Xã hội loài người là tổng hòa các mối quan hệ đa dạng và phức tạp. Trong bất kỳ xã hội nào, các mâu thuẫn và tranh chấp giữa con người với nhau cũng là một hiện tượng phổ biến, khách quan. Để giữ vững sự ổn định trong xã hội, một trong những biện pháp giải quyết tranh chấp được sử dụng sớm nhất và thường xuyên nhất, đó là hòa giải.
Chế định hòa giải là một chế định quan trọng của PLTTDS Việt Nam. Chế định này được hình thành một cách khách quan trước yêu cầu của đời sống kinh tế, xã hội và chịu sự tác động sâu sắc của các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội và tập quán trong từng giai đoạn phát triển của lịch sử. Theo thời gian, chế định hòa giải đã khẳng định được vai trò của nó trong quá trình Tòa án giải quyết các vụ việc dân sự.
Chế định hòa giải trong PLTTDS Việt Nam đã xác định trách nhiệm của Tòa án trong quá trình hòa giải vụ việc dân sự là giúp các đương sự thỏa
thuận với nhau về giải quyết vụ việc; đồng thời tạo cơ chế bảo đảm cho các đương sự thực hiện quyền tự định đoạt của mình trong quá trình hòa giải.
Từ khi giành được chính quyền đến nay, Nhà nước ta luôn chú trọng đến việc ban hành các văn bản quy định về hòa giải trong TTDS. Vì vậy, đã giúp cho Tòa án có cơ sở pháp lý để hòa giải thành, giải quyết dứt điểm số lượng lớn các tranh chấp dân sự, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tạo nên nội lực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Việc Nhà nước ban hành BLTTDS đánh dấu sự phát triển mới của PLTTDS Việt Nam. Các quy định về hòa giải trong BLTTDS là một bộ phận chủ yếu của chế định hòa giải vụ việc dân sự trong PLTTDS hiện hành. Tuy nhiên, sự phát triển của nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay đòi hỏi phải hoàn thiện hơn nữa chế định hòa giải vụ việc dân sự để phục vụ tốt hơn cho công cuộc đổi mới đất nước.
Chương 2