Các quy định về quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đƣơng sự

Một phần của tài liệu Các qui định của bộ luật tố tụng dân sự việt nam 2004 về hòa giải vụ việc dân sự và thực tiễn thực hiện tại tòa án nhân dân huyện hoài đức, thành phố hà nội (Trang 71 - 75)

các đƣơng sự

Khi phiên hòa giải kết thúc, các đương sự đã tìm ra được tiếng nói chung, đã thỏa thuận được với nhau giải pháp để giải quyết vụ việc một cách phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cả đôi bên và đã được ghi lại trong biên bản hòa giải thành. Tuy nhiên, BLTTDS quy định phải giành cho họ một thời gian cần thiết nữa để suy nghĩ, cân nhắc lại tất cả những nội dung mà họ đã thỏa thuận. Hết thời hạn đó, nếu không có đương sự nào thay đổi ý kiến thì Tòa án mới ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Điều 187 của BLTTDS quy định về việc ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau:

1. Hết thời hạn bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

2. Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

3. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 184 của Bộ luật này mà các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của các đương sự vắng mặt. Trong trường hợp thỏa thuận của họ ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản [34].

Theo quy định này, về thời gian ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự cũng đã được rút ngắn hơn so với quy định trong PLTTGQCVADS. Theo quy định của PLTTGQCVADS thì sau 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến, Viện kiểm sát, tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích chung không có phản đối về sự thỏa thuận đó thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự [14]. Như vậy, theo quy định của BLTTDS thì chỉ có đương sự mới có quyền thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận của họ, còn theo PLTTGQCVADS thì cả Viện kiểm sát và tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích chung cũng có quyền phản đối sự thỏa thuận của các đương sự. Đương nhiên, khi phản đối, Viện kiểm sát và tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích chung phải có lý lẽ giải trình và phải làm theo đúng quy định của pháp luật, nhưng quy định đó là không phù hợp vì sự thoả thuận là do các đương sự tự định đoạt và

Tòa án đã giám sát, định hướng để sự thỏa thuận của họ không vi phạm pháp luật và không trái với đạo đức xã hội. Thời gian bảy ngày để có thể thay đổi ý kiến là phù hợp. Nếu quy định 15 ngày thì cũng bằng thời gian kháng cáo đối với bản án, do đó không có sự khác biệt giữa tự nguyện thỏa thuận giải quyết tranh chấp với bắt buộc phải tuân theo khi Tòa án phán quyết.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 187 của BLTTDS thì Tòa án chỉ có thể ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án. Trường hợp chỉ còn một vấn đề nhỏ trong vụ án mà các đương sự không thỏa thuận được thì Tòa án cũng không được ra quyết định công nhận sự thỏa thuận mà vẫn phải đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, khi xét xử, Tòa án chỉ giải quyết những vấn đề mà các đương sự còn tranh chấp, còn những vấn đề mà các đương sự đã thỏa thuận được với nhau thì được ghi nhận trong bản án, Tòa án không giải quyết lại nếu tại phiên tòa họ vẫn giữ nguyên thỏa thuận đó.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 187 của BLTTDS thì trong trường hợp thỏa thuận của các đương sự có mặt ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản. Tuy vậy, Bộ luật này lại không có quy định về thời hạn đương sự vắng mặt phải có ý kiến bằng văn bản. Đây là một sự thiếu sót gây khó khăn cho Tòa án khi ra quyết định công nhận trong trường hợp có đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải.

Điều 188 của BLTTDS quy định về hiệu lực của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau:

1. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

2. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội [34].

Sở dĩ pháp luật quy định như vậy là vì quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự dựa trên sự hòa giải tự nguyện của các bên và được tiến hành theo một thủ tục chặt chẽ do luật định. Mặt khác, trước khi Tòa án ra quyết định, các đương sự đã có một thời gian cần thiết là 7 ngày để suy nghĩ, cân nhắc lại những điều đã thỏa thuận, nếu xét thấy những điều đã cam kết, thỏa thuận tại phiên hòa giải có điều gì bất lợi và chưa chín chắn thì vẫn có quyền xin thay đổi để đưa ra giải pháp khác. Chính vì có khoảng thời gian an toàn đó mà quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự sau khi được ban hành có hiệu lực pháp luật ngay mà vẫn không hề vi phạm quyền của đương sự.

Như vậy, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự đã khép lại quá trình tố tụng giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên, để đề phòng các sai lầm hay vi phạm pháp luật có thể xảy ra trong quá trình tiến hành hòa giải, pháp luật vẫn quy định quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Nếu không có quy định này, một số Thẩm phán không minh bạch sẽ lợi dụng để ép buộc, lừa dối hoặc phân tích không đúng khiến các đương sự sợ hãi hoặc hiểu lầm mà ký vào biên bản hòa giải, sau ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự không đúng với quy định của pháp luật.

Tuy vậy, hiện nay vẫn còn một vấn đề đang tranh cãi là đối với các vụ án ly hôn, khi Tòa án tiến hành hòa giải, các đương sự nhất trí về đoàn tụ với nhau thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải đoàn tụ thành hay ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự [37]. Có quan điểm cho rằng trong trường

giải đoàn tụ thành mà chỉ có thể ra quyết định duy nhất là quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự [7]. Tại BLTTDS và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đều không có điều khoản nào quy định về việc Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải đoàn tụ thành. Thông thường, khi hòa giải đoàn tụ thành, các đương sự tự nguyện thỏa thuận không ly hôn nữa để về đoàn tụ gia đình thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải phân tích cho nguyên đơn hiểu để nguyên đơn rút đơn và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Song cũng có những trường hợp nguyên đơn không làm đơn rút đơn khởi kiện thì Thẩm phán rất lúng túng trong việc ra quyết định. Nếu ra quyết định công nhận hòa giải đoàn tụ thành thì không phù hợp với quy định của pháp luật, còn nếu ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự mà trong nội dung của quyết định ghi nhận việc tự nguyện thỏa thuận đoàn tụ của các đương sự thì dường như quyết định đó chỉ có ý nghĩa là để chấm dứt quá trình tố tụng chứ không có ý nghĩa trên thực tế. Do vậy, việc bổ sung các quy định về việc ra quyết định đối với trường hợp hòa giải đoàn tụ trong BLTTDS là rất cần thiết.

Một phần của tài liệu Các qui định của bộ luật tố tụng dân sự việt nam 2004 về hòa giải vụ việc dân sự và thực tiễn thực hiện tại tòa án nhân dân huyện hoài đức, thành phố hà nội (Trang 71 - 75)