Kiểm tra, đánh giá học sinh

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp dạy học tích cực trong dạy môn chính trị ở trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật miền nam thành phố hồ (Trang 67 - 69)

- Thực hiện đúng tiến trình dạy học trên lớp

3.1.4Kiểm tra, đánh giá học sinh

Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS là khâu quan trọng trong hoạt động dạy học. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ và phương pháp học tập của HS, từ đó ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu, yêu cầu giảng dạy. Đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS cần hướng tới phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của người học. Phương thức kiểm tra, đánh giá HS nhằm thực hiện yêu cầu: giúp người học vừa củng cố, vừa mở rộng kiến thức; điều chỉnh kịp thời những nhận thức sai lầm, đặc biệt là cách tư duy máy móc, rập khuôn, phiến diện. Nội dung kiểm tra, đánh giá phải mang tính chất toàn diện, bao gồm cả kiến thức, kĩ năng và thái độ. Thông qua đánh giá kết quả học tập của HS rèn luyện cho họ năng lực vận dụng lý luận vào xử lý, phân tích các vấn đề thực tiễn.

Đánh giá kết quả học tập của HS có một ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động dạy học. Thái độ và phương pháp học tập của HS như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào phương thức thi, kiểm tra. Cho đến nay, phương pháp đánh giá kết quả học tập môn chính trị của HS nhìn chung vẫn chưa thật sự đảm bảo tính khách quan, khoa học. Do vậy, đổi mới kiểm tra, đánh giá HS thực chất là góp phần đổi mới PPDH và giúp cho việc vận dụng các PPDH tích cực vào dạy học môn chính trị đạt kết quả cao. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là việc kiểm tra, đánh giá HS phải mang tính khách quan, khoa học và toàn diện. Hình thức kiểm tra, đánh giá có thể là thi viết, tự luận, vấn đáp, hoặc kết hợp hình thức tự luận với trắc nghiệm. Nội dung kiểm tra, đánh giá cần tạo điều kiện để HS bộc lộ các năng

lực như: năng lực xử lý thông tin, năng lực giải quyết vấn đề, kĩ năng vận dụng các kiến thức đã học để giải quyết các tình huống xảy ra trong thực tiễn.Chính vì vậy,quy trình kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Xác định mục tiêu kiểm tra

Việc kiểm tra, đánh giá sẽ hướng vào việc bám sát mục tiêu của từng mục, từng chương, từng phần và mục tiêu giáo dục của môn học. Câu hỏi cần trả lời ở đây là: Kiểm tra để làm gì? Kiểm tra để xác định mức độ nhận thức như ghi nhớ, ứng dụng, giải quyết tình huống sau bài học, sau mỗi một chương hay kết thúc môn học. Kiểm tra để thu nhận thông tin cho việc điều chỉnh hoạt động dạy học, kiểm tra phân loại học sinh,... Trên cơ sở xác định rõ mục tiêu kiểm tra, giảng viên xây dựng các câu hỏi kiểm tra cho phù hợp.

Bước 2: Nghiên cứu nội dung học tập cần kiểm tra để xây dựng bộ công cụ đánh giá.

Hướng tới yêu cầu kiểm tra, đánh giá công bằng, khách quan kết quả học tập của học sinh, bộ công cụ đánh giá sẽ được bổ sung bằng các hình thức đánh giá khác nhau: đưa thêm dạng câu hỏi, bài tập trắc nghiệm, chú ý hơn đánh giá cả quá trình lĩnh hội tri thức của học sinh, quan tâm tới mức độ hoạt động tích cực, chủ động của học sinh trong từng tiết học, kể cả ở tiết tiếp thu tri thức mới lẫn tiết thực hành xêmina. Hệ thống câu hỏi kiểm tra, đánh giá cũng cần thể hiện sự phân hóa, đảm bảo 65–70% câu hỏi, bài tập đo được mức độ đạt trình độ chuẩn, tức là đạt được mặt bằng về nội dung học vấn dành cho mọi học sinh và 30 – 35% còn lại phản ánh mức độ nâng cao, dành cho học sinh có năng lực trí tuệ và thực hành cao hơn. Hiện nay tại trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Miền Nam các giảng viên giảng dạy môn học này cần xây dựng ngân hàng câu hỏi để kiểm tra đảm bảo tính khách quan, chính xác trong dạy và học.

Bước 3: Tổ chức kiểm tra, chấm bài, tổng hợp kết quả

- Tổ chức kiểm tra cần tuân thủ đúng quy chế, thực hiện kiểm tra nghiêm túc, trung thực; giảng viên có thể sử dụng câu hỏi trắc nghiệm khách quan kiểm tra nhận thức của học sinh trên máy vi tính, hoặc kiểm tra đánh giá bằng câu hỏi

- Tiến hành chấm bài theo quy định, công tâm, chính xác, khách quan, trung thực, tránh tối đa ảnh hưởng chủ quan của người chấm;

- Tổng hợp kết quả, phân tích số liệu, phân loại năng lực học tập của HS.

Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến phản hồi của học sinh, rút kinh nghiệm, tìm nguyên nhân để điều chỉnh và đổi mới phương pháp dạy học

Để tổ chức lấy ý kiến phản hồi của học sinh, giảng viên cần phải thiết kế phiếu trưng cầu ý kiến đánh giá của học sinh: Về nội dung chuyên môn; về độ cập nhật thông tin; về hoạt động dạy và học trên lớp, về giờ xêmina thảo luận; về cách thức giao nhiệm vụ và cách đánh giá kết quả tự học, tự nghiên cứu của học sinh; về thái độ, kiến thức và kỹ năng mà học sinh có được sau khi học xong môn học.

Giảng viên phải nghiêm túc xem xét kết quả các phiếu trưng cầu ý kiến của học sinh để tự điều chỉnh mục tiêu, nội dung môn học, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá. Khuyến khích giảng viên báo cáo kết quả phản hồi của học sinh cho khoa để rút kinh nghiệm cho các bộ môn khác.

Tóm lại, quy trình để thực hiện việc vận dụng PPDH tích cực môn chính trị phải đảm bảo những nguyên tắc xây dựng quy trình ; đảm bảo quy trình thiết kế bài giảng; quy trình thực hiện bài giảng trên lớp và đảm bảo quy trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh khi vận dụng phương pháp tích cực

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp dạy học tích cực trong dạy môn chính trị ở trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật miền nam thành phố hồ (Trang 67 - 69)