Nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân

Một phần của tài liệu Các qui định của bộ luật tố tụng dân sự việt nam 2004 về hòa giải vụ việc dân sự và thực tiễn thực hiện tại tòa án nhân dân huyện hoài đức, thành phố hà nội (Trang 115 - 122)

Ý thức pháp luật cao sẽ giúp nhân dân tự giác thi hành pháp luật một cách nghiêm chỉnh. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự vi phạm pháp luật hoặc để xảy ra tranh chấp giữa các bên là do sự hiểu biết pháp luật hạn chế. Rất nhiều trường hợp người dân khi đến Toà được nghe giải thích, phân tích chếmới vỡ lẽ ra là mình đã vi phạm pháp luật và mới nhận thức rằng việc làm của mình là sai. Chẳng hạn, do bực tức Hoàng Văn Tiền mà Nguyễn Trí Đức đã đào hố phân ngay sát cửa sổ của nhà Tiền. Do không chịu nổi sự ô nhiễm nên Tiền đã nhiều lần đề nghị Đức lấp bỏ hố phân đó. Nhưng Đức cho rằng đất của nhà Đức thì Đức muốn làm gì cũng được, không ai có quyền can thiệp. Vì không tự dàn xếp được nên Tiền đành khởi kiện đến

TAND huyện Hoài Đức. Sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, Thẩm phán đã gặp gỡ, trao đổi và phân tích cho Đức hiểu rằng việc làm của Đức đã vi phạm điều cấm của Luật Xây dựng. Sau khi nghe Thẩm phán phân tích và tự tìm hiểu về Luật Xây dựng, Đức biết mình đã sai nên đã chủ động gặp Tiền xin lỗi và tự lấp hố phân cạnh cửa sổ nhà Tiền. Rõ ràng, trong vụ án này, nếu Đức am hiểu pháp luật thì đã không để xảy ra tranh chấp như vậy.

Một ví dụ khác: Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B là hai người bạn thân. Trong một lần đi chơi, A đi xe máy chở B ngồi phía sau. Trên đường đi, do vượt ẩu nên xe do A điều khiển đã va phải 1 xe ô tô đi cùng chiều làm xe của A bị đổ, B bị ngã văng ra đường và chết ngay tại chỗ do vết thương quá nặng. Còn A cũng bị ngã nhưng chỉ bị sây sát nhẹ và được đưa đi cấp cứu kịp thời. Quá trình điều tra, A luôn nghĩ rằng mình cũng là người bị hại. Khi Tòa án triệu tập A đến để giao quyết định đưa vụ án ra xét xử thì A mới vỡ lẽ ra rằng mình cũng là bị cáo. Mặc dù đã được Thẩm phán giải thích và phân tích, A vẫn rất ngỡ ngàng trước tình huống đó.

Qua hai ví dụ trên có thể thấy rằng sự hiểu biết pháp luật của nhân dân ta còn rất hạn chế. Trong những năm qua, mặc dù công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân đã được Nhà nước ta chú trọng, nhưng vẫn chưa ngang tầm với yêu cầu của nhiệm vụ đặt ra. Có nơi, có lúc, việc phổ biến các văn bản pháp luật mới chưa kịp thời, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật chưa phù hợp với từng đối tượng, vùng miền, địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người. Để góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, việc thông tin cập nhật kịp thời các văn bản pháp luật, tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật, mở rộng các hình thức tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho các tầng lớp nhân dân trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết [28, tr. 153].

Một trong những biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hữu hiệu nhất hiện nay mà Tòa án đang áp dụng là mở các phiên tòa xét xử lưu

động tại địa phương nơi xảy ra tranh chấp. Song song với việc nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, Nhà nước cũng cần phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về hòa giải nói chung và hòa giải trong TTDS nói riêng để nhân dân hiểu rõ và phát huy khi có tranh chấp xảy ra. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả của công tác hòa giải trong TTDS.

KẾT LUẬN

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, hòa giải đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, góp phần củng cố khối đoàn kết cộng đồng. Truyền thống này đã vượt qua thử thách thời gian, tồn tại trước những biến cố thăng trầm của lịch sử. Ý nghĩa nhân văn, nhân đạo của hòa giải là mảnh đất, là cội nguồn cho truyền thống này tồn tại và không ngừng phát huy vai trò của nó trong đời sống xã hội [28, tr. 156].

Từ khi giành được chính quyền đến nay, Nhà nước ta luôn chú trọng phát huy vai trò của hòa giải trong việc giải quyết các tranh chấp. Hòa giải đã được pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam quy định là một nguyên tắc, thủ tục của quá trình giải quyết vụ việc dân sự để các đương sự thực hiện quyền tự định đoạt của mình và tạo cơ hội rút ngắn thời gian tố tụng, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án.

Chế định hòa giải vụ việc dân sự tại Tòa án là một chế định quan trọng của PLTTDS Việt Nam. Chế định này được hoàn thiện dần từ năm 1945 đến nay. Sự ra đời của BLTTDS đã đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và của PLTTDS nói riêng. Các quy định của BLTTDS về hòa giải vụ việc dân sự là một bộ phận cơ bản của chế định hòa giải vụ việc dân sự trong PLTTDS Việt Nam. Các quy định này được xây dựng trên cơ sở kế thừa có tính chọn lọc những quy định hợp lý của các văn bản pháp luật tố tụng trước đây như: PLTTGQCVADS; Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế; Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động..., đồng thời có học tập, tiếp thu những điểm phù hợp của pháp luật nước ngoài trong điều kiện thực tế của Việt Nam. Do đó, các quy định của BLTTDS về hòa giải vụ việc dân sự mang tính chặt chẽ hơn và cụ thể hơn so với các văn bản tố tụng trước đây. Việc thực hiện các quy định này trong

giải quyết nhanh chóng, đúng đắn các vụ việc dân sự. Hầu hết các vụ việc hòa giải thành không có kháng nghị và được đương sự tự giác thi hành. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng các quy định của BLTTDS về hòa giải vụ việc dân sự để hòa giải các vụ việc dân sự tại Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội thì thấy có nhiều điểm chưa phù hợp, có những quy định còn gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, cách áp dụng không thống nhất, dẫn đến việc hòa giải chưa đạt hiệu quả cao, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của ngành Tòa án.

Trong tình hình mới hiện nay, nền kinh tế thị trường phát triển như vũ bão, xu hướng hội nhập quốc tế và khu vực diễn ra đồng loạt ở các nước, chúng ta muốn xây dựng một xã hội dân sự thực sự ở Việt Nam thì vấn đề nâng cao hiệu quả công tác hòa giải tranh chấp phải được đưa lên hàng đầu, trong đó vấn đề hòa giải tại Tòa án phải được đặc biệt quan tâm. Để nâng cao hiệu quả của công tác hòa giải tại Tòa án, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTDS về hòa giải; kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành để khắc phục những bất cập, vướng mắc của các quy định hiện hành về hòa giải vụ việc dân sự như: nguyên tắc tiến hành hòa giải, địa điểm hòa giải, thành phần tham gia hòa giải, nội dung hòa giải v.v... Đồng thời, cần chú trọng đến yếu tố con người thông qua việc tuyển dụng, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác xét xử nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ này, trong đó chú trọng bồi dưỡng kỹ năng, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hòa giải trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó chú trọng phổ biến pháp luật về hòa giải, giúp nhân dân nắm vững những quy định của pháp luật, biết được quyền và nghĩa vụ của mình, chủ động hòa giải khi có tranh chấp xảy ra hoặc nếu có thông qua Tòa án thì họ cũng dễ dàng đạt được sự thỏa thuận.

Tóm lại, đất nước muốn phát triển thì xã hội cần phải có sự yên vui. Song cuộc sống của con người thường có những diễn biến phức tạp, bất thường nên rất dễ xảy ra mâu thuẫn và tranh chấp. Nhưng nếu những mâu thuẫn và tranh chấp đó được giải quyết một cách ổn thỏa và dứt điểm thì quan hệ giữa các bên sẽ trở lại bình thường, thậm chí còn có thể tốt hơn trước đây. Một trong những biện pháp giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp hữu hiệu nhất đó là hòa giải. Thông qua hòa giải, các bên có cơ hội để hiểu nhau hơn, dễ dàng thông cảm và bỏ qua mâu thuẫn. Vì vậy, hòa giải đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ nghìn năm nay. Tuy nhiên, có những vụ việc các bên đương sự không thể tự thương lượng được mà phải chọn giải pháp khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Mặc dù Tòa án có chức năng cơ bản là xét xử nhưng đối với các vụ việc dân sự thì xét xử chỉ là giải pháp cuối cùng để đảm bảo mọi tranh chấp trong xã hội đều được giải quyết. Có lẽ mục tiêu đầu tiên của Toà án sau khi thụ lý các vụ việc dân sự là hòa giải để các đương sự tự nguyện thỏa thuận với nhau, rút ngắn quá trình tố tụng. Song cũng chính vì Tòa án là cơ quan hành pháp nên việc hòa giải của Tòa án cũng phải tuân theo những quy định của pháp luật hiện hành. Cùng với thời gian và sự phát triển của kinh tế - xã hội, các quy định của pháp luật luôn luôn có sự biến động để phù hợp với cơ sở hạ tầng mà nó tồn tại. Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải vụ việc dân sự của Tòa án trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước cần phải quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định về hòa giải trong PLTTDS đi đôi với việc hoàn thiện đội ngũ cán bộ Tòa án cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, mỗi cán bộ Tòa án muốn hòa giải thành công thì nhất thiết phải thấm nhuần lời dạy của Bác: "Trong công tác xét xử phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Không chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Tòa án. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân..." [36].

Một phần của tài liệu Các qui định của bộ luật tố tụng dân sự việt nam 2004 về hòa giải vụ việc dân sự và thực tiễn thực hiện tại tòa án nhân dân huyện hoài đức, thành phố hà nội (Trang 115 - 122)