Hệ thống luật pháp có liên quan lĩnh vực tín dụng còn bất cập:

Một phần của tài liệu Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (Trang 54 - 58)

Mặc dù các luật, văn bản dưới luật chi phối hoạt động NH đã được sửa đổi, bổ sung rất nhiều cho phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; song, vẫn còn vướng mắc, bất cập. Cụ thể một số trường hợp như sau:

Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành để có những văn bản chung rất khó khăn và còn mâu thuẫn với thực tế:

Cơ quan công chứng không công chứng hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai. Điều 320 Bộ luật dân sự 2005 đã quy định: “Vật dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là vật hiện có hoặc hình thành trong tương lai”. Quy định này đã tạo điều kiện cho các NH tham gia tài trợ cho các dự án đầu tư xây dựng, mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất,… Dù người vay chưa phải là chủ sở hữu/sử dụng của các tài sản này vào thời điểm vay vốn. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các công chứng viên hiện nay không công chứng giao dịch thế chấp tài sản hình thành trong tương lai khi viện dẫn khoản 1, điều 41 Nghị định 75/2000/NĐ-CP ngày 8/12/2000 về công chứng, chứng thực. Theo đó, “ Trong trường hợp, hợp đồng liên quan đến tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì người yêu cầu công chứng, chứng thực phải có đầy đủ giấy tờ để chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đó … ”, các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cũng không thực hiện đăng ký.

Để giải quyết vấn đề trên, ngày 9/5/2007 Bộ tư pháp đã có công văn số 2057/BTP-HCTP ghi rõ “Các phòng công chứng căn cứ từng trường hợp cụ thể để chứng nhận các hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp”và công văn số 232/ĐKGDBĐ- NV ngày 4/10/2007 hướng dẫn các bên đăng ký hợp đồng thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua nhà ở và được đăng ký tại một trong các trung tâm đăng ký giao dịch tài sản thuộc Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm. Từ đó, phát sinh hai vấn đề:

+ Thứ nhất, câu “các phòng công chứng căn cứ từng trường hợp cụ thể” là rất không rõ ràng nên các công chứng viên có quyền từ chối công chứng và chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.

+ Thứ hai, các trung tâm đăng ký giao dịch tài sản thuộc Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm không đăng ký vì cho rằng đó là trách nhiệm của các trung tâm, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nếu đưa các quyền này vào trong hợp đồng thế chấp.

Vì vậy, hầu hết các NH đều chọn giải pháp ký hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai không qua công chứng và giao dịch bảo đảm, đợi đến khi tài sản hình thành và có đủ giấy tờ chứng minh thì sẽ công chứng hợp đồng thế chấp và giao dịch bảo đảm. Có trường hợp, KH vay vốn đã bán tài sản khi nó chưa hình thành trong tương lai nhưng NH không có khả năng kiểm soát và ngăn chặn.

Bất cập trong xây dựng cơ chế và thực thi xử lý tài sản đảm bảo:

- Tại Điểm 1 Điều 68 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ về giao dịch bảo đảm: “Trong trường hợp không có thỏa thuận phương thức xử lý TSĐB là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì các tài sản này được bán đấu giá”. Trên thực tiễn hiện nay, cơ chế phát mãi tài sản các cơ quan vẫn thực hiện theo thông tư liên bộ số 03/2001/TTLT-NHNN-BTP-BCA- BTC-TCĐC giữa liên bộ NHNN, Bộ tư pháp, Bộ công an, Bộ tài chính, Tổng cục địa chính ngày 23/4/2001 (gọi tắt là thông tư 03) Hướng dẫn việc xử lý TSĐB tiền vay để thu hồi nợ cho các TCTD. Thông tư liên bộ này được soạn thảo căn cứ vào khoản 2 Điều 39 Nghị định 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 (mà Nghị định 178 đã hết hiệu lực theo nội dung Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006).

- Tại Khoản 2 – Mục III Phần B thông tư 03 quy định: Trong trường hợp không có thỏa thuận phương thức xử lý TSĐB là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì các tài sản này được bán đấu giá hoặc khởi kiện tại tòa án. Việc này gây cản trở rất nhiều cho các NHTM khi xử lý TSĐB là quyền sử dụng đất theo trình tự của pháp luật: NH phải chuyển hồ sơ phát mãi TSĐB sang Trung tâm đấu giá để xử

lý nhưng hoạt động của Trung tâm đấu giá thuộc Sở tư pháp còn kém hiệu quả và mất nhiều thời gian.

- Theo khoản 3 – Mục III, Phần B của thông tư 03 thì NHTM phải xin phép Ủy ban nhân dân cấp thẩm quyền cho phép bán đấu giá với quy trình nhiều thủ tục và mất nhiều thời gian.

Qua đó cho thấy, hành lang pháp lý chưa ủng hộ công tác thu hồi nợ của NHTM và gián tiếp làm tăng mức độ tổn thất tín dụng.

KẾT LUẬN CHƯƠNG II

Trong chương II, tác giả đã phân tích các vấn đề liên quan đến hoạt động tín dụng và công tác quản trị RRTD của NHĐT giai đoạn 2007 – 2009. Cụ thể gồm các nội dung sau:

- Tình hình kết quả hoạt động kinh doanh của NHĐT.

- Tình hình hoạt động tín dụng: phân tích cụ thể về cơ cấu dư nợ tín dụng; tình hình nợ quá hạn, nợ xấu của NHĐT; nguyên nhân dẫn đến nợ quá hạn, nợ xấu trong thời gian qua.

- Công tác quản trị RRTD: những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong quản trị RRTD của NHĐT. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã nêu một số các hạn chế của các cơ quan quản lý và hệ thống luật pháp có liên quan đến lĩnh vực tín dụng trong thời gian qua.

CHƯƠNG III: CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN ĐẠI TÍN

Một phần của tài liệu Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (Trang 54 - 58)