát con số này ở mức thấp nhất có thể, cần kiểm soát và hạn chế nợ nhóm 5.

Sáu tháng đầu năm 2013, tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn, giảm so với cùng kì năm 2012, con số này là 0,23%, theo đuổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng, nhưng phải đảm bảo chất lượng tín dụng cao, là mục tiêu hàng đầu của các ngân hàng trong thời gian gần đây, việc giảm thiểu hệ số này, giúp ngân hàng tăng khả năng quản lý rủi ro và hạn chế chi phí trích lập dự phòng, tăng lợi nhuận cho ngân hàng.

4.4.8. Khả năng bù đắp nợ có khả năng mất vốn

Khả năng bù đắp nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng khá cao, cao nhất là năm 2012 là 410,88%. Điều này cho thấy cứ 100 đồng nợ có khả năng mất vốn thì có 410,88 đồng dự phòng rủi ro bù đắp. Ngân hàng ngày càng quản lý chặt chẽ hơn khoản nợ có khả năng mất vốn này, luôn kiềm chế nó ở một con số hợp lý. Điều này cho thấy sự nỗ lực của ngân hàng trong công tác quản lý nợ nhóm 5. Đây là những món nợ được ngân hàng đánh giá là rất khó thu hồi và phải trích lập dự phòng đến 100% cho các khoản vay trong nhóm nợ này. Chính vì thế, ngân hàng cần có những biện pháp cụ thể trong việc thẩm định, kiểm tra thường xuyên các món vay, tiến hành thu hồi nợ, phát mãi tài sản,… khi cần thiết.

Một phần của tài liệu phân tích rủi ro tín dụng tại agribank chi nhánh huyện tháp mười tỉnh đồng tháp (Trang 61 - 65)